Toàn cảnh buổi tọa đàm: Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ Công đoàn cơ sở. Ảnh: Văn Duẩn
Truyền thông có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại 4.0. Không nằm ngoài xu hướng này, truyền thông trong công tác Công đoàn đã và đang được chú trọng. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chương trình "Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023". Từ đó có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động truyền thông trong Công đoàn không còn chỉ là một yếu tố nhỏ, mà đã trở thành một trong những vấn đề then chốt, được xây dựng, phát triển với đường hướng rõ ràng.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Truyền thông Công đoàn là một chức năng cơ bản và quan trọng của Công đoàn. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin thì câu chuyện không chỉ dừng ở một chiều mà còn phải đưa thông tin mà người lao động cần, tiếp nhận, phản hồi để điều chỉnh.
Hệ thống truyền thông của Công đoàn nhìn chung là lớn mạnh, gồm 2 tờ báo, 70 tạp chí và bản tin, cơ chế phối hợp thường xuyên với 40 cơ quan báo chí và nhiều cơ quan truyền hình trung ương và địa phương; hệ thống mạng xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 100 trang tin cấp tỉnh, 800 trang tin thuộc cấp cơ sở.
"Trước đây, chúng ta thường đưa thông tin một chiều, không để ý đến sự tiếp nhận của đối tượng. Chính vì vậy, hiện nay, ngoài thông tin từ phía công đoàn, cán bộ Công đoàn phải thường xuyên cập nhật thông tin mới và tiếp nhận phản hồi từ người lao động"- ông Kiên chia sẻ.
Theo PV/Báo Nhà báo và Công luận