Ngày 21/4/1950, Hội những người viết báo Việt Nam ra đời tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên do nhà báo Xuân Thủy - nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng làm Chủ tịch. Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.
Đoàn về nguồn đã dâng hương tại địa điểm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, tại đây các thành viên trong đoàn đã ôn lại truyền thống hình thành và phát triển của Hội qua các thời kỳ bằng những hiện vật, ảnh tại nhà trưng bày. Trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng phát triển, trưởng thành, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Hiện nay, Hội có trên 25 nghìn hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội, gồm: 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương.
Về Hội Nhà báo tỉnh, hiện có 5 Chi hội, Liên Chi hội trực thuộc với hơn 250 hội viên. Những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh đã làm tốt vai trò phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo. Tổ chức các chuyến đi thực tế, tập huấn cho hội viên...
Chương trình về nguồn cũng là một hoạt động nhằm hướng tới Hội viên, nâng cao hiểu biết về truyền thống phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.
Cũng tại chương trình về nguồn, đoàn đã tới dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ (Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa). Nơi đây trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Tân Trào “Thủ đô khu giải phóng” và ở ATK Định Hóa.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên là công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là nơi lắng hồn thiêng sông núi, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi hành hương của các thế hệ người Việt Nam đang ra sức phấn đấu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và là một điểm đến đầy ý nghĩa của du khách quốc tế.
Theo Hoàng Giao/Báo Nhà báo và Công luận