Nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo VietNamNet: Mỗi ngày một câu chuyện tử tế, lan tỏa năng lượng tích cực (06/01/2021-10:32)
“Không ai mỗi sớm thức dậy lại không muốn nhìn một thiên nhiên đẹp đẽ, một gương mặt thân thiện và một hành động ấm lòng. Mỗi bài báo chứa đựng những điều tốt đẹp là khởi nhịp cho một ngày mới đầy niềm tin và hy vọng”. Đó là chia sẻ của nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo VietNamNet.
Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Biên tập báo VietNamNet phát biểu tại hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020.
Báo Nhà báo và Công luận xin được trích nguyên văn bài phát biểu của Tổng biên tập Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021:
Năm 2020, báo chí đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang khốc liệt, với sự bùng nổ thông tin trên không gian mạng. Điều đáng lo ngại là đã xuất hiện hàng loạt những thông tin giả, tin sai sự thật, video xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận đang tồn tại thông tin vô thưởng vô phạt, những câu chuyện tiêu cực khiến độc giả có cảm giác mất niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Trong bối cảnh như vậy, những cơ quan báo chí chính thống đã và đang đi đầu trong công tác tuyên truyền gương người tốt việc tốt, lan tỏa thông tin tích cực tới độc giả, trong đó có báo VietNamNet. Mỗi sáng mở trang báo là độc giả có ít nhất một câu chuyện tích cực như một nguồn năng lượng mới để bắt đầu một ngày đầy hứng khởi.
Điểm thứ nhất: Luôn bắt đầu ngày mới bằng câu chuyện tử tế, lan tỏa năng lượng tích cực
Định hướng này bắt đầu từ 2 năm trước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương và trực tiếp là Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Mỗi sáng mở trang báo là độc giả có ít nhất một câu chuyện tích cực như một nguồn năng lượng mới để bắt đầu một ngày đầy hứng khởi. Với hơn 600 bài báo trong một năm qua, VietNamNet đã giới thiệu nhiều tấm gương điển hình nhưng rất đỗi bình dị.
Đó là câu chuyện của đôi bạn Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh ở Thái Bình. Hơn 10 năm Hiếu đã cõng Minh bị tật nguyền đến trường. Hai em cùng nhau rèn luyện học tập và cùng đỗ đại học với số điểm cao. Ngô Minh Hiếu đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay hãy sống một đời ý nghĩa, tin vào sự chân thành luôn hiện hữu ở mọi nơi thông qua những hành động nhỏ bé.
Câu chuyện về ông Bùi Công Hiệp ở TP.HCM cho người đọc niềm tin hướng thiện bởi ông Hiệp đã tặng cả cơ ngơi 100 tỷ làm nơi cư trú cho trẻ em cơ nhỡ. Ông cũng dành phần đời còn lại để làm cha của hơn 100 trẻ em ở mái ấm Thiên Thần. Bài viết về ông Hiệp nhận được hàng nghìn chia sẻ và bình luận từ độc giả. Nhiều người bày tỏ sự cảm kích trước tâm sự của ông: “Phải đùm bọc, dạy dỗ lo lắng cho các con chứ không phải chỉ quăng tiền ra rồi nhờ bảo mẫu trông. Đã là cha con thì việc cha để lại gia sản cho con không có gì lạ. Tôi không hề luyến tiếc về điều đó mà ngược lại rất hạnh phúc”.
Một câu chuyện khác, trên vùng núi Hà Giang, cô giáo Trương Thị Nhượng ngày đêm quyên góp, từ thiện. Đến nay, cô đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây được nhiều điểm trường, nhiều cây cầu, ngôi nhà cho người dân vùng cao. Có thời điểm trong vòng 2 tháng, cô Nhượng kêu gọi được 400 triệu đồng để xây 1 trường học. Sau khi VietNamNet đăng tải, cô Nhượng được các đồng nghiệp, lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương quan tâm và giúp sức để kêu gọi được nhiều công trình từ thiện hơn.
Hay trên vùng núi Hà Giang, cô giáo Trương Thị Nhượng ngày đêm quyên góp, từ thiện. Đến nay, cô đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây được nhiều điểm trường, nhiều cây cầu, ngôi nhà cho người dân vùng cao. Có thời điểm trong vòng 2 tháng, cô Nhượng kêu gọi được 400 triệu đồng để xây 1 trường học. Sau khi VietNamNet đăng tải, cô Nhượng được các đồng nghiệp, lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương quan tâm và giúp sức để kêu gọi được nhiều công trình từ thiện hơn.
Điểm thứ hai: Phát hiện những nhân vật sáng tạo, tiếp sức cho họ
Cô giáo Hà Ánh Phượng, người vừa được vinh danh trong top 10 "giáo viên toàn cầu là nhân vật VietNamNet phát hiện đầu tiên. Ngôi trường nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy những năm gần đây được coi là điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và học của tỉnh Phú Thọ. Ngôi trường này có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới. Cô giáo Phượng không chỉ là một tấm gương người tốt đơn thuần mà sáng kiến của cô đã mở ra một phương pháp giáo dục mới, có thể được áp dụng cho nhiều trường ở các địa phương khác.
Một tấm gương điển hình khác là cô gái dân tộc tên Chal Thi, người tạo ra hướng đi mới cho cây dừa với sáng chế mới từ mật hoa dừa, tạo ra sản phẩm cho thu nhập cao. Khi cây dừa đang rớt giá, sáng chế của chị Chal Thi cứu nguy cho bà con, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Chị cũng chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ dân trong vùng, giúp họ có thu nhập vững vàng và quảng bá sản phẩm ra nước ngoài.
