Các nhà báo trước khi bước vào phòng cách ly để tác nghiệp đều phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy định về bảo hộ.
LTS: Chúng tôi xin gọi những đồng nghiệp xông pha trong các “điểm nóng” của dịch Covid-19, có mặt nơi hiện trường bão lũ, sạt lở ở miền Trung vừa qua là những “nhà báo - chiến sĩ” nơi tuyến đầu. Trong số báo đầu năm mới này, Báo Nhà báo và Công luận ghi lại những câu chuyện của một vài gương mặt trong số rất nhiều những cây bút quả cảm ấy, như một cách tôn vinh họ, cũng là để thắp lên và lan tỏa ngọn lửa của tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm, trái tim tận tụy yêu nghề của những người làm báo trong thời bình.
Tôi trả lời rằng: Với những gì mà người làm báo đã trải qua, đã dấn thân, đã cống hiến thì câu chuyện đó không bao giờ cũ cả. Đặc biệt, hoàn cảnh tác nghiệp “chưa từng có” như vậy sẽ mãi là dấu ấn “lịch sử”, không chỉ với bản thân người làm báo mà còn là câu chuyện lịch sử đặc biệt của giới báo chí cả nước.
Điều quan trọng nhất…
Tôi quen nhà báo Phú Khánh nhiều năm nhưng để gặp anh quả thực không dễ, bởi suốt mười mấy năm trong nghề, anh đúng chất là phóng viên có duyên với “điểm nóng”. Trên các tuyến đầu của dịch bệnh, bão lũ... anh đều lăn lộn, đam mê, ít sự kiện là thấy cuồng chân, buồn tẻ.
Tâm sự về những ngày tác nghiệp trong đại dịch Covid-19, nhà báo Phú Khánh chia sẻ: Tôi nhớ một đồng nghiệp trẻ trong những ngày cao điểm cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nói rằng: “Chúng tôi cũng có quyền được chọn việc nghỉ ngơi 1-2 tháng không làm việc. Nhưng nghề này không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Đi làm không chỉ vì chính mình, không chỉ vì kinh tế nuôi gia đình... Đến một ngày nhiều năm nữa, chúng tôi sẽ tự hỏi: “Ta đã ở đâu trong dịch Covid-19 ngày ấy?”. Mỗi ngày trở về nhà sau khi đi làm, tôi lại tự hỏi có nên tự cách ly mình với gia đình. Có những đêm trằn trọc không ngủ. Tôi thực sự lo lắng. Và hôm nay, tôi chính thức ra khỏi nhà, tìm chỗ ở và cách ly với gia đình thân yêu của mình”. Lúc đó, người phóng viên ấy chuẩn bị bước vào hành trình 5 ngày cùng đồng hành với các y bác sỹ CDC Hà Nội để cùng “săn” Covid-19.
Dù cảm thấy mình may mắn nhưng nhà báo Phú Khánh hay những đồng nghiệp trong những ngày tác nghiệp “đặc biệt” ấy vẫn không ít trăn trở. “Chúng tôi vẫn tự hỏi mình ngay từ lúc bắt đầu chụp ảnh, quay phim, làm tin bài về những người có liên quan đến Covid-19 rằng: điều gì là quan trọng nhất? Và câu trả lời bao giờ cũng là sức khỏe và thông tin kịp thời đều quan trọng như nhau. Sức khỏe là bởi đằng sau mỗi phóng viên còn là cơ quan, gia đình. Thông tin thì không thể thiếu. Và để vẫn có mặt ở những “điểm nóng” và vẫn an toàn, chúng tôi luôn hiểu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch. Trong ba lô máy ảnh ai cũng phải có ít nhất 1,2 bộ đồ phòng hộ do cơ quan cấp hoặc tự trang bị. Ở nhà thì phải có sẵn nhiều hơn vì có ngày riêng tôi cũng đã sử dụng hết 3 bộ đồ phòng hộ cho 3 địa điểm khác nhau. Chưa kể máy móc mỗi lần ra vào khu cách ly đều được “tắm” hóa chất ít nhất 3 lần, ai mà không xót xa. Chúng tôi vẫn tự nhắc nhau, an toàn cũng chỉ là tương đối thôi, tốt nhất có áo mưa giấy thì mặc thêm vào cho yên tâm... Nói vậy chứ ai cũng có lo lắng, và tìm cách tự cách ly, hoặc chí ít là hạn chế tiếp xúc với người thân” - nhà báo Phú Khánh chia sẻ.
