Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Thanh Tùng: Lo, vui và say mê (01/03/2021-9:14)
    “Nhà báo Thanh Tùng có vốn kiến thức khá rộng, tính cách vui vẻ, trực tính, chân thành,…đặc biệt rất yêu nghề, say mê với nghề”.
 Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng
 
Năm 1982, từ biên giới Quảng Ninh, trở lại làm việc ở Phòng biên tập phát thanh Công nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi gặp Thanh Tùng mới chuyển từ phát thanh thanh niên sang. Cũng dạng người phai phải, trắng trẻo lại cùng tuổi Bính Tuất nên chúng tôi dễ quen thân. Thanh Tùng nói nhiều hơn tôi, hay lo lắng, nhưng nhiều khi cũng vui phết. Cái dễ nhận ra ở anh là sự say mê nghề nghiệp.
 
 
Có điều gì lo lắng, bước vào phòng nhìn nét mặt Thanh Tùng là biết ngay. Tôi gạn hỏi thì anh trề môi: “Có lo gì đâu, chỉ lo lo thôi”. Có đận anh lo thật sự. Những năm tám tư, tám lăm của thế kỷ trước, mục “câu chuyện truyền thanh” của Phòng Công nghiệp và Phân phối lưu thông được tiếng là chống tiêu cực quyết liệt. Người đảm nhận công việc này là biên tập viên Thanh Tùng. Sau câu chuyện truyền thanh “Phố Đông quan” lột trần những mánh lới quan tham, lấy tiền của dân xây nhà, làm giàu, tác giả bị ông bộ trưởng nêu tên phê phán gay gắt giữa hội nghị. Tiếng ác đồn xa, điều ra tiếng vào, Thanh Tùng lo lắm, bảo tôi “Gay rồi ông ạ. Có khi phải xếp bút nghiên thôi”. Tôi nói cứng: “chương trình có phòng duyệt, ban duyệt mới được phát kia mà. Trách nhiệm chung chứ đâu của riêng cậu mà lo lắm thế”.
 
Có chút nguôi ngoai, nhưng hôm sau, tôi và anh Thái Thuyên đang làm việc ở cuối phòng thì Thanh Tùng chạy vào hớt hải:
-         Nguy to rồi ông ơi. Khi nãy có một ông đến làm việc với tôi. Ông ấy hỏi tôi trả lời. Cuối cùng ông ấy đưa ra biên bản bảo tôi ký vào.
-         Thế ông đã ký chưa?
-         Ký rồi mới tai hại chứ lỵ.
-         Ông ấy đâu rồi?
-         Vừa đi xuống.
 
Tôi chạy theo, mời ông ta vào phòng bảo vệ. Ông ta xưng là công an, nhưng không mặc cảnh phục, không trình giấy tờ tùy thân. Tôi phê bình sự sơ suất của anh bảo vệ và lấy lại biên bản. Thấy câu chuyện có liên quan đến “Phố Đông quan” nên tôi không làm to chuyện. Vậy mà Thanh Tùng cứ lo mãi.
 
Cũng là sự lo lắng của Thanh Tùng, nhưng lần này lại xảy ra ở nước ngoài.
 
Trung tuần tháng 5 năm 2002, tôi cùng Thanh Tùng, Minh Hằng, Tuấn Thăng trong đoàn công tác của Đài TNVN đến Hoa Kỳ. Thời gian eo hẹp nên chúng tôi có cuộc làm việc buổi trưa, vừa ăn vừa thảo luận tại Đài phát thanh cộng đồng WHYY của bang Pennsylvania. Một biên tập viên “tin tức quốc tế” to cao, trắng trẻo, mắt sâu, có bộ ria được chăm chút, cắt tỉa thường xuyên nên khá sắc nét tự giới thiệu đã từng tham chiến ở Đà Nẵng nêu tên một cán bộ cấp cao của Việt Nam đang bị truy tố và hỏi tôi:
-         Ông có bình luận gì về hiện tượng bất thường này? Liệu quan chức cấp cao Cộng sản phạm tội có kết tội không? Xử lý đến mức nào?
 
