Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Ngô Sơn (bút danh Ngô Nguyên) - Báo Đầu tư, Giải A Giải Búa Liềm Vàng với tác phẩm ““Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư”: Tôi nghĩ loạt bài đã và sẽ không bị “chìm”... (22/01/2021-11:07)
    Việc chặt đứt, chặn đứng, dựng “con đê lớn” ngăn “sóng dữ” tham nhũng là ý chí cách mạng, được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ... Đó chính là thông điệp của tác phẩm vừa đoạt giải A Giải Búa Liềm Vàng của Nhà báo Ngô Sơn.
 Tác giả Ngô Sơn nhận giải.
Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Ngô Sơn- Báo Đầu tư xung quanh tác phẩm đoạt giải này.
Ít người dám nói, dám mổ xẻ
+ Ngay khi tác phẩm ““Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư” được xướng tên trên thảm đỏ Búa  Liềm vàng, tôi đã rất ấn tượng về loạt bài 4 kỳ này của ông. Ý tưởng xây dựng loạt tác phẩm này như thế nào, thưa ông?
- Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đến nay, nhất là sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện ráo riết, quyết liệt. Nhưng thực tế, như nghiên cứu của các chuyên gia thì không thể xóa bỏ được tham nhũng, vì nó nảy sinh bởi sự ham muốn từ quyền lực và lợi ích vật chất mà trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng đều có. Tham nhũng là một “quy luật xã hội có điều kiện” và thay đổi muôn hình vạn trạng. Khi có điều kiện, thì sẽ nảy sinh tham nhũng. Vì vậy, để nhận diện các hành vi tham nhũng của công phổ biến nhất cùng những thủ đoạn mới và tìm ra các khe hở pháp luật để từ đó tìm ra các giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã chỉ đạo thực hiện đề tài, đích thân Phó Tổng Biên tập thường trực Bùi Đức Hải trực tiếp xử lý bản thảo, nâng tầm bài báo.
+ Câu chuyện mà loạt bài chạm tới, không thể ngày một ngày hai đưa ra ánh sáng. Việc triển khai, tìm ra được những “góc khuất” ấy có những thách thức, khó khăn như thế nào thưa ông?
- Khó khăn nhất đối với tôi là vì đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đối tượng là Đảng viên lại giữ chức quyền cao, thời gian dài chi phối nhiều tầng nấc bộ máy dẫn tới những quan hệ khác bao gồm cả quyền và lợi ích. Từ đó dẫn tới ít người dám nói, dám mổ xẻ. Đặc biệt hơn ở đề tài, ngoài nghiên cứu của tác giả thì các ý kiến, nhận định, hiến kế... trong bài cũng phải từ những người không chỉ dám nói mà còn phải là “người trong cuộc” ví như sai phạm chủ yếu lĩnh vực đất công thì phải tìm được người trong lĩnh vực bất động sản. Mặt khác những chuyên gia đó còn phải bám sát, thậm chí cùng nghiên cứu các vụ việc và nhận diện được hành vi sai phạm phổ biến, nhận ra được khe hở pháp luật bị lợi dụng, tức họ lại có tầm vóc chuyên gia từng lĩnh vực điển hình như Luật, kinh tế, Thanh tra... Sau thời gian dài tìm kiếm, đặt vấn đề và bị từ chối nhiều lần, cuối cùng tôi cũng tìm được những người như thế đồng ý song hành, trả lời như: nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM; Luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt (TP.HCM); Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM...
Tác giả Ngô Sơn đang trao đổi về khe hở pháp luật với Luật sư Nguyễn Văn Hậu (áo đen bên phải).
Tác giả Ngô Sơn đang trao đổi về khe hở pháp luật với Luật sư Nguyễn Văn Hậu (áo đen bên phải).
Đọc, phân tích được hồ sơ và khái quát được vấn đề, am hiểu pháp luật
+ Từ các vấn đề được  phân tích, từ những hiến kế của “người trong cuộc”...  thông điệp của tác phẩm đã có sức lan tỏa như thế nào trong thời điểm này, thưa nhà báo?
- Với loạt tác phẩm có 2 vùng lan tỏa. Thứ nhất, đối tượng độc giả của Báo Đầu tư không chỉ cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương, địa phương mà còn cả doanh nghiệp, doanh nhân tất cả các lĩnh vực; Thứ 2 là độc giả cả nước nói chung, bởi việc “đốt lò” trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của mọi tầng lớp người dân. Các từ khóa liên quan đến đại án, đến “đốt lò” rất “hot” trên google...
Với 2 vùng lan tỏa của đa dạng đối tượng độc giả như vậy, tôi nghĩ loạt bài đã và sẽ không bị “chìm”. Đặc biệt với những phân tích và thông điệp loạt bài gửi gắm, có thể sẽ là “đúc rút” của không ít độc giả doanh nghiệp, cán bộ. Bởi qua loạt bài, từ các vụ đại án liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước cho thấy, đa phần các vụ việc có cán bộ tham nhũng luôn đi kèm sự hiện diện đặc biệt của doanh nghiệp, hình thành quan hệ win - win (cùng có lợi). Những mảnh đất vàng, đất kim cương giữa lòng đô thị lớn là tâm điểm cho tâm địa không giới hạn của nhóm doanh nghiệp bất chính và quan chức tha hóa. Người có quyền chức càng cao, tác hại gây cho xã hội càng lớn cả về vật chất lẫn niềm tin của người dân. Có nhiều khe hở trong cơ chế, trong hành lang pháp lý, trong kiểm tra giám sát dẫn tới kẽ hở, cơ hội giúp quan chức áp dụng “linh hoạt” để bắt tay cùng doanh nghiệp hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp “sân sau” phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích. Nhóm doanh nghiệp “sân sau” tuy là thiểu số, thậm chí rất ít, nhưng không chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp phải cạnh tranh không sòng phẳng, mà còn lũng đoạn khiến môi trường kinh doanh không minh bạch, nguy hiểm hơn là gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân.
