Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Vũ Tất Lợi và trải nghiệm đáng giá từ những chuyến tác nghiệp “bão táp” (12/03/2021-19:44)
    Nhà báo Vũ Tất Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc được biết đến là nhà báo của đồng bào dân tộc.
 
 Nhà báo Vũ Lợi trong lần tác nghiệp tại bản Huổi Hạ, ghi nhận niềm vui của bà con khi có cây cầu mới.
Với anh mỗi chuyến đi không chỉ là những bài viết mà còn là trải nghiệm, là trưởng thành hơn và quan trọng hơn hết là được đóng góp một phần nhỏ bé để san sẻ phần nào những khó khăn với người dân địa phương.

Không yêu nghề khó đi hết được quãng đường xa
 
 
Xuất phát từ một phóng viên ở địa phương, năm 2017 anh mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia kỳ thi tuyển phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Kỳ thi có tính cạnh tranh cao vì có khá nhiều phóng viên trẻ cùng nộp hồ sơ, các thí sinh thi kiến thức, tiếng Anh và thi đọc phát thanh. Nhờ có kinh nghiệm làm mảng phát thanh truyền hình nên anh đã đỗ với số điểm cao, sau đó trở thành phóng viên thuộc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc ở Điện Biên.
 
Trong quá trình làm phóng viên thường trú ở đây, anh cùng nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền và có nhiều bài viết về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra anh cũng tích cực đi sâu vào đề tài về đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới. Tập trung viết về đề tài xóa đói giảm nghèo, những khó khăn thiếu thốn mà đồng bào đang gặp phải...
 
Sau khi nghe được thông tin từ một người giáo viên địa phương nói về nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối tới trường. Sáng sớm hôm sau, ngày 4/9/2018, anh lập tức lên đường mang theo ý tưởng xây dựng một phóng sự chân thực để chia sẻ những khó khăn với giáo dục vùng cao vào dịp khai giảng năm học mới. Hôm đó không may lại đúng vào ngày mưa. Anh đi từ thành phố Điện Biên xuống UBND Na Sang mất 40km, nhưng quãng đường di chuyển xa nhất, mất thời gian nhất đối với anh là đoạn đường từ UBND xã xuống tới bản. 20km nhưng chỉ toàn đường đất, nhiều đoạn dốc trơn trượt. Đi bộ mất gần 10 tiếng đồng hồ, nhiều đoạn phải bám vào cây rừng để đi lên, trong khi đó trời vẫn tiếp tục mưa. Con đường tới bản cứ heo hút và kéo dài mãi, giày dép đều không thể sử dụng được.
Nhà báo Vũ Tất Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc cùng với các em nhỏ vùng cao.
Nhà báo Vũ Tất Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc cùng với các em nhỏ vùng cao.
Nhà báo Vũ Lợi nhớ lại: “Suốt cả đoạn đường đi xuống bản khoảng 10 tiếng tôi dầm mưa, có lúc mưa to, lúc mưa nhỏ, tôi cũng không nghĩ là có tuyến đường như thế nên không có sự chuẩn bị gì. Không áo mưa, không đồ ăn, trời rét, lúc mưa to tôi cởi áo ra để bọc máy, ôm vào người để đi. Đã có lúc trong đầu tôi lướt qua về việc quay về, đợi hôm nào trời nắng sẽ đi, nhưng tôi cũng nghĩ, thôi, cố gắng nốt, vì có thể đây cũng sẽ là kỷ niệm tác nghiệp nhớ đời”.
 
Tuy nhiên để vào được bản, nơi có dân cư sinh sống phải qua được suối, trời đã bắt đầu tối, dù đã đói và mệt nhưng anh vẫn cố chờ để trưởng bản kêu giúp người ra đón và phải đi bằng bè tre suối. “Bước lên bè tôi mới thấy rất khó đi, phải người khỏe kéo bè mới di chuyển được vì sức nước luôn đẩy bè đi xuôi xuống dưới. Ra đến giữa suối, dòng nước càng đẩy mạnh khiến người và bè chìm xuống, lúc này dây thừng và bè bị đẩy theo hình chữ V, tôi không biết bơi nên cũng có cảm giác sợ” - anh Vũ Lợi nhớ lại chuyến đi bão táp.
 
Thử thách sẽ tạo ra những kinh nghiệm
 
Bản Huổi Hạ là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Cả bản có 75 hộ với khoảng 500 nhân khẩu. Do mùa lũ, nước suối Nậm Chim lên cao, cuốn trôi cầu tạm bằng tre nên người dân phải dùng bè tre, căng dây thừng qua suối để đi lại. Tuy nhiên, cách này vất vả và có phần nguy hiểm hơn khi bè phải chịu từ lực nước rất mạnh. Đã có hơn 50 học sinh cấp II của bản phải chui túi nilon, nhờ người lớn kéo qua suối để đến trường cho kịp ngày khai giảng năm học mới.
 
