"Điều đó sẽ góp phần khắc phục cuộc đua số lượng nội dung, thay vào đó các báo sẽ chạy đua về chất lượng nội dung để xây dựng thương hiệu báo chí lâu dài cho mình”, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ khẳng định.
Chúng tôi yêu cầu các cơ quan báo chí khác tôn trọng bản quyền của Tuổi Trẻ
+ Câu chuyện về Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí đã được Báo Tuổi trẻ cùng với 4 tờ báo khác thực hiện cách đây nhiều năm. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về cách thức “liên minh” này?
- Đó là câu chuyện từ năm 2007 khi báo điện tử chưa có nhiều nội dung phong phú, đa dạng đến mức “bội thực” như bây giờ. 5 tờ nhật báo được tiếng có nhiều bạn đọc gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động và Sài Gòn Giải Phóng đã ký thỏa thuận chung về trao đổi và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Mục đích chính của thỏa thuận: báo điện tử của 5 tờ báo trên được đăng lại nội dung của nhau mà không cần xin phép và không trả nhuận bút kh
Thỏa thuận trên cho thấy thực chất các báo lúc đó muốn làm phong phú báo của mình bằng cách lấy nội dung của báo khác, chứ không chỉ muốn bảo vệ bản quyền của mình. Tuy nhiên, thỏa thuận này thật sự không có ý nghĩa lắm vì các báo không ký thỏa thuận vẫn cứ lấy nội dung của 5 báo này (phần lớn không xin phép và không trả nhuận bút). Nhưng dù sao việc ký kết và công bố thỏa thuận giữa 5 báo có nhiều bạn đọc cũng cho thấy ý thức tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí đã hình thành từ khi các báo bắt đầu phát triển báo điện tử.
+ Ngoài biện pháp đó, tôi cũng được biết rằng, việc xử lý vi phạm bản quyền của Báo Tuổi Trẻ rất quyết liệt, thậm chí bài bản khi thành lập Nhóm bảo vệ bản quyền. Điều ấy đã tạo nên những hiệu quả như thế nào trên thực tế, thưa ông?
- Từ năm 2013, Báo Tuổi Trẻ đã quyết định không vi phạm bản quyền của bất kỳ báo điện tử nào nghĩa là hạn chế tối đa việc lấy lại nội dung các báo khác, trừ việc trích dẫn trong phạm vi cho phép. Chúng tôi mua tin của TTXVN và hãng Reuters và sử dụng nguồn công báo để bảo đảm có thêm nguồn tin chính thống trong nước và thế giới mà phóng viên Tuổi Trẻ không thể thực hiện được. Khi nghiêm túc thực thi những quy định về bản quyền, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan báo chí khác tôn trọng bản quyền của Tuổi Trẻ.
Trong 7 năm qua (2013-2020), Nhóm bản vệ bản quyền của Tuổi Trẻ đã nhận được 350 công văn xin khai thác lại nội dung Tuổi Trẻ. Chúng tôi đã từ chối phần lớn trong số đó, chỉ đồng ý cho các cơ quan thuộc Đảng, Chính phủ, website của các ban ngành và các đơn vị, tổ chức phi lợi nhuận… Đối với các đơn vị sử dụng trái phép, vi phạm bản quyền của Tuổi Trẻ, chúng tôi đều tiến hành các bước xử lý từ nhắc nhở đến gửi công văn cảnh cáo và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo luật định. Hiện nay, các báo điện tử đã dần tôn trọng bản quyền của nhau hơn. Trong khi các trang thông tin điện tử vẫn còn vi phạm bản quyền rất phổ biến vì họ không tự sản xuất nội dung mà chủ yếu sống bằng nội dung của các báo.
Ngoài ra, khi mạng xã hội (MXH) phát triển, nhiều cá nhân cũng vi phạm bản quyền báo chí khi xào nấu nội dung của các báo để đưa lên MXH. Tình trạng cá nhân vi phạm bản quyền ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi họ đưa nội dung thật giả lẫn lộn tạo thành nguồn tin giả và video giả. Người dùng MXH không biết đâu là thật đâu là giả vì từ nguồn tin thật của báo chí đã được chế biến thêm lời bình, thêm tư liệu, hình ảnh cho hấp dẫn, ly kỳ và thu hút được nhiều người dùng hơn.
