Siêu thị miền Tây huyện Bá Thước chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Hải Đăng
Để đa dạng hàng hóa, bảo đảm đủ hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, Siêu thị miền Tây huyện Bá Thước thuộc Công ty CP Tập đoàn miền núi đã chủ động dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng ra thị trường. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, siêu thị sẽ cung ứng một lượng hàng hóa trị giá khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng ra thị trường. Năm nay, các mặt hàng tiêu dùng nội địa được siêu thị ưu tiên bày bán chiếm hơn 70% các mặt hàng tiêu dùng với nhiều chủng loại, như: lương thực, thực phẩm, các loại bánh kẹo, mứt, bia, rượu... và đều có bảng giá và niêm yết giá bán theo quy định. Việc chủ động nguồn hàng của Siêu thị miền Tây huyện Bá Thước nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước lựa chọn, mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trên địa bàn huyện. Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn miền núi đã xây dựng 11 siêu thị và 2 cửa hàng tự chọn được bố trí tại 11 huyện miền núi trong tỉnh cung ứng khoảng 3.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Năm nay, ngoài việc tăng nguồn dự trữ hàng hóa khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, công ty còn đưa vào nhiều mặt hàng bánh kẹo, mứt tết, nước mắm, các mặt hàng nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh để phục vụ người dân.
Người dân xã Na Mèo (Quan Sơn) mua sắm hàng hóa tại trung tâm xã.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn các huyện miền núi cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kéo dài đến Tết Nguyên đán nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp. Tổ chức các chuyến hàng Việt về vùng sâu, vùng xa trong dịp tết. Nhìn chung, hàng hóa dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 từ phía các doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn các huyện miền núi khá đa dạng, phong phú về chủng loại và khi nhu cầu tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân.
Hiện Sở Công Thương đang tích cực phối hợp với UBND các huyện miền núi tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa để kịp thời có biện pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu... Phát hiện kịp thời những bất ổn về thị trường hoặc tăng giá bất thường đối với các mặt hàng thiết yếu, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường. Ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu. Tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh, bán hàng trên mạng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng..., nhất là các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân trong phòng tránh, tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Theo Hải Đăng/Báo Thanh Hóa điện tử