Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch: Tận tâm cống hiến, phát huy bản lĩnh trước gian khó (25/02/2021-9:09)
    Luôn đồng hành cùng các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, đội ngũ nhà báo, phóng viên ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh cũng tích cực đồng hành, đồng cảm cùng chia sẻ những khó khăn với những người chiến sĩ áo trắng, góp phần thực hiện các biện pháp để đẩy lùi COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 Phóng viên Thu Trang (giữa) - Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã Đông Triều tác nghiệp tại một khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC
 
Nhân lên hình ảnh đẹp trong dịch covid- 19
 
Trong thời gian qua, cùng với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hải Dương đã tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Trên nhiều chương trình, nhiều bản tin của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hải Dương đều phản ánh kịp thời, khách quan, chân thực, đi thẳng vào những vấn đề mà bạn đọc quan tâm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Các tin bài, phóng sự đã góp phần tăng sự quan tâm của bạn đọc với công tác phòng chống dịch, góp phần đẩy lùi những thông tin thiếu chính xác, tin giả, gây hoang mang dư luận và người dân.
Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đài PTTH Hải Dương
Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đài PTTH Hải Dương
Nhà báo Nguyễn Ngọc Quân, ban Thời sự - Đài PTTH Hải Dương cho biết: Từ đợt xảy ra dịch bệnh lần đầu tiên, lãnh đạo Đài PTTH tỉnh đã quán triệt về vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh khi tác nghiệp, bên cạnh đó chúng tôi có lợi thế về là có nguồn thông tin nhanh chóng chính xác từ các ngành chức năng trong tỉnh nên luôn thông tin kịp thời, chính xác đến khán giả.
 
Toàn cơ quan dồn lực để tuyên truyền phòng chống dịch, Đài đã chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban hướng dẫn các ê kíp, đặc biệt là bộ phận thời sự đi xuống cơ sở ghi hình trực tiếp, phản ánh tình hình thực tế. Nhờ sự chỉ đạo tập trung đó, Đài PTTH Hải Dương luôn có tin bài cập nhật ở từng bản tin sáng trưa, chiều, tối, ở từng địa bàn và bám sát diễn biến của dịch bệnh.
 
Nhà báo Nguyễn Ngọc Quân chia sẻ thêm: “Đối với những lần đi làm đột xuất buổi tối, việc chuẩn bị máy móc cũng được chuẩn bị kỹ càng, ê kíp chúng tôi xin cơ quan thẻ nhớ trước để mỗi lần có việc gấp có thể lên đường ngay trong đêm. Có nhiều sự kiện như: thiết lập chốt, khoanh vùng… diễn ra vào ban đêm nên cũng theo các lực lượng chức năng làm cả đêm hôm đó”.
 
Đối với trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ, ở Đài PTTH Hải Dương, mỗi thiết bị khi mang đi tác nghiệp còn được cấp các túi nilong bóc máy để tránh nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào thiết bị. Luôn ý thức được vấn đề an toàn, bản thân mọi cán bộ đơn vị cũng luôn có các đồ bảo hộ, nước sát khuẩn để mang theo mỗi lần đi tác nghiệp hay về cơ quan. Đến mỗi địa phương, họ đều nghe theo khuyến cáo của các đơn vị y tế, lực lượng chức năng.
Nhiều nhà báo, phóng viên ban Thời sự - Đài PTTH Hải Dương chủ động cập nhật thông tin, bám sát hơi thở cuộc sống. Ảnh: Đài PTTH Hải Dương

Nhiều nhà báo, phóng viên ban Thời sự - Đài PTTH Hải Dương chủ động cập nhật thông tin, bám sát hơi thở cuộc sống. Ảnh: Đài PTTH Hải Dương

Không chỉ thực hiện các bước an toàn khi về cơ quan, lúc về đến nhà mỗi thành viên cũng thực hiện các bước sát khuẩn, tắm, thay quần áo để riêng… để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh.
Đi nhiều nơi trong mùa dịch, nhà báo Ngọc Quân tâm sự: “Vất vả nhất vẫn là lực lượng y bác sỹ ở trong các khu cách ly, họ phải chạy đua với thời gian, họ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm. Họ phải làm cả những công việc đơn giản nhưng cũng rất dễ bị lây nhiễm như vận chuyển rác thải từ trong khu cách ly ra ngoài, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội cũng vất vả… trong quá trình đó chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền để tất cả mọi người cũng đồng lòng sẻ chia”.
 
Thực tế đã cho thấy, từ khi xảy ra dịch bệnh, Đài PTTH Hải Dương cũng tuyên truyền về những cá nhân, tổ chức đứng ra vận động và tự đóng góp mua lương thực, nấu cơm phát cho các chốt kiểm dịch, hay phát các suất cơm miễn phí cho người dân và cán bộ ở các điểm cách ly. Trong đó Đài có hẳn chuyên mục về người tốt việc tốt để nhân lên hình ảnh đẹp trong dịch covid - 19. Những việc làm tốt ấy cứ thế lan tỏa trong cộng đồng, để tiếp nối truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái từ ngàn đời của dân tộc.
 
Trưởng thành bản lĩnh hơn trong gian khó
 
Cùng với Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra dịch bệnh cùng thời điểm, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn liên quan tới ổ dịch thành phố Chí Linh (Hải Dương), thị xã Đông Triều đã rà soát và xác định khoảng 1.197 người làm việc tại TP.Chí Linh. Cùng với các ngành chức năng tại thị xã Đông Triều, cán bộ phóng viên Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo, nhắc nhở người dân hiểu rõ về dịch bệnh trong tình hình mới, không hoang mang.
 
