Chuyện của những "Nhà báo- Chiến sĩ" nơi tuyến đầu Nhà báo Đoàn Hữu Trung: 'Hạnh phúc của người làm báo là có mặt ở điểm nóng, sẻ chia với đồng bào' (05/01/2021-15:56)
Với hơn 25 năm làm nghề, nhà báo Đoàn Hữu Trung- phóng viên cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam đã có nhiều chuyến đi, nhiều bài viết về cuộc sống con người nơi đây. Năm 2020, anh luôn có mặt ở những điểm nóng về thiên tai, kiên cường bám địa bàn và chia sẻ khó khăn với bà con.
Bức ảnh nhà báo Đoàn Hữu Trung bật khóc tại hiện trường khi thấy hình ảnh thi thể cháu nhỏ trong lớp bùn đất khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Ảnh: Hoàng Thế Lực.
Làm tin dưới ánh đèn điện thoại
Do ảnh hưởng của mưa bão, thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp hứng chịu những hậu quả nặng nề. Luôn theo dõi các vấn đề thời sự và để có dòng thông tin chính thống gửi đến độc giả, trong đợt mưa lũ lần này nhà báo Đoàn Hữu Trung không quản ngại ngày hay đêm, kịp thời có mặt ở những điểm ngập lụt và sạt lở để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất tới độc giả.
Trong số nhiều cơn bão quét qua các tỉnh miền Trung, cơn bão số 9 có lẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn cả. 16 giờ chiều ngày 28/10, khi bão số 9 vừa dứt, nhà báo Đoàn Hữu Trung bắt đầu đi nắm tình hình về thiệt hại do bão số 9 gây ra ở một số địa phương ven biển thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đến 18h, nhận được thông tin Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Thăng Bình anh đã xin phép cơ quan và đi cùng xe của văn phòng tỉnh ủy theo đoàn để kịp thời thông tin về sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Nhà báo Đoàn Hữu Trung nhớ lại: “Mãi đến hơn 20 giờ đêm 28/10, tại trụ sở UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về bão số 9 mới kết thúc. Trở về cơ quan sau cuộc họp nhưng cả tỉnh Quảng Nam mất điện, tôi cùng anh em đồng nghiệp di chuyển sang Đài PTTH Quảng Nam để dùng nhờ điện máy nổ, để kịp thời gửi thông tin về tòa soạn”.
Đến 22 giờ, sau khi hoàn thành bản tin truyền hình tại Đài PTTH Quảng Nam, anh Trung trở về trụ sở văn phòng thường trú. Ăn vội bát mì tôm, nghỉ ngơi được một lúc, điện thoại anh bắt đầu reo. Đầu bên kia một đồng nghiệp của anh cho biết ở xã Trà Leng của huyện Nam Trà My một ngôi làng của đồng bào bị núi sập, cả làng bị vùi lấp. Và Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện khẩn. Để kiểm tra lại thông tin này, anh đã gọi điện thoại đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để xác minh, đồng thời hỏi thêm về quá trình thực hiện cứu hộ.
Anh Trung nhớ lại: “Nhận thấy đây là một tin tức quan trọng phải đăng tải sớm, tôi đã bắt tay vào làm luôn, nhưng khó khăn nhất giữa lúc này là mất điện, mạng không có. Loay hoay một hồi, tôi sực nhớ máy tính xách tay của phóng viên cùng cơ quan còn điện. Trong ánh sáng của đèn điện thoại di động, tôi viết bản tin “Khẩn trương cứu hộ các nạn nhân vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My” gửi về ban biên tập đúng 23h30”.
Những giọt nước mắt bên máy quay
Sáng sớm ngày 29/10, trời mưa to, nhà báo Đoàn Hữu Trung đi nhờ xe của Văn phòng tỉnh ủy Quảng Nam nhằm hướng xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My để di chuyển. Nhưng đoàn phải dừng lại ngay trên Quốc lộ 40B, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My vì trên tuyến đường này có ít nhất 5 điểm sạt lở nặng, giao thông giữa hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My ách tắc hoàn toàn. Trong thời gian chờ thông đường, anh đã gọi điện phỏng vấn thêm về tình hình tại xã Trà Leng, phỏng vấn những khó khăn của lực lượng cứu hộ, những người trực tiếp đối mặt với hiểm nguy, hoàn thiện các bản tin trong nước và tin truyền hình.