Trong cao điểm dịch bệnh, nhu cầu thông tin của nhân dân là rất lớn. Khi tác nghiệp, những phóng viên hiện trường luôn tìm cách làm sao đăng tải thông tin, hình ảnh sớm nhất, đầy đủ nhất. Vì thế, ba lô vốn dĩ đã nặng với máy ảnh, máy quay thì nay ít nhất phải có 2 máy tính, 2 cục sạc dự phòng để đảm bảo thiết bị không hết pin giữa chừng cũng như thiết bị 4G không bị gián đoạn. Không chỉ vậy, cảm giác khó nhất khi làm việc đó là không thể hỏi chuyện những nhân vật trong phóng sự của mình dù có khi họ chỉ là những người nghi nhiễm Covid-19. Nhà báo Phú Khánh cho biết: “Cái khó ló cái khôn, chúng tôi nghĩ ra cách hỏi họ số điện thoại từ xa, rồi bấm máy nói chuyện, vẫn đảm bảo thông tin mà cũng đảm bảo khoảng cách phòng dịch. Điều may mắn là không ai khó chịu mà luôn tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi tác nghiệp”.
Những điều còn lại…
Nhắc đến những kỷ niệm tác nghiệp trong đại dịch, sự xúc động hiển hiện trên gương mặt người làm báo vốn đã dạn dĩ trên nhiều “mặt trận” này. Nhà báo Phú Khánh tâm sự: Quả thực, những câu chuyện mà chúng tôi ghi lại không chỉ là những thông tin hay với độc giả mà còn là những điều còn đọng lại mãi trong chúng tôi. Ngoài việc “chạy” thông tin hiện trường, tôi còn được cơ quan phân công dự đưa tin các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội và có lẽ trong đời làm báo của mình, chưa bao giờ tôi được đi họp nhiều như vậy. Có ngày họp đến 3 lần. Mỗi lần họp khẩn tôi biết lại có một sự kiện nóng sẽ xảy ra và tôi cùng các đồng nghiệp đều cùng cảm xúc là mình đang sống trong dòng lịch sử, đi cùng lịch sử và ghi lại lịch sử. Những chỉ đạo liên tục, chính xác của lãnh đạo TP. cũng tạo cho chúng tôi sự yên tâm và tin tưởng rằng chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch nguy hiểm này.
Những điều còn lại với tôi trong lúc này, đó còn là câu chuyện ngày 8/3 đặc biệt của những nữ bác sỹ Công an TP. tại khu cách ly tập trung ở Bệnh viện Công an TP. – nơi cách ly người nước ngoài và du học sinh Việt Nam. Ngày Quốc tế phụ nữ đó, họ cùng nhau góp tiền mua từng bông hoa tặng những người đang trong phòng cách ly trong khi chính họ thì cũng chẳng có ai tặng hoa. Nụ cười tươi trên gương mặt hằn vết khẩu trang của họ khiến tôi thật xúc động và hiểu rằng, mình thật may mắn khi được đồng hành với những con người bình dị biết bao ấy. Rồi hình ảnh những chiến sĩ công an tuần tra đêm bảo vệ ANTT; những người tử tế cùng góp gạo tặng người khó khăn; những bà Tổ trưởng Tổ dân phố thức thâu đêm ở chốt phòng dịch...
Những con người anh từng gặp, những câu chuyện anh ghi nhận, phỏng vấn trong mỗi dòng tin tức, mỗi phóng sự dường như cứ ùa về trong ký ức, đến nỗi dường như Phú Khánh nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất. “Và còn nữa, những tâm sự bình dị của những y bác sỹ trong tâm dịch Hạ Lôi của CDC Hà Nội. Tôi vẫn thấy khóe mắt cay cay trước những lời chia sẻ của họ sau khi Hạ Lôi được dỡ cách ly: “Cách đây tròn một tháng, chẳng ai trong số chúng tôi có thể mường tượng ra cái viễn cảnh ngồi cùng nhau cười như thế này sớm vậy. Lúc ấy thậm chí chỉ nghĩ còn mẫu không? Mẫu sắp về mấy nghìn mẫu? Có cơm chưa, đói lắm rồi?... chẳng còn ý niệm về thời gian cũng như ngày cuối tuần là gì. Có hôm tháo bảo hộ, ngẩng mặt lên cũng ngót nghét gần nửa đêm. Là chúng tôi đấy các bạn ạ. Chúng tôi đánh đổi mồ hôi giữa trưa Hạ Lôi nóng bức, và hơn hết, chúng tôi sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng vào cuộc chiến lần này…” - nhà báo Phú Khánh xúc động nhớ lại.
Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận