Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - người “truyền lửa” đam mê cho những chương trình truyền hình thiếu nhi (02/02/2021-17:46)
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến – Trưởng phòng Tương tác Nội dung (VTV6) con gái nhạc sỹ Phạm Tuyên, người gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam từ những năm 1990 và cho đến bây giờ. Theo chị, “cách làm truyền hình ở mỗi thời kỳ lại có những thay đổi, nhưng có một thứ không hề thay đổi là lòng yêu nghề”.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến có hàng chục năm gắn bó với các chương trình thanh thiếu nhi - Ban Thanh thiếu niên (VTV6)
Người cuối cùng của “Những bông hoa nhỏ” vẫn gắn bó với các chương trình Thiếu nhi
+ Các chương trình thiếu nhi của Đài THVN luôn có sức hút đặc biệt đối với khán giả, chị có thể chia sẻ đôi điều về những chương trình chị gắn bó trong suốt quá trình công tác?
- Từ những năm 1990, bắt đầu vào Đài Truyền hình Việt Nam tôi làm với vai trò là BTV cho chương trình “Những bông hoa nhỏ” thuộc phòng Thiếu nhi - Đài THVN, ngày đó tôi có nhiệm vụ biên tập âm nhạc thiếu nhi.
Thời gian sau này, chúng tôi có sản phẩm dành cho thiếu nhi như: Khoa học vui, ngày đó anh Phạm Việt Tiến, (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài THVN) đảm nhiệm chương trình đó; hay Chương trình "Vì sao lại thế" do nhà báo Nhật Hoa đảm nhiệm. Trong đó có bài hát “Vì Sao Lại Thế” do nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác và phổ nhạc trong bài hát, có câu quen thuộc là “Xung quanh ta có bao điều kỳ diệu mà ta mới biết chẳng được bao nhiêu…” Bên cạnh đó, nhạc sỹ Phạm Tuyên còn làm nhạc hiệu của rất nhiều chương trình truyền hình khác.
Hiện nay những chương trình dành cho thiếu nhi của Đài truyền hình Việt Nam chúng tôi vẫn đảm nhiệm. Năm nào Đài THVN tổ chức chương trình ý nghĩa nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Trung thu. Đặc biệt chương trình Festival Thiếu nhi Việt Nam, là một trong những chương trình chúng tôi đưa ra sáng kiến. Đầu tiên chương trình có tên gọi là Festival thiếu nhi ASEAN, qua các chương trình đều phối hợp với đại sứ quán nhiều nước, có sự tham gia của thiếu nhi nhiều nước trên thế giới.
Công việc của tôi ở Đài hầu hết gắn liền với chương trình dành cho thiếu nhi, trong đó có gần 10 năm làm ban giám khảo truyền hình thiếu nhi, chấm điểm ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc… ban giám khảo các cuộc thi dành cho thiếu nhi ở khu vực Đông Nam Á.
- Làm các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi cách đây 30 năm có những khó khăn gì, thưa chị?
+ Từ lúc năm 1990 cho đến bây giờ có sự khác nhau nhiều, truyền hình luôn gắn với công nghệ, công nghệ, công nghệ luôn đổi mới thì truyền hình cũng đổi mới theo.
Ở những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi thực hiện thu thanh trước để ghi lại và phát sóng sau, chủ yếu là chương trình ca nhạc thiếu nhi. Năm 1990 Đài truyền hình Việt Nam chưa có phòng thu, tất cả các chương trình ca nhạc đều sang Đài THVN, thu thanh ở 58 Quán Sứ. Ngày đó thu thanh được hiểu là rất căng thẳng, căng thẳng hơn ghi hình. Nếu hát sai một câu là phải hát lại từ đầu để đảm bảo tính liền mạch của tác phẩm.
Để chuẩn bị ghi âm, một buổi biểu diễn các ca khúc dành cho thiếu nhi ngày đó cũng rất công phu, từ tìm đạo cụ, ca sỹ, nhạc công…; tất cả đều trực tiếp, rất đơn giản và thô sơ. Mãi sau này công nghệ mới cho phép hát sai chỗ nào, cắt chỗ đó và sửa bổ sung vào.
Khác với thế hệ trước đây, đội ngũ phóng viên trẻ làm truyền hình giờ rất đa năng, sáng tạo, dựng các chương trình đều rất thuần thục, có được rất nhiều kỹ năng.