Phóng viên Thu Trang - Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã Đông Triều cho biết: “Chúng tôi được lãnh đạo trung tâm quát triệt về các biện pháp phòng dịch, được trang bị đồ bảo hộ dung dịch sát khuẩn đầy đủ, vì làm công tác tuyên truyền nên chúng tôi luôn hiểu rõ về công tác phòng dịch quan trọng như thế nào. Mỗi lần sử dụng xong tại một điểm phong tỏa là cởi bỏ, hạn chế đi lại nhiều, thậm chí có thời gian dài chỉ từ cơ quan đến chỗ tác nghiệp và ngược lại. Thời điểm những ngày đầu tiên bùng phát dịch, chúng tôi ở lại cơ quan trực chiến, nhiều hôm đưa tin buổi tối, tham gia cùng lực lượng y tế truy vết vào nửa đêm. Điều này như một biện pháp tự cách ly đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao”.
 
 
Phóng viên Trung tâm Truyền thông & Văn hóa ở cấp huyện, thị xã luôn được biết đến là cán bộ sâu sát cơ sở, nắm địa bàn, mùa dịch họ trực tiếp tác nghiệp ở các điểm nóng, điểm cách ly tập trung để thông tin tuyên truyền. Giống như nhiều chiến sỹ áo trắng, họ cũng phải đối mặt với những hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ. Phóng viên Thu Trang nhớ lại: “Như có lần chúng tôi mặc đầy đủ đồ bảo hộ vào tác nghiệp tại khu cách ly số 4 - thị xã Đông Triều vào một buổi sáng, đến chiều bên y tế thông báo khu đó có một ca dương tính ở trong đó, rất may chúng tôi có trang bị bảo hộ, giữ khoảng cách an toàn và không phải phỏng vấn bệnh nhân đó nên yên tâm hơn”.
 
Thực tế đã cho thấy, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều thông tin Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã được truyền tải tới người dân đều đảm bảo tính chính xác, khách quan, nhanh chóng. Tất cả các thông tin đều được lãnh đạo Trung tâm kiểm duyệt chặt chẽ. Do nguồn nhân lực còn ít, mỗi cán bộ phóng viên của Trung tâm đều tự sản xuất, biên tập và đọc lời cho các tin, bài. Sau khi có sản phẩm hoàn thiện sẽ gửi xuống đài truyền thanh các xã, phường để thông tin đến người dân. Có những ngày có hàng chục bản tin được sản xuất và gửi xuống cơ sở. Nhiều tác phẩm phát thanh được triển khai và phát trên loa của các xe lưu động đi vào từng ngõ, ngách tới người dân, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
 
Trong quá trình xảy ra dịch bệnh, đã có nhiều vụ việc trốn chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19, chống đối chốt kiểm dịch đã được phóng viên Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã ghi nhận và đăng tải kịp thời. Việc này nhằm tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đơn vị cũng tiếp nhận các phản ánh của người dân về những bất cập, các địa điểm xung yếu, lỗi hổng…để các cấp chính quyền thắt chặt, đảm bảo phòng dịch. Bên cạnh đó, cũng tập trung tuyên truyền những hành động, nghĩa cử cao đẹp của những tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ phòng chống dịch.
 
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, những tin tức của Trung tâm Truyền thông & Văn hóa thị xã đã được người dân tin tưởng, đồng thuận. Các tin tức được “phủ sóng” rộng khắp gồm mạng xã hội fage, cổng thông tin điện tử thị xã đến hệ thống truyền cơ sở, giúp người dân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, tăng hiệu quả chống dịch của các cấp chính quyền.
 
Theo phóng viên Thu Trang: “Qua lần này, tôi thấy việc an toàn tác nghiệp là điều quan trọng nhất, có đồ bảo hộ khi tác nghiệp sẽ giúp cho bản thân mình và người thân yên tâm. Trước đây khi dịch chưa bùng phát chúng tôi chỉ áp dụng một số biện pháp thông thường, nhưng qua đợt dịch này tôi thấy việc đảm bảo an toàn là quan trọng hơn cả. Thêm vào đó, trải qua thời gian khó khăn này, anh em trong đơn vị càng hiểu nhau hơn, tích cực giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Bản thân tôi cũng thấy mình được rèn luyện, nhanh nhạy và trưởng thành nhiều hơn”.
Theo Lê Tâm/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Con chữ, mắt người: Người làm báo “Nhìn được, nhìn ra thì mới có thể đặt bút viết” (25/02/2021-8:59)
  • Lực lượng phóng viên theo dõi dịch Covid-19 cần được ưu tiên hỗ trợ (25/02/2021-8:47)
  • Sức mạnh từ sự đồng lòng, đoàn kết (22/02/2021-16:06)
  • Nghề báo cho tôi trưởng thành hơn, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn (22/02/2021-15:02)
  • Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ: (22/02/2021-13:47)
  • Báo Thanh Niên: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ phục vụ nhu cầu bạn đọc (19/02/2021-22:22)
  • Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Nhiệt huyết, sáng tạo làm nên sức sống mới (17/02/2021-9:39)
  • Cả hệ thống chính trị nhanh chóng kiểm soát dịch, quyết không để lây lan rộng trong cộng đồng (09/02/2021-18:07)
  • "Chúng tôi được gặp những tượng đài vĩ đại trong nghề" (09/02/2021-17:51)
  • Giai phẩm Tết thời hiện đại (08/02/2021-13:26)