Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Trần Mai Hạnh, người "đi qua số phận" với những điều chưa từng hé lộ. Bài 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc balo thấm máu đồng đội (28/04/2021-13:11)
   

 

Trong nửa sau cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt, không khí trong căn phòng có vẻ trầm hơn. Nhà báo Trần Mai Hạnh có nhiều lúc lặng hẳn đi khi chúng tôi đề cập tới những biến cố, những thăng trầm trong cuộc đời ông.

Những lúc đó, không phải ông tìm cách né tránh những câu hỏi mà ông đang cố gắng phân tích, mổ xẻ lại chúng theo góc nhìn của mình, để rồi đúc rút ra những bài học cho chính bản thân.

Lại có lúc, ông cười nhạt mà bảo: Nhân tình thế thái và xã hội đã quá nhiều đổi thay. Có những thời điểm tôi thấy, con người không những cần phải im lặng mà còn phải biết cách im lặng như thế nào trước những điều mình đã nếm trải, và có những điều phải im lặng đến suốt đời.

Nhưng chúng tôi đều hiểu, với riêng ông, im lặng không phải là ngồi im đấy. Mà trái lại vẫn âm thầm suy nghĩ, lao động và cất bước. Vì với ông, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước.

Ông vẫn khao khát sống, khát khao cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho xã hội, để trả ơn đời và cũng để thầm trả ơn những người tốt luôn có mặt đúng lúc để ủng hộ, giúp đỡ ông vượt qua cơn nguy nan khốn khó.

 
 
 
 
 
00:04:13
 
 
Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 2.

Ông từng nói: "Nếu "Thời tôi sống" là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời tôi, thì "Viết và Đối thoại" có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi...". Nếu không thấy phiền, ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc của Dân Việt về những sóng gió, thăng trầm đó, thưa ông?

 - Trong cuộc trò chuyện này, tôi muốn thật sự cởi mở với bạn đọc của Dân Việt. Tôi sẽ kể về ba tai hoạ đã ập đến với cuộc đời mà tôi và gia đình đã phải vượt qua.

Trước hết là tai hoạ về cuộc sống. Năm 1981, do hàng xóm liền kề căn hộ cấp 4 của tôi bất cẩn làm can xăng 20 lít bùng cháy, hoả hoạn làm sập đổ và thiêu rụi nhà tôi, đồ đạc cháy sạch, trong đó có không ít tài liệu tuyệt mật về chiến tranh từ phía bên kia mà tôi thu thập được (để dành viết cuốn "Biên bản 1 – 2 – 3 – 4/75" – NV), cả bản thảo viết tay bài tường thuật đầu tiên tôi hoàn thành lúc 14 giờ chiều 30/4/1975...

Tất cả phút chốc thành tro than sũng nước cứu hoả. Vợ tôi phải đưa ba con nhỏ lên ở nhờ nhà bà ngoại. Tối đó, trên nền nhà cháy đen, tôi chăng điện ngồi nhặt nhạnh từng mảnh các trang tài liệu, trang bản thảo cháy dở còn sót lại mà ứa nước mắt. Bao tâm sức, công lao phút chốc bị mất sạch, lại phải bắt tay làm lại từ đầu.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 3.

Thứ hai là tai hoạ về thể xác. Tháng 4/1992, tôi đi xe Honda, đèo anh Lê Đình Khuyến ngồi sau đi trên đường Lý Thường Kiệt thì một chiếc xe bus chạy bên kia đường mất lái lao sang đâm thẳng vào tôi. Anh Lê Đình Khuyến mất ngay tại chỗ. Tôi bị đâm vỡ cung mày mắt trái, mất một mắt, gãy chân trái với hàng chục vết thương vì bị xe bus kéo lê một đoạn trên đường.

Tôi nằm đó, mê man bất tỉnh. May sao, tôi được một bác xích lô chở vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh. Sau ca đại phẫu thuật vùng cung mày trái bị đâm vỡ, mắt trái bị vỡ bật hẳn ra, do tiên lượng xấu có thể tràn máu trong não nên các bác sĩ quyết định mổ sọ não. Rất may chiếc Thẻ nhà báo đã cứu sống tôi.

Số là bác xích lô chở tôi tới Bệnh viện Việt Đức ngay gần chỗ tôi bị tai nạn để cấp cứu. Sau đó, bác thấy Thẻ nhà báo trên người, liền tìm tới cơ quan tôi. Khi đó là nửa đêm, không còn ai ở cơ quan. Chỉ có nhà của ông Đỗ Phượng - Tổng Giám đốc TTXVN lúc đó ngay sát cơ quan. 

Hay tin, ông Đỗ Phượng đã tức khắc phóng ô tô tới bệnh viện. Ông tới khu mổ cấp cứu đúng lúc các y tá đang đẩy xe phẫu thuật chở tôi tới cửa phòng mổ não. Ông yêu cầu tạm dừng để ông trao đổi với các bác sĩ.

Sau này tôi nghe mọi người kể lại, ông Phượng đã nói: "Hạnh là một phóng viên giỏi của TTXVN. Tôi không muốn sau ca mổ não thấy một Trần Mai Hạnh bị mất trí nhớ, suốt ngày lang thang nói năng không kiểm soát". Các bác sĩ đồng ý tạm dừng ca mổ não để theo dõi thêm.

Sớm hôm sau tôi được đưa sang Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chụp phim cắt lớp thì cơ bản não không sao, chỉ tụ máu nhỏ ở vài chỗ và có thể tự khỏi được. Ngay sau đó tôi được đưa sang Viện Mắt Trung ương. Sau 3 lần phẫu thuật tạo hình, tôi được lắp mắt giả...

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 4.