VTV6 là một gia đình
+ VTV6 vừa chào đón sinh nhật lần thứ 13 - kênh truyền hình dành riêng cho giới trẻ, thành công của kênh là đóng góp không ngừng của cả tập thể, chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Trong nhiều năm, VTV6 như đã thành nếp, cứ người đi trước truyền lại kinh nghiệm cho người đi sau. Tất cả chương trình sau không bao giờ lập lại chương trình trước… tất cả đều có sự sáng tạo trong từng tác phẩm truyền hình. Những chương trình hay của năm trước, không phải thấy hay mà làm tiếp mà lập tức suy nghĩ sáng tạo ra chương trình mới. Các bạn đều thích làm việc khó hơn là làm ra những tác phẩm truyền hình dễ. Từ nội dung đến các hình ảnh thể hiện đều được làm mới để đảm bảo tính hấp dẫn.
Nhiều năm gần đây, VTV6 triển khai tòa soạn hội tụ, lúc đầu chưa quen nhưng một thời gian ngắn sau đó mọi người đều thấy rất hữu ích, khi cần tư liệu, hình ảnh về bất cứ thứ gì thì chỉ cần hô lên một tiếng là mọi người có thể dễ dàng trao đổi thông tin cho nhau. Mọi người đều có thể dễ dàng thống nhất về nội dung nào đó. Nhiều file hình ảnh được công khai trên nhóm, bất kể ai có nhu cầu sử dụng đều có thể lấy. Việc phân công việc đi tác nghiệp cho nhau cũng hiệu quả và dễ dàng hơn.
Đối với tôi VTV6 như một gia đình, chúng tôi có rất nhiều hoạt động để gắn kết với nhau hơn, trước đây có thể mọi người chỉ dừng lại ở việc trao đổi với nhau khi đến cơ quan, khi tác nghiệp. Nhưng giờ đây tôi nhận thấy mọi người thân thiết, gắn bó với nhau như một gia đình, trong đó mọi người được tham gia những chương trình, hoạt động trải nhiệm thực tế, để hiểu nhau hơn.
+ Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa phải tạm dừng, trong hoàn cảnh đó, VTV6 chắc gặp nhiều áp lực?
- Trong năm 2020 vừa qua, VTV6 cũng phải hoãn hủy rất nhiều chương trình do ảnh hưởng bởi Covid 19, nhiều chương trình chuẩn bị mọi điều kiện, phương án cả kịch bản rồi nhưng lại không được triển khai. Thậm chí có những chương trình truyền hình đang triển khai theo phương án này xong có thể chuyển sang phương án hoàn toàn khác. VTV6 đã va chạm rất nhiều về việc này.
Khó khăn là vậy, nhưng điều quan trọng hơn sau mỗi chương trình được phát sóng, mọi người đều cảm thấy yêu công việc mình hơn, cảm thấy mình được làm nghề, các sản phẩm của mình được nhiều khán giả biết đến.
Tôi thấy trong khó khăn, có nhiều bạn trẻ làm truyền hình họ tiến bộ từng ngày, các biên tập viên cũng được thỏa sức sáng tạo, thể hiện khả năng của mình. Cho ra những tác phẩm truyền hình mang màu sắc tươi mới. Họ làm được cả những đề tài rất khó, kể cả những chương trình chính luận.
Do dịch bệnh covid 19, nhiều chương trình phải thay đổi những cảnh quay, không tổ chức ngoài trời, tập trung đông người, mọi người có những hình thức nghi hình trực tuyến. Tự dựng những hình ảnh ngoại cảnh, sử dụng các hiệu ứng hình ảnh âm thanh, tất cả để mang đến những sản phẩm truyền hình ấn tượng tới khán giả mùa dịch.
+ Vừa qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi. Vào đúng sinh nhật của ông, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cuộc gặp gỡ “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ”. Chị đánh giá thế nào về thành công của chương trình?
- Các chương trình tôi tổ chức cho ông và khán giả là những dịp tranh thủ làm, nhất là khi ông còn khỏe. Trong cuộc gặp gỡ “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ” chúng tôi cũng ra mắt cuốn sách "Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát".
Để ra mắt cuốn sách này, gia đình cũng nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cuốn sách có chút khác biệt, mỗi bài hát có câu truyện sau đó, cuốn sách ghi lại những sự kiện, đằng sau mỗi bài hát là những gì. Phần lớn những câu chuyện này đều được mẹ tôi ghi chép lại, nhưng ngày đó mẹ tôi viết dưới hình thức hồi ký, nên phải biên tập lại.
Cuốn sách là cả một chặng đường sáng tác của một nhạc sỹ, 100 tác phẩm tiêu biểu được đưa vào. Nhưng ở đây nói về đằng sau những sáng tác đấy, có cuốn sách này, đọc giả sẽ hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một nhạc sỹ. Trước đây nhạc sỹ cũng đã xuất bản sách nhưng thường theo một chủ đề nào đó, nhưng nội dung cũng bị tản mát nhiều.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com