Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học không được thông báo trúng tuyển khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT ở TP HCM trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non năm 2021.
Không được "cầm đèn chạy trước ô tô"
Theo hướng dẫn trên, các trường ĐH phải có biện pháp kiểm soát điều kiện sơ tuyển theo phương thức xét học bạ, không để xảy ra tình trạng thí sinh (TS) đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển. Đồng thời, không được thông báo TS trúng tuyển dưới mọi hình thức khi chưa tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, các trường phải công khai, minh bạch về chỉ tiêu tuyển sinh; công bố các điều kiện sơ tuyển, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng; chính sách ưu tiên của trường gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; bảo đảm khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp…
Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của TS, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin thêm: Các trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho TS có đủ thời gian chuẩn bị. Đề án tuyển sinh phải xây dựng và công khai trên trang thông tin điện tử trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày TS bắt đầu ĐKXT.
Đồng thời, các trường phải bảo đảm tuyệt đối chính xác, thống nhất thông tin tuyển sinh khai báo trong cổng thông tin tuyển sinh với các thông tin trong đề án (như mã cơ sở đào tạo, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ...). Quy định như vậy là vì việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của TS, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống.
Ngoài ra, trong thời gian TS điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các trường ĐH tuyệt đối không cập nhật, không công bố thông tin TS xét tuyển vào trường mình.
Phạt nặng nếu tuyển sinh sai đối tượng
Cũng theo quy định mới, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm.
Cụ thể, nếu các trường không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với những ngành có quy định về ngưỡng này hoặc tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố thì sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Trường hợp tuyển sai đối tượng từ 10 đến dưới 30 người học, bị phạt tối đa 70 triệu đồng; tuyển sai từ 30 người học trở lên, bị phạt từ 70-100 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 6 tháng đến một năm.
Đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt 20 triệu đồng. Ngoài ra, bị buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và tự chịu mọi chi phí liên quan. Trường hợp người học không có lỗi thì các trường phải chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở đào tạo đủ điều kiện khác.
Cũng từ năm nay, nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu từ 15% đến dưới 20% sẽ bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, nếu tuyển vượt trên 20% sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng. Ngoài ra còn bị buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Thí sinh được điều chỉnh đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần
Năm 2021, TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển được chọn một trong 2 phương thức. Phương thức 1: Đăng ký trực tiếp tất cả thông tin trên phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phương thức 2: Đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến.
Đối với TS có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT tối đa 3 lần trong thời gian quy định. Các TS phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT. Trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, TS điều chỉnh không nhiều hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh. Nếu TS điều chỉnh nhiều hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên thì phải khai chính xác thông tin này và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.
Theo lịch dự kiến của Bộ GD-ĐT, từ ngày 27-4 đến 11-5, TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển ĐH. Riêng thí sinh đăng ký nguyện vọng theo hình thức trực tuyến được kéo dài đến 17 giờ ngày 16-5.
Theo Yến Anh/Báo Người lao động