Bản quyền báo chí không được bảo vệ thì báo chí cũng không có thương hiệu
+ Ông từng đưa ra vấn đề: “Báo chí không tôn trọng bản quyền không chỉ đánh mất uy tín, danh dự của mình mà còn tự biến mình thành “tiệm tạp hóa”, món hàng nào cũng có như nhau, không có món riêng, độc đáo, đáng cho người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu của mình”. Bản quyền và câu chuyện thương hiệu có sự liên quan mật thiết như thế nào với công chúng và sứ mệnh phụng sự bạn đọc của báo chí, thưa ông?
- Đó không chỉ là vấn đề thời sự mà còn là vấn đề thời đại vì báo chí đang phải đổi mới để tồn tại và phát triển trong bối cảnh MXH bùng nổ hiện nay. Bản quyền báo chí không được bảo vệ thì báo chí cũng không có thương hiệu vì người ta chỉ đọc tin tức mà không cần biết tin tức có nguồn từ báo nào.
Quả thật, vấn đề bản quyền và thương hiệu báo chí rất đáng báo động khi báo chí và MXH lao vào cuộc đua thu hút người đọc. Cuộc đua này dẫn đến cuộc đua về số lượng tin bài, hình ảnh, video… (gọi chung là content). Tất nhiên, báo chí khó có thể đua về số lượng content so với MXH, cho nên nhiều khi chấp nhận chạy sau và chạy theo xu hướng (trend) của MXH, chẳng khác nào bị MXH dẫn dắt. Điều đó làm cho nhiều người đọc (đặc biệt là bạn đọc trẻ) cảm thấy rằng họ chỉ cần đọc MXH là đủ, không cần đọc báo nữa.
Cuộc đua content đang được xem như cuộc đua xuống đáy vì giá trị content gần như bằng 0 khi các báo điện tử đều miễn phí đọc báo. Tin tức cho không, biếu không nhiều đến mức người đọc bội thực vì chưa kịp đọc tin cũ đã có thêm tin mới, nhưng các báo điện tử vẫn cứ tiếp tục đua về số lượng và đua về thời gian để xem ai xuất bản nhanh hơn (từng phút từng giây). Vì vậy, nếu không có tin mới hoặc sản xuất tin không kịp, các báo điện tử sẵn sàng lấy nguyên văn hoặc xào của nhau theo kiểu “báo bạn có, báo ta phải có”. Và đây là nguyên nhân của nhiều trường hợp vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí (cả nội dung lẫn hình ảnh). Thậm chí có trường hợp coppy của coppy, nghĩa là không lấy nội dung từ website gốc mà lấy từ website đăng lại nội dung của website gốc rồi phát tán lên MXH nhiều đến mức người dùng không thể biết được đâu là tin gốc, đâu là tin F1, F2...
Tình trạng này dễ dẫn đến báo chí mất dần bạn đọc và rồi sẽ mất dần vai trò của mình! Vì vậy, chúng ta phải có các giải pháp tích cực để bảo vệ bản quyền báo chí, khi đó báo chí mới sẵn sàng đầu tư nội dung chất lượng cao (mà không sợ mất cắp) để đáp ứng nhu cầu bạn đọc (mà MXH không có). Như vậy, bảo vệ bản quyền báo chí chính là góp phần xây dựng thương hiệu báo chí. Báo chí có thương hiệu mới hy vọng thu phí được bạn đọc đối với những nội dung riêng có của thương hiệu mình.
+ Vậy giải pháp về một Liên minh hoặc Hiệp hội bảo vệ bản quyền trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này, theo ông, liệu có khả thi và hiệu quả?
- Báo chí không chỉ phản ảnh thực trạng, phân tích thực trạng mà phải thực thi giải pháp. Việc hình thành một liên minh hay hiệp hội bảo vệ bản quyền báo chí chính là giải pháp để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền báo chí tràn lan hiện nay.
Trước hết, các báo tham gia tổ chức liên kết này phải cam kết trước công chúng từ nay mình không vi phạm bản quyền báo chí và sẵn sàng đấu tranh tới cùng để bảo vệ bản quyền báo chí. Đồng thời với việc tự nguyện, tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí thì các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp phải “ra tay” thực thi nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí. Những văn bản luật hoặc dưới luật nào không còn phù hợp phải được sửa đổi kịp thời. Trước đây, việc cho phép các trang thông tin điện tử được đăng lại nội dung của các cơ quan báo chí là nhằm làm phong phú nội dung của các trang tin này và góp phần quảng bá cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay, điều này không còn phù hợp vì việc đăng lại thông tin báo chí trên các trang tin tổng hợp đã dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, thậm chí núp bóng nhau để sản xuất nội dung báo chí. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tham mưu với Chính phủ để sửa đổi Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Vân Hà/Báo Nhà báo và Công luận