Thứ ba, ngày 08/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Sự kiện nổi bật trong nước tuần từ ngày 5-11/4/2021 (12/04/2021-11:53)
    * Chuyển giao thế hệ lãnh đạo: Hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”; * Phân công 4 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương; * Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao; * Khai mạc Vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV - 2020.

 Ảnh: VOV

  1. Chuyển giao thế hệ lãnh đạo: Hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”

Kỳ họp thứ XI - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã chính thức khép lại, đánh dấu bằng cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, từ các vị trí chủ chốt cho đến các vị trí trọng yếu trong bộ máy nhà nước. Đội ngũ lãnh đạo đất nước trong những năm tới có sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và sự mới mẻ, giữa ổn định, kế thừa và phát triển. Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21.

Sau 2 năm rưỡi đảm nhận vị trí Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức chuyển giao công việc này cho tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chính thức trở thành tân Thủ tướng Chính phủ.   

Việc hoàn thiện 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt được giới quan sát trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đây là sự “lựa chọn độc đáo” nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng vị trí, ngay cả khi việc giới thiệu nhân sự không tuân theo quy luật thông thường. Ở vị trí người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ ưu tú có tầm thời đại, tiếp tục công cuộc xây dựng và chỉnh đốn đảng, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng - vốn đã thu được nhiều kết quả trong thời gian qua. Trong khi đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình đã có trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước. Ông cũng để lại những “di sản quý” cho người kế nhiệm khi Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 4 trong số các nước ASEAN. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng là 3.500 USD.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính với kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều vị trí công tác được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thu hút các nguồn lực để phát triển đất nước. Tân Thủ tướng được đánh giá là người có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, tinh thần đổi mới quyết liệt. Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Ông được kỳ vọng sẽ cùng với Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước trong những năm tới.

Tuyên thệ trước Quốc hội, các nhà lãnh đạo mới được bầu đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải kế thừa và phát huy những thành tựu và kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cho đất nước trong thời gian tới. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 ưu tiên của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Kiện toàn bộ máy lãnh đạo với nhiều gương mặt mới ở Quốc hội và Chính phủ, phần lớn những cán bộ này đều được rèn luyện qua thực tiễn, được thử thách ở những địa bàn khó khăn. Một nửa bộ máy Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm mới, trong đó người trẻ nhất ở độ tuổi 45. Cử tri và nhân dân cả nước trông đợi cơ quan lập pháp và hành pháp sẽ thật sự vững mạnh, triển khai có hiệu quả những định hướng, nhiệm vụ đã được nêu ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân, đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Mục tiêu cao nhất là hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển toàn diện vào năm 2045, đánh dấu 100 năm giành được độc lập.

Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, nhất là những kỳ tích đáng tự hào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19… song, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng đặt lên vai đội ngũ lãnh đạo rất nhiều thách thức. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong diễn văn nhậm chức: “Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn”. Nhưng, cũng chính ông chiêm nghiệm rằng “khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai”.

Kỳ họp thứ XI khép lại, gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV và hàng triệu cử tri trong cả nước sẽ không thể quên cái ôm rất chặt của người lãnh đạo cao nhất đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào thời khắc ông nhậm chức. Hình ảnh đã gửi đi thông điệp về tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đi những nấc thang vững chắc trên con đường hiện thực hóa "Việt Nam hùng cường" trong những thập kỷ tới.

  1. Phân công 4 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương

Sáng 9/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thảo luận về một số tình hình và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quý I/2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm sắp tới.

Bộ Chính trị thống nhất nhận định, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…, tạo được những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gương mẫu của lãnh đạo cấp cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhạy bén, kịp thời, có hiệu quả, cách làm bài bản, khoa học, chặt chẽ, sự phối hợp nhịp nhàng, các giải pháp đề ra đúng và trúng, đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực vừa qua, tiếp tục lan toả sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và tạo không khí phấn khởi, khí thế, sự tin tưởng, kỳ vọng trong xã hội.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn, thách thức; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021.

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động nắm chắc tình hình để xử lý những vấn đề mới phát sinh. Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế, quy trình công tác để bảo đảm toàn bộ hệ thống chính trị hoạt động liên tục, thông suốt và hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã thống nhất phân công 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, gồm: Đồng chí Trương Thị Mai - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Như vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII có các đồng chí do Ban Chấp hành Trung ương bầu và các đồng chí do Bộ Chính trị phân công tham gia, gồm 11 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

  1. Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025.