Nghe xong câu hỏi Thanh Tùng ngồi bên cạnh tôi mắt tròn xoe, môi trề, chân đập liên hồi vào chân tôi, tay viết chữ to đùng vào tờ giấy trước mặt “thoát”. Ý là lảng tránh câu hỏi này. Tôi biết anh đang lo cho cương vị trưởng đoàn của tôi. Đặt nhẹ tay lên vai Thanh Tùng tôi thả từng tiếng một cho Minh Hằng dịch trơn tru:

-         Tôi, ông, như anh bạn đồng nghiệp của tôi đây, cũng như tất cả mọi người đều có ưu, có nhược, có thành công, có thất bại, có thành tích và sai lầm. Tôi nghĩ, ông cán bộ cấp cao của chúng tôi cũng vậy thôi. Không ngoại lệ. Không có gì là ngạc nhiên cả. Luật pháp nước tôi quy định chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì khi mắc sai lầm xử càng nặng, đúng người, đúng tội, không trừ một ai, không có vùng cấm.

Mọi người lắng nghe, tỏ vẻ hài lòng. Biên tập viên quốc tế không hỏi gì thêm. Thanh Tùng thả một chữ “xong” xuống trang giấy, thở phào.
 
Hàng ngày làm việc, tiếp xúc với Thanh Tùng có hai gương mặt, nụ cười vui, lo lắng đan xen. Trong bốn anh tuổi Bính Tuất của Phòng Công nghiệp và Phân phối lưu thông thì tôi, Thanh Tùng và Huy Toàn hay tếu táo với nhau. Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, phóng viên, cán bộ cấp phòng, ban đi công tác nước ngoài là chuyện hiếm hoi. Ấy vậy mà đứng trước cổng 45 Bà Triệu, Thanh Tùng và Huy Toàn chuyện trò rôm rả như đúng rồi:
-         Ông vừa đi đâu về mà trông tươm tất thế?
-         Mình vừa ở Mát về. Khổ quá, chưa kịp chia quà cho anh em thì lại được lệnh đi Ba Lan.
-         Thì tôi có kém gì ông. Mới ở Tiệp về tuần trước thì giữa tuần này phải sang họp “ô i zi” tận Hung-ga-ri mới mệt chứ.
-         Chả ai khổ sở, tất bật như chúng mình nhẩy.
 
Hai anh cười phớ lớ chẳng để ý tôi và anh cộng tác viên ở đài phát thanh tỉnh đứng đằng sau. Lên phòng làm việc, anh cộng tác viên bắt tay tôi xuýt xoa:
-         Các anh ở đài quốc gia sướng thật đấy, phóng viên đi nước ngoài như đi chợ ấy. Chắc anh phụ trách phòng thì đi nhiều nước lắm nhỉ.
 
Tôi kể lại chuyện này, cả phòng được trận cười. Đến chị Thu Hương kiệm cười nhất phòng cũng phải tủm tỉm.
 
Không chỉ vui nhộn mà Thanh Tùng còn có tâm hồn ca hát. Cầm đàn ghi ta là hát. Giọng trầm, ngân nga những ca khúc đẫm tình của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Những lúc cao hứng anh còn sáng tác ca khúc. Chỉ một thông báo của công đoàn phòng trên bảng đen. “Ai mua gà công nghiệp, nộp tiền cho Hoàng Lan…” mà anh ôm ghi ta phừng phừng rồi ngân nga, nhấn nhá, anh em vui cười hát theo. Vui ra trò. Sau này về Ban Văn hóa Xã hội, thời nhà thơ Huy Dung làm Trưởng ban, Thanh Tùng còn sáng tác bài hát mà anh em gọi vui là “Đài ca”, đi biểu diễn liên hoan toàn đài được giải ba.
 
Thanh Tùng là thế. Xởi lởi, vui nhộn, nhưng sâu đậm nhất là yêu nghề, say mê với nghề. Anh không theo nghiệp bố là nhà văn Hoài An, nổi tiếng văn chương bút ký mà theo nghề phát thanh. Khi làm ở Phòng Công nghiệp và Phân phối lưu thông chuyên viết kịch bản, dàn dựng câu chuyện truyền thanh, một thể loại đặc sản của nhà Đài mà đội ngũ tác giả đếm trên đầu ngón tay. Ngày ngày đến cơ quan trong túi bạt màu xám mà anh em gọi là “túi ba gang” đựng cả chục kịch bản. Hàng trăm tác phẩm của anh được phát sóng, trong đó thính giả chú ý nghe và viết thư về khen ngợi là chống tiêu cực, tham nhũng. Khi chuyển sang làm việc ở mảng văn hóa xã hội, Thanh Tùng vẫn mê và tiếc “câu chuyện truyền thanh”.
 
