AI đang là xu hướng công nghệ được quan tâm thời gian gần đây. Ảnh: Savvycom
Dự án tích hợp AI trong giao tiếp hai chiều giữa báo chí và độc giả được Thanh Niên ra mắt trong ngày 5/1, được coi là cột mốc quan trọng trong việc thay đổi cách tiếp cận báo chí trong thời đại 4.0.
Đây cũng là lần đầu tiên một tờ báo điện tử tại Việt Nam ứng dụng AI để giao tiếp với bạn đọc. Cách làm của Thanh Niên sẽ giúp độc giả tương tác với nội dung mình muốn đọc, hoặc cá nhân hóa nội dung muốn tiếp cận thay vì bị động như trước.
Tại Việt Nam, các công ty cũng ráo riết ứng dụng AI trong các lĩnh vực của mình để tăng tính hiệu quả và giảm thiểu các nguồn lực không cần thiết. Mới đây, FPT cho ra mắt Voice Maker, một ứng dụng AI giúp chuyển đổi văn bản thành giọng nói với khả năng nhận diện tiếng Việt ở nhiều vùng miền khác nhau rất suôn sẻ. Trong khi Zalo cũng ra mắt trợ lý ảo thông minh Việt Kiki tại hội thảo Zalo AI Summit 2020 vừa qua.
Ngoài ra, một số công ty logistics còn ứng dụng AI trong việc phân loại hàng hóa và tối ưu lộ trình giao vận; các dịch vụ giao đồ ăn cũng ứng dụng AI để giúp nhân viên của họ phân phối hiệu quả các đơn hàng và tránh các điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Nhiều website cũng như nhãn hàng đang sử dụng các bot chat tích hợp AI để thay nhân viên tự động định danh và phản hồi khách hàng trong một số nội dung nhất định.
Trí tuệ nhân tạo chỉ có thể “trưởng thành” hơn nhờ vào khả năng máy học dựa trên các nguồn dữ liệu đầu vào phong phú, trong đó con người là nguồn dữ liệu vô tận. Nên AI vẫn cần tiếp cận tới những khía cạnh thiết thực hơn trong cuộc sống, chứ không chỉ ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên dụng như robot, quốc phòng hay nghiên cứu vũ trụ.
Hiện nay một số ứng dụng của AI sẵn sàng đồng hành trong cuộc sống hằng ngày để giúp người dùng cá nhân hóa các lựa chọn của mình và đây cũng là lúc mà AI cần được hiểu theo “ngôn ngữ” bình dân hơn. Có lẽ đó cũng sẽ là cuộc cách mạng và là sứ mệnh tiếp theo của AI: Phổ cập đến mọi người.
Theo PV/Báo Nhà báo và Công luận