Các đại biểu cùng ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: Sơn Hải)
Lịch sử HNBVN là một lịch sử vẻ vang
Các đại biểu dâng hương tại Nhà Trưng bày của HNBVN (Ảnh: Sơn Hải)
Tham gia Đoàn hành hương “về nguồn” còn có nhà báo Nguyễn Uyển, các đồng chí đại diện Ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Thái Nguyên, lãnh đạo xã Điềm Mặc, Ban Quản lý khu Di tích cùng nhiều nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...
Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Trong buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN); thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay. Tới địa điểm này, những người làm báo lại nhớ về “cội nguồn”, nơi cách đây 71 năm đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 21/4/1950, với HNBVN là một ngày lịch sử bởi đó là ngày Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của HNBVN) tổ chức Hội nghị thành lập. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; ghi mốc son trong sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.
Đoàn đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại Bia Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng phát triển, trưởng thành, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Hiện nay, Hội có trên 25 nghìn hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội, gồm: 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Lịch sử HNBVN là một lịch sử vẻ vang và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam hôm nay luôn cảm thấy trách nhiệm của mình phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Nhà báo Nguyễn Uyển ( ở giữa), nguyên Trưởng ban Công tác Hội HNBVN đã trao tặng 5 cuốn sách của ông cho Nhà Trưng bày của HNBVN. Ảnh: Sơn Hải
Cũng tại sự kiện hôm nay, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban Công tác Hội HNBVN đã trao tặng 5 cuốn sách của ông cho Nhà Trưng bày của HNBVN với hy vọng sẽ là những cuốn sách ý nghĩa về nghề báo, về đồng quê, quê hương...Ông cũng chính là một trong những người cùng với Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam cách đây nhiều năm tìm ra địa điểm Khu di tích ý nghĩa này.
Đến Đèo De nhớ về người Thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt nam
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), đoàn đại biểu HNBVN đãhương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa). Ảnh: Sơn Hải
Cũng trong chương trình “về nguồn”, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), đoàn đại biểu HNBVN đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa). Nơi đây trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Tân Trào “Thủ đô khu giải phóng” và ở ATK Định Hóa.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc thỉnh 9 tiếng chuông trước khi vào dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Hải
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là nơi lắng hồn thiêng sông núi, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi hành hương của các thế hệ người Việt Nam đang ra sức phấn đấu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trước anh linh của Người, tập thể cán bộ, hội viên, nhà báo đã bày tỏ lòng thành kính với Bác – người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Đoàn cũng đã dâng hương báo công lên Bác các thành tích mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc viết cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Hải
Đặc biệt, đến nơi đây, trong lòng những hội viên, nhà báo hôm nay lại nhớ và khắc ghi về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là người chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Những lời chỉ dạy ý nghĩa năm xưa của Người như vẫn còn vang vọng đâu đây: “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể nói, trên hành trình “làm tròn nhiệm vụ” ấy, Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Hành trình tiếp bước truyền thống vẻ vang ấy vẫn còn đó trước mắt nhiều công việc, nhiều nhiệm vụ mà quan trọng nhất thời điểm này là nhiệm vụ tổ chức Đại hội lần thứ XI HNBVN. Chuyến hành hương về nguồn là hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay mà còn như tiếp thêm động lực cho các hoạt động, nhiệm vụ trọng đại sắp tới.
Theo Hà Vân/Báo NHà báo và Công luận