Có rất nhiều tấm gương sáng tạo nhưng họ chưa được biết đến. Báo chí đóng vai trò kết nối với độc giả qua các bài viết tích cực. Hiệu ứng sau các bài viết rất rõ rệt, không chỉ dừng lại ở mức lan tỏa mà nhiều dự án, kế hoạch của những nhân vật được phản ánh trong bài viết đã được chấp cánh để sớm trở thành hiện thực.
Điểm thứ ba: Những tấm gương trong dòng chảy thời cuộc
Từ khóa của năm 2020 chính là “đại dịch”. Trong quá trình tác nghiệp đưa tin, các phóng viên VietNamNet chứng kiến những ngày tháng cam go gồng mình vừa phòng dịch vừa chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Họ là những bác sĩ tuyến đầu có mặt ở ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), xách ba lô vào Đà Nẵng khi ở đây bùng phát thành ổ dịch. Trong số đó, luôn có bác sĩ Nguyễn Trung Cấp. Ông và các đồng nghiệp đã có những quyết định mang tính bước ngoặt điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ông chia sẻ trong một bài viết trên VietNamNet về những ngày “nội bất xuất ngoại bất nhập” một khát khao nhỏ bé là được ra ngoài ngắm đường phố. Bài viết chân thực và đời thường một bác sĩ đã lay động hàng triệu con tim, tạo sự đồng cảm với những người hy sinh thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng.
Trong những ngày cách ly toàn xã hội vì đại dịch, máy ATM gạo ra đời cứu giúp cho nhiều người dân đang gặp khó khăn. Anh Hoàng Tuấn Anh là người đã sáng chế ra chiếc máy ATM đặc biệt này. Xuất phát từ mong muốn chung sức vì cộng đồng đẩy lùi đại dịch, anh đã nung nấu làm ra chiếc máy phát đồ miễn phí tránh tiếp xúc gần. ATM gạo ra đời với tinh thần: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Khẩu hiệu này được lan truyền mạnh mẽ, được rất nhiều tổ chức cứu trợ đưa vào quy tắc ứng xử.
Đại dịch còn đang rất cam go thì thiên tai xảy đến với miền Trung. Một nhóm 7 bạn trẻ ở Hà Nội đã lên đường tới miền Trung cùng chiếc máy tự sáng chế biến nước lũ thành nước sạch. Họ mang đến giải pháp thiết thực và kịp thời cho bà con vùng lũ.
Những điều tốt đẹp chưa bao giờ bị lãng quên, đặc biệt trong khó khăn, tình người tương trợ lẫn nhau lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và cũng có những con người để mang lại điều tốt đẹp cho người khác thì hy sinh cả bản thân. Trong trận lụt tháng 10 vừa qua, đồng chí chủ tịch xã Bắc Trạch, Quảng Bình, Phan Thanh Miên dầm mình trong nước lũ để đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn. Vì mải cứu dân, không kịp thời chữa căn bệnh nhiễm khuẩn vì nước lũ, ông Miên đã qua đời trong sự tiếc thương và biết ơn của người dân. Hình ảnh vị chủ tịch xã ngâm mình trong nước lũ được chia sẻ khắp cộng đồng.
Sau khi bài viết về sự ra đi ông Phan Thanh Miên, bạn đọc đã gửi hàng nghìn bình luận bày tỏ sự thành kính và biết ơn trước một tấm lòng nhân hậu. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã coi vị chủ tịch xã này là một tấm gương sáng khi đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Có thể thấy không thiếu người tốt để báo chí viết. Điều này nằm trong định hướng của mỗi tờ báo. Cùng với sự kiên trì tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, VietNamNet cũng đã tổ chức bình chọn “Nhân vật truyền cảm hứng 2020”. Năm nay hội đồng đã lựa chọn ra 14 nhân vật trong danh sách đề cử và độc giả đã tự chọn cho mình 4 nhân vật, đại diện cho 600 nhân vật xuất hiện trên báo VietNamNet 1 năm qua. VietNamNet đã tổ chức lễ vinh danh tại Hà Nội. Sự kiện bình chọn nhân vật truyền cảm hứng sẽ được duy trì hàng năm như một nhiệm vụ của báo.
Năm 2020 cũng đánh dấu một kỷ lục của báo VietNamNet khi quyên góp được gần 30 tỉ đồng để chuyển đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ từ những nhà hảo tâm nhờ những bài viết truyền đi thông điệp về những điều tốt đẹp và lòng yêu thương. Số tiền 30 tỉ đồng tuy không lớn nhưng gần bằng chi phí vận hành cả tờ báo.
Không ai mỗi sớm thức dậy lại không muốn nhìn một thiên nhiên đẹp đẽ, một gương mặt thân thiện và một hành động ấm lòng. Và mỗi bài báo chứa đựng những điều tốt đẹp là khởi nhịp cho một ngày mới đầy niềm tin và hy vọng. Những bài báo về những câu chuyện tử tế, những con người nhân hậu giống như những hạt mầm nhân văn gieo xuống cánh đồng sẽ chỉ có yêu thương và hạnh phúc. Báo VietNamNet sẽ kiên định với định hướng khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng dân tộc, không làm xói mòn niềm tin mà lan tỏa năng lượng tích cực, kết nối mọi người dân để thúc đẩy Việt Nam bứt phá vươn lên, phát triển hung cường, thịnh vượng.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo VietNamNet
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com