Phần lớn các phóng viên đều tiếp cận thông tin qua điện thoại, là phóng viên ai cũng mong muốn tiếp cận hiện trường để có hình ảnh chân thực nhất, nhưng đường chưa được thông, không thể tự đi được. Đã có cán bộ gợi ý anh tiếp cận xã Trà Leng bằng đường thủy, nhưng anh nhận thấy mưa lớn, nước lũ lên cao đi bằng đường thủy sẽ rất nguy hiểm. Anh Trung chia sẻ: “Đối với phóng viên tác nghiệp mùa mưa bão, thông tin hình ảnh trực tiếp tại hiện trường là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là an toàn, mình nên tuân thủ hướng dẫn và các khuyến cáo của lực lượng chức năng”.
Là phóng viên thường trú nên nhiệm vụ của anh không chỉ chụp ảnh, viết tin mà còn có những bản tin truyền hình được cập nhật và thực hiện thường xuyên. Những bài viết, hình ảnh xúc động của anh được đăng tải và phát sóng không chỉ cập nhật tình hình, mà còn khơi gợi tình đồng bào, tôn vinh những việc làm cao cả, những con người nhân ái hướng về miền Trung ruột thịt trong thời khắc khó khăn nhất.
Bước vào cuộc tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích tại thôn 1, xã Trà Leng sáng ngày 30/10, một tốp cán bộ chiến sĩ của Quân khu 5 trong lực lượng tìm kiếm người mất tích thông báo đã tìm thấy dấu vết. Ngay lập tức, tất cả các phương tiện tạm dừng, thay vào đó là bới đất bằng đôi bàn tay của người lính. Một lúc sau, cả mấy chục người lính lặng thinh khi tận mắt chứng kiến đồng đội nhẹ nhàng nâng lên một bé gái gần 2 tuổi.
Ngay sau đó, hình ảnh phóng viên bật khóc khi thi thể một cháu bé được đưa lên từ bùn đất của phóng viên Hoàng Thế Lực (Báo điện tử Chính phủ) được ghi lại và đăng tải. Hình ảnh đó đã làm lay động trái tim của hàng triệu bạn đọc cả nước. Nhà báo Đoàn Hữu Trung cho hay: “Tôi đứng cách bé gần 2 mét và không thể quay được cảnh này, dù máy móc đã chuẩn bị sẵn sàng. Chắc chắn ai cũng sẽ giống như tôi khi chứng kiến đồng bào mình gặp nạn như vậy”.
Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
Luôn phản ánh hơi thở cuộc sống, hết đại dịch Covid-19 đến mưa lũ, những nhà báo phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Nam dù ngày hay đêm họ vẫn tiếp tục miệt mài với công việc để góp phần cho dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy.
Tác nghiệp vùng lũ, không thể kể hết những khó khăn, vất vả và hiểm nguy. Nhưng điều khiến các anh luôn cảm thấy ấm lòng là nhờ thông tin được kịp thời truyền đi, những tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước đã đến với người dân vùng lũ Quảng Nam, kịp thời sẻ chia những mất mát đau thương, hỗ trợ không để người dân phải chịu đói, thiếu nơi ở.
Để lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, nhà báo Hữu Trung đã tích cực đưa nhiều tin bài về công tác hỗ trợ đồng bào, nói lên những khó khăn mà đồng bào đang gặp phải để việc hỗ trợ đi vào thực chất. Thực tế cho thấy, ngay sau khi cơn bão đi qua, lãnh đạo TTXVN đã lập nhiều đoàn hỗ trợ đi dọc các tỉnh miền Trung để thăm hỏi tặng quà những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau lũ.
Nhà báo Hữu Trung cho biết: “Bản thân tôi cũng phối hợp với các đồng nghiệp ở Báo Tin tức - TTXVN để lên danh sách những hộ gia đình cần hỗ trợ, tôi cũng kết nối cho một số doanh nghiệp phía Nam hỗ trợ những vật dụng cần thiết để người dân tái thiết sau bão, trẻ em sớm được đến trường. Tất cả làm sao để số tiền và hàng hóa cứu trợ được sử dụng một cách hiệu quả nhất”.Tác nghiệp trong mùa mưa bão, ở góc cạnh nào đó sẽ giúp phóng viên có những trải nghiệm và có thêm nhiều kinh nghiệm về đảm bảo an toàn trong quá trình tác nghiệp sau này.
Sau lụt bão, nhiều phóng viên tiếp tục đồng hành cùng đồng bào trong công cuộc tái thiết, xây dựng lại trên nền đổ nát. Mọi khó khăn sẽ qua đi, niềm hạnh phúc của người làm báo đôi khi chỉ đơn giản là có mặt ở những điểm nóng, sẻ chia với đồng bào và có được thông tin chính xác, hình ảnh sinh động, gửi đến bạn đọc.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com