Nhà báo Vũ Tất Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc trong lần tác nghiệp tại một trận lũ ở tỉnh Điện Biên.
Nhà báo Vũ Tất Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc trong lần tác nghiệp tại một trận lũ ở tỉnh Điện Biên.
Từ cái khó ló cái khôn, dùng túi nilong to, khi có nhiều hơi bên trong sẽ tạo thành một cái phao nổi, người lớn túm mang theo và trôi theo dòng nước, điều chỉnh hướng theo góc 45 độ sẽ dễ dàng di chuyển hơn. Để qua được bờ suối, người dân không mất đến 1 phút, lượng oxi cho các em trong túi lớn vẫn đủ để thở trong khoảng thời gian đó. Điều quan trọng nữa là các bé đến trường nhưng toàn bộ quần áo đồ dùng đều không bị ướt. Anh Vũ Lợi cho rằng: “Trải qua khó khăn, người dân họ sáng tạo hơn, tôi đã đi bè vào tối hôm trước nên tôi hiểu rằng nguy hiểm lớn hơn nhiều, bởi theo lực của nước sẽ đẩy bè đi xa và làm đứt dây, ở đây họ dùng túi nilong sẽ tận dụng luôn sức nước để qua sông một cách dễ dàng. Khó khăn nữa mà tôi muốn ghi nhận là quãng đường mà chúng tôi đã di chuyển hơn 9 tiếng đồng hôm trước từ xã xuống bản, giờ các em học sinh lại đi hằng ngày, hằng tuần thì điều đó càng thôi thúc tôi phải khai thác thật sâu đề tài này”.
 
Nhà báo Vũ Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc cùng với các em nhỏ vùng cao.
Nhà báo Vũ Lợi - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc cùng với các em nhỏ vùng cao.
Bài viết được đăng tải sớm, vào đúng mồng 5 tháng 9 cả nước hân hoan chào đón năm học mới với lễ khai giảng, loạt bài của anh đã gây được tiếng vang và để lại nhiều cảm xúc cho bạn đọc. Lãnh đạo Ban Biên tập Đài nhận thấy đây là đề tài sẽ thu hút được sự chú ý của dư luận, nên chỉ đạo tiếp tục làm. Trong đó nắm bắt thông tin từ cơ sở, hỏi thăm việc qua sông an toàn của người dân, tiếp tục xin ý kiến phản hồi từ bạn đọc và các cấp chính quyền đặc biệt là ngành giáo dục địa phương, để có thông tin khách quan đa chiều.
 
Nhờ sự tích cực vào cuộc của nhiều cơ quan báo chí khác, một thời gian ngắn sau đó niềm vui với người trong bản được nhân đôi khi Bộ Giao thông & Vận tải có công văn gửi tỉnh Điện Biên về nội dung báo chí nêu. Bộ cũng dành một nguồn vốn để sớm xây dựng cầu. UBND tỉnh cũng cân đối vốn để mở đường giao thông từ bản xuống trung tâm xã.
 
Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm, qua chuyến đi tác nghiệp “bão tố” lần này anh lại có thêm những kinh nghiệm cho bản thân. Đó là chuẩn bị đồ dùng để ứng phó với thời tiết, phải lường trước những yếu tố tác động, những khó khăn thường gặp. Chuẩn bị càng chu đáo công việc sẽ càng thuận lợi hơn.
 
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình làm nghề, nhà báo Vũ Lợi cho rằng: “Tôi thấy rằng, mỗi chuyến đi, mỗi thử thách sẽ trao cho mình những kinh nghiệm, từng nhà báo sẽ có cách tiếp cận và khai thác để tài riêng nhưng tôi nghĩ có một điều khó thay đổi là đạo đức người làm báo. Phải yêu nghề, không có đam mê máu lửa với nghề thì không thể làm được. Và sau mỗi bài báo được nhiều bạn đọc đón đợi, giúp mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và niềm hạnh phúc hơn rất nhiều”.
Theo Lê Tâm/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nữ nhà báo Phi Yến: Có nhiệt huyết, đam mê chân chính thì không bao giờ tắt lửa nghề (09/03/2021-17:00)
  • Nghề phóng viên ảnh: Khó khăn thách thức nhưng đầy đam mê (06/03/2021-9:44)
  • Nhà báo Đinh Mạnh Tú -Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương: Chúng tôi làm việc gần như quên thời gian (04/03/2021-17:52)
  • Hội thảo sinh viên báo chí với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng (03/03/2021-10:09)
  • Nhà báo Thanh Tùng: Lo, vui và say mê (01/03/2021-9:14)
  • Phóng viên thường trú vùng cao: Sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của trái tim (27/02/2021-9:18)
  • “Khoảnh khắc Báo chí 2020”: Kỳ vọng mùa giải mới (27/02/2021-9:11)
  • Phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch: Tận tâm cống hiến, phát huy bản lĩnh trước gian khó (25/02/2021-9:09)
  • Con chữ, mắt người: Người làm báo “Nhìn được, nhìn ra thì mới có thể đặt bút viết” (25/02/2021-8:59)
  • Lực lượng phóng viên theo dõi dịch Covid-19 cần được ưu tiên hỗ trợ (25/02/2021-8:47)