Ảnh: Internet

Theo đó, Chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ưu tiên tập trung vào các đề tài lớn, bao gồm: Đề tài lịch sử và di sản văn hóa truyền thống dân tộc; Đề tài cách mạng, trong đó tập trung vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Đề tài về biển, hải đảo và biên giới; bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Đề tài về những con người mới tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường ở địa phương nói riêng và của đất nước nói chung; Đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Đề tài về thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; về dân tộc thiểu số nhất là các dân tộc thiểu số rất ít người; Đề tài về gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình; Đề tài chống diễn biến hòa bình, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Chương trình sẽ hỗ trợ sáng tạo theo chiều sâu cho các tác giả, nhóm tác giả có nhiều đóng góp về văn học nghệ thuật, báo chí, có nhiều vốn sống nhưng chưa được đầu tư để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng tài năng trẻ nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, phóng viên, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.

Đối tượng của Chương trình là các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương được hỗ trợ thông qua các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Nhà báo địa phương và Hội Nhà báo Việt Nam.

Kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước căn cứ vào mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở trên và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

  1. Khai mạc Vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020

Sáng 8/4 tại Hà Nội, Hội đồng Giải báo chí quốc gia (BCQG) tổ chức Lễ khai mạc vòng chấm Sơ khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - 2020. Theo Ban tổ chức, năm nay có 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định, nhiều nhất từ trước đến nay.

Tới dự Lễ khai mạc vòng chấm Sơ khảo có đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia; đồng chí Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cùng các thành viên Hội đồng Sơ khảo, các ban giúp việc của Hội đồng Giải và đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cho biết: Trong thời gian qua các khâu chuẩn bị đã được tiến hành theo đúng Điều lệ giải và đúng tiến độ. Ngày 20/1/2021, Chủ tịch HĐGBCQG đã ký và ban hành Văn bản số 01/HĐ-HĐGBCQG về “Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự giải BCQG lần thứ XV - 2020”. Ngay sau đó là quyết định kiện toàn bộ máy giúp việc hội đồng gồm 3 ban.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đồng Giải báo chí quốc gia phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Theo tổng hợp của Ban thư ký tổng hợp giải, tính đến 31/3/2021 số lượng bài năm nay cao nhất so với nhiều năm trước đây, với 1931 tác phẩm, trong đó có 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự giải.

Theo Điều lệ GBCQG (sửa đổi) cơ cấu giải lần thứ XV - 2020 gồm 11 nhóm giải và giải đặc biệt, giải phụ do Hội đồng giải xem xét, quyết định. Theo đó có tổng cộng 114 đơn vị tham dự, trong đó có 63 hội tỉnh, thành phố, có 17/19 liên chi hội tham dự. So với trước, đây là năm có số cấp Hội tham dự nhiều và số tác phẩm dự giải ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Đồng chí Hồ Quang Lợi hi vọng, các thành viên Hội đồng sẽ lựa chọn được những tác phẩm mang tính phát hiện cao, những tác phẩm thể hiện tinh thần dấn thân cống hiến, lao động sáng tạo của các nhà báo. Những tác phẩm có nội dung đề cập đến những vấn đề trọng tâm của đất nước trong thời gian qua, ở tất cả các lĩnh vực: Chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng… Ngoài nội dung những tác phẩm có cách thể hiện sinh động hấp dẫn, có sức cuốn hút, có hiệu quả xã hội, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần động viên toàn đảng toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ. Phát hiện được những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Ngoài ra, còn có những tác phẩm phát hiện được những khó khăn, bất cập trong đời sống xã hội… thể hiện tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong xã hội

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cũng thông qua và làm rõ hơn quy chế tổ chức, làm việc của Hội đồng sơ khảo. Các đại biểu được quán triệt làm rõ quy chế trong quá trình chấm để đạt được kết quả tốt nhất. Ban tổ chức sẽ chia ra 11 thể loại để chấm, có những tiểu ban số lượng tác phẩm lớn, nhưng về yêu cầu thành viên vẫn phải hoàn thành trong 1 tháng làm việc.

Song Anh (Tổng hợp)/ Cổng TTĐT HNB VN

 

Các tin khác:
  • Chính phủ mới và những thách thức đáng để đối đầu! (09/04/2021-19:46)
  • Hôm nay, Quốc hội họp phiên bế mạc, phê chuẩn bổ nhiệm 14 thành viên Chính phủ (09/04/2021-9:16)
  • Đồng chí Trần Sỹ Thanh được bầu giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước (08/04/2021-15:22)
  • Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực đoàn kết, hành động hiệu quả (06/04/2021-15:25)
  • Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ (05/04/2021-14:15)
  • Hôm nay, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, xem xét nhân sự tân Chủ tịch nước (02/04/2021-12:22)
  • Ông Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội (01/04/2021-11:48)
  • Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: Công tác tuyên truyền bầu cử phải hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương (30/03/2021-19:06)
  • Khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường trong thanh niên (26/03/2021-13:55)
  • Thủ tướng: Đổi mới công tác thông tin góp phần tạo đồng thuận xã hội, ngăn chặn tin giả, sai sự thật (25/03/2021-11:02)