Trong cuộc họp bàn về xây dựng chương trình phát thanh mới “Câu lạc bộ người cao tuổi” Tổng giám đốc Phan Quang hỏi nhà thơ Trần Ngọc Thụ, Trưởng ban Chuyên đề và tôi là cử ai làm trưởng phòng, tôi và anh Thụ chưa bàn bạc, nhưng cùng nhất trí là cử nhà báo Thanh Tùng. Anh có giọng trầm, êm, giàu cảm xúc, có kiến thức tích lũy đông tây kim cổ, cách viết uyển chuyển, linh hoạt, nhẹ nhàng, không đao to búa lớn hợp với khẩu vị các cụ.
 
Quả thực năm năm tồn tại và phát triển, Chương trình phát thanh “Câu lạc bộ người cao tuổi” được các cụ và thính giả nói chung mến mộ không chỉ nội dung phong phú, sinh động mà có giọng “hầu chuyện các cụ” của Thanh Tùng thật sự hấp dẫn, vào lòng người. Thanh Tùng là người đầu tiên của Đài làm MC trọn vẹn, đúng nghĩa, vừa dẫn dắt chương trình, vừa diễn xướng, đọc thơ, ngâm thơ, lẩy Kiều, hát quan họ, hát chèo. Đây cũng là một trong những chương trình phát thanh đầu tiên tương tác với thính giả, kéo thính giả tham gia chương trình, mang lại hiệu quả thông tin thiết thực. Chính vì vậy mà mới năm tuổi tròn, chương trình được Nhà nước tặng Huân chương Lao động. Nhà báo Thanh Tùng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
 
Nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN nhận xét: “Biên tập viên Thanh Tùng sớm thành công. Có vốn kiến thức khá rộng về văn học, lịch sử, anh trực tiếp trình bày trên sóng với thái độ khiêm nhường, giọng nói diễn cảm, nhờ vậy hấp dẫn bạn nghe đài ngay từ những chương trình đầu, không chỉ các cụ cao tuổi mà người trẻ cũng thích nghe. Câu lạc bộ kiến tạo được mối quan hệ, giao lưu mật thiết với bạn nghe đài.”
 
Trong một lần uống trà ở Phòng Công nghiệp, tự nhiên bốn anh em Bính Tuất chụm đầu với nhau, có Lương Kỳ, Huy Toàn, Thanh Tùng và tôi. Thanh Tùng nhỏ nhẹ: “Tớ nói thật nhé, cái tuổi Bính Tuất chúng mình ấy mà, chỉ được cái trực tính, chân thành, làm đến đâu hưởng đến đấy, được cái gì nhận cái đấy, đừng đòi hơn nhé”.
 
Thanh Tùng mãi mãi đi xa rồi, anh không đòi hơn, nhưng anh chị em đồng nghiệp gửi đến anh hơn nhiều lần hơn tình thương yêu và lòng quý mến./.
Theo Nhà báo Vĩnh Trà/VOV

 

Các tin khác:
  • Phóng viên thường trú vùng cao: Sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của trái tim (27/02/2021-9:18)
  • “Khoảnh khắc Báo chí 2020”: Kỳ vọng mùa giải mới (27/02/2021-9:11)
  • Phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch: Tận tâm cống hiến, phát huy bản lĩnh trước gian khó (25/02/2021-9:09)
  • Con chữ, mắt người: Người làm báo “Nhìn được, nhìn ra thì mới có thể đặt bút viết” (25/02/2021-8:59)
  • Lực lượng phóng viên theo dõi dịch Covid-19 cần được ưu tiên hỗ trợ (25/02/2021-8:47)
  • Sức mạnh từ sự đồng lòng, đoàn kết (22/02/2021-16:06)
  • Nghề báo cho tôi trưởng thành hơn, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn (22/02/2021-15:02)
  • Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ: (22/02/2021-13:47)
  • Báo Thanh Niên: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ phục vụ nhu cầu bạn đọc (19/02/2021-22:22)
  • Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Nhiệt huyết, sáng tạo làm nên sức sống mới (17/02/2021-9:39)