 
+ Tôi thấy rằng, loạt bài dài 4 kỳ nhưng có cách viết không khô cứng mà linh hoạt, uyển chuyển, đầy sức nặng và tính thuyết phục. Để làm được điều ấy, thưa ông, người làm báo ngoài kinh nghiệm, còn cần có những kỹ năng, sự am tường như thế nào trong lĩnh vực này để có thể mang đến những tác phẩm xuất sắc?
- Theo kinh nghiệm của tôi, đó là phải biết: Đọc, phân tích được hồ sơ và khái quát được vấn đề; am hiểu pháp luật liên quan luật hình sự, kinh tế; có quan hệ để khi cần biết phải hỏi ai, hỏi vấn đề gì, hỏi thế nào và xác định được ai là người đọc báo. Khi bạn đọc 1 bộ hồ sơ 1 vụ việc có khi nặng hàng kg, trước tiên bạn phải cần thời gian để đọc, tư duy phân tích và logic để hiểu hết những ngôn từ văn bản lạnh lùng, khô khan. Sau đó bạn cần am hiểu về pháp luật liên quan để đối chiếu từng hành vi với từng quy định pháp luật liên quan từ luật, thông tư, nghị định hướng dẫn... từ đó nhận diện được đúng sai cả đối tượng liên quan lẫn cơ quan chức năng chứ không thể chỉ dựa vào cơ quan chức năng. Từ đọc, hiểu, đối chiếu quy định pháp luật đó, thì cần tư duy báo chí quan trọng nhất - phát hiện vấn đề - thì mới đúc rút hình thành một đề tài nào đó. Và với thể loại chống tiêu cực tham nhũng, đặc biệt đối tượng là cán bộ công chức, Đảng viên thì mối quan hệ rất quan trọng, để biết hỏi ai, hỏi vấn đề gì cũng phải đặc biệt, tức không chỉ bạn hiểu người mà người bạn “chơi” phải thực sự hiểu và tin cậy bạn. Để có được mối quan hệ đó, nhà báo không thể “ngồi phòng lạnh” gọi điện hay “xong việc mình” thì quên luôn.
Điều làm tôi day dứt đó là thời buổi mạng, view, không ít tờ báo câu view bằng mọi giá cùng những chỉ tiêu cào bằng đã khiến không ít bạn phóng viên trẻ quay cuồng trong những tin tức sự vụ, không còn thời gian để đọc, nghiền ngẫm 1 bộ hồ sơ nặng cả kg, chưa nói hàng loạt vụ việc với hàng chục kg hồ sơ... rồi đối chiếu từng hành vi với từng quy định pháp luật liên quan từ luật, thông tư, nghị định hướng dẫn... từ đó nhận diện và đúc rút ra vấn đề gì đó, hình thành một đề tài nào đó. Mà cứ mãi như thế, sẽ thành “lối mòn” tư duy, bạn trẻ chỉ còn đơn giản là người truyền tin sự vụ, khả năng phát hiện vấn đề, triển khai đề tài lớn... cứ thế “lụi” dần. Báo chí hiện nay, view là cần thiết nhưng không nên cào bằng các thể loại, đề tài, lĩnh vực. Còn tôi, may mắn được Ban biên tập Báo Đầu tư tạo cho một môi trường làm việc mà nói theo phong cách miền Nam là “rất đã!”. Cuối cùng, bạn xác định viết cho ai đọc, để xác định dùng ngôn từ phù hợp. Nếu bài nghiên cứu học thuật thì tất nhiên sẽ phải dùng ngôn từ phù hợp. Bài báo thì khác, không phải viết cho mình đọc mà người lạ đọc hiểu. Nên tôi thường có thói quen viết xong thì nhờ bạn bè, người thân đọc qua rồi hỏi “dễ hiểu không” để điều chỉnh ngôn từ phù hợp.
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
 
Hà Vân (Thực hiện)/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Những cánh chim không mỏi trên hành trình đồng hành cùng “Việc tử tế” VTV (19/01/2021-12:54)
  • Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí (18/01/2021-12:06)
  • Vượt giá rét mang thông tin đến với độc giả (15/01/2021-14:22)
  • Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ V (14/01/2021-19:06)
  • Chuyển đổi Thời báo Doanh nhân thành tạp chí Doanh nhân và Pháp lý (12/01/2021-16:42)
  • Sẽ khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả (11/01/2021-14:20)
  • Nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo VietNamNet: Mỗi ngày một câu chuyện tử tế, lan tỏa năng lượng tích cực (06/01/2021-10:32)
  • Báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng AI để giao tiếp với bạn đọc (05/01/2021-16:06)
  • Chuyện của những "Nhà báo- Chiến sĩ" nơi tuyến đầu Nhà báo Đoàn Hữu Trung: 'Hạnh phúc của người làm báo là có mặt ở điểm nóng, sẻ chia với đồng bào' (05/01/2021-15:56)
  • Nhà báo Cao Thùy Giang - Báo Điện tử Vietnamplus: “Với tôi đây là đợt chiến đấu dài lâu, cam go và nhiều lo lắng nhất” (05/01/2021-15:50)