Công an giao thông tỉnh Thanh Hoá kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Mạnh Cường
Theo đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch và các phương án tổ chức điều tiết giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nhất là các tuyến giao thông đến khu vực tổ chức lễ hội, du lịch, trường học, cụm thi tuyển sinh. Bố trí lực lượng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và giám sát các phương tiện hoạt động tại bến xe, nhà ga và trên đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông như: đua xe trái phép, lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe máy điện; xe chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn; xe hết niên hạn sử dụng, quá thời hạn đăng kiểm hoạt động trên các tuyến giao thông.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa bổ sung hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông; ưu tiên sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến trọng điểm. Siết chặt quản lý, giám sát hoạt động đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp gắn với phòng chống dịch Covid19; thông tin, hướng dẫn cho người dân và học sinh thời gian, lịch trình đi, đến; chỉ đạo tăng tần xuất hoạt động xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và học sinh.
Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang ATGT; kiểm tra an toàn các phương tiện chở khách hoạt động trên các tuyến và tại bến xe; kiên quyết xử lý đối với phương tiện vận chuyển khách trái tuyến, quá tải trọng cho phép, quá số người quy định, tăng giá vé, giá cước vận chuyển trái quy định. Tăng cường phối hợp kiểm tra các tuyến, luồng, hồ, đập, bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, cầu treo, cầu phao dân sinh; đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.
Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đảm bảo ATGT đối với hoạt động của các phương tiện vận tải trên địa bàn, nhất là vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy; giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải khách ngang sông, khách du lịch bằng đường thủy; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những phương tiện đường thủy không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; tăng cường lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm và khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, các trường tổ chức thi tuyển sinh trên địa bàn.
Chỉ đạo kiểm tra rà soát, bổ sung hệ thống cảnh báo ATGT, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm trên các tuyến giao thông, đảm bảo hành lang ATGT; kiểm tra và có biện pháp đảm bảo ATGT tại các vị trí kết nối với quốc lộ, đường tỉnh, đường bộ giao cắt với đường sắt; phối hợp kiểm tra đảm bảo an toàn các cầu treo, cầu phao, cầu dân sinh, các bến đò ngang, hồ, đập.
Công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông.Báo cáo kịp thời về Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng liên quan khi trên địa bàn xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng để phối hợp giải quyết.
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự quyết liệt của các ngành chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm so với cùng kì. Tuy nhiên, số người tử vong lại tăng lên do đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt là vụ TNGT nghiêm trọng trên đường tỉnh 530 qua địa bàn huyện Lang Chánh làm 7 người chết.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong ba tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 100 vụ TNGT, làm chết 45 người, làm bị thương 74 người. So với cùng kỳ 2020 giảm 32 vụ (giảm 24%), tăng người chết (tăng 36%%), giảm 50 người bị thương (giảm 40%%); trong đó đường bộ xảy ra 99 vụ TNGT, làm chết 44 người, làm bị thương 74 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, chết 1 người.
Cũng trong 3 tháng qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 19.790 trường hợp. Trong đó có 6.967 ô tô, 3.025 xe mô tô, 30 phương tiện khác), tạm giữ 3.654 phương tiện; tước 1.592 kiểm định và GPLX, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 34 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT là do nhận thức, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém; hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, HLATGT vẫn diễn ra; đặc biệt là việc dựng rạp tổ chức đám cưới trên các tuyến giao thông ở một số địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Các phương tiện xe chở quá tải trọng vẫn né tránh các lực lượng chức năng lén lút hoạt động trên các tuyến giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng phương tiện và nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.
P.V