Thứ ba, và nặng nề nhất là tai hoạ trong sự nghiệp. Tôi được kết nạp Đảng ở chiến trường Quảng Đà ngày 23/5/1969 cùng với anh Lương Thế Trung, phóng viên nhiếp ảnh của tổ phóng viên VNTTX tại Mặt trận Quảng Đà. Tháng 12/1969, cả tổ phóng viên bị vây ráp trong một cuộc càn ác liệt dài ngày của lính Mỹ và ngụy, điện đài bị mất, tôi bị sốt rét ác tính và tràn dịch màng phổi nặng nên Bộ Biên tập thống nhất với Tỉnh ủy Quảng Đà điều tổ ra miền Bắc chữa bệnh, cử tổ phóng viên mới vào thay thế.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 5.

Công văn gửi Bộ biên tập VNTTX về việc điều tổ phóng viên ra miền Bắc chữa bệnh và Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của tôi (khi đó tôi đang trong thời kỳ dự bị) của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đều do đồng chí Hồ Hữu Phước, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng ký.

Hết thời kỳ dự bị, ngày 23/5/1970 tôi được xét duyệt Đảng viên chính thức khi đang còn điều trị tại Bệnh viện dành cho các cán bộ từ miền Nam ra.

Quyết định công nhận đảng viên chính thức cũng như quyết định điều tôi trở về công tác tại VNTTX đều do ông Phan Triêm, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương thời đó ký.

Tất cả đều rõ ràng, khách quan và có giấy tờ lưu lại. Nhưng thật bất ngờ, tháng 4/2002, khi tôi là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm, đang tiếp xúc cử tri thì bất ngờ một tờ báo đăng bài nói là "tôi đào ngũ, là B quay"… (cười chua chát).

Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, thủ trưởng trực tiếp của tôi khi đó đã trả lời trên báo chí, bác bỏ hoàn toàn thông tin vu khống đó.

Sau này, do một sự tình cờ, tôi được biết hồ sơ mang mã số 18170 của tôi đang được lưu giữ với mức độ "bảo quản vĩnh viễn" tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính, Hà Nội) có đầy đủ các loại giấy tờ quan trọng chứng minh tôi bị vu khống, gồm có: Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng số 938 TTC ngày 6/12/1969 và Giấy giới thiệu công tác ngày 7/12/1969 của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Quảng Nam-Đà Nẵng do đồng chí Hồ Hữu Phước (tức Hồ Nghinh) ký.

Nay, qua cuộc trò chuyện này, tôi xin gửi Báo Dân Việt bản chụp các văn bản gốc có dấu chứng thực của Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III để bạn đọc thấy rõ sự thật. Nó dường như cũng bắt đầu cho tai hoạ tiếp theo.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 6.

Phải chăng ông đang nói đến biến cố rất lớn trong cuộc đời là phải chịu án 9 năm tù khi bị tòa kết án có dính líu tới vụ án Năm Cam. Tuy nhiên, sau 2 năm chịu án, ông đã được trả tự do. Những ngày trong lao lý, ông hay nghĩ về điều gì nhất? Bằng cách nào ông có thể vượt qua được quá nhiều tai hoạ ập đến cuộc đời mình như vậy?

- Xin cảm ơn các bạn đã đặt câu hỏi. Tôi nghĩ mình nên tiếp tục chờ đợi đến lúc thích hợp sẽ nói kỹ và đầy đủ hơn về câu chuyện này. Nhưng tôi có thể trả lời tóm tắt về trường hợp của tôi như sau: Theo quy định của nhà nước, người tù ít nhất phải chấp hành 1/3 mức án và phải lập được thành tích trong thời gian chấp hành án thì mới được xét đặc xá, nhưng tôi mới chấp hành 2 năm, tức chưa được ¼ mức án đã được đặc xá…

Quay trở lại câu hỏi "thời gian trong lao lý, tôi nghĩ nhiều về điều gì nhất". Lúc đó ý nghĩ thường trực trong tôi chính là những câu hỏi: Tại sao khi đó mình bị vu khống là "B quay"? Tại sao mình bị kết tội? Nếu ra tù phải trở lại như thế nào đây? Phải lấy lại danh dự bằng cách nào?

Các bạn hỏi tôi cách nào để vượt qua những biến cố lớn mà với người khác, có khi chỉ chịu 1 thôi cũng đã khó vượt qua rồi, phải không? Tôi luôn tâm niệm phải có niềm tin vững chắc là mình không sai, ngẩng cao đầu cất bước với tất cả sức lực, trí tuệ trên con đường mà mình đã hoạch định.

Không phải là những đơn từ kiện tụng hay lời lẽ thanh minh, mà phải bằng chính cuộc sống của mình, thái độ ứng xử của mình, đặc biệt là thành quả được thừa nhận từ lao động trí tuệ không mệt mỏi mang tinh thần xây dựng và trách nhiệm của mình trước cuộc sống mới khiến xã hội hiểu mình là người thế nào.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 7.

Từng ở đỉnh cao quyền lực, nhưng phút chốc bị đẩy tới bên bờ vực thẳm, ông có coi đó là sự trớ trêu của số phận? Bài học nào với ông là quý giá nhất với bản thân ông?

- Có quá nhiều trớ trêu đối với số phận của tôi. Tôi xuất thân trong một gia đình bố là cán bộ kháng chiến, mẹ là công nhân, gia đình thuộc lớp nghèo thành thị, không có bất cứ ai nâng đỡ.

Rồi nhờ sự phấn đấu tự thân mà trưởng thành trong chiến tranh, trong hoà bình, liên tục 3 khoá Đại hội nhà báo (mỗi khoá 5 năm) được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có 2 nhiệm kỳ được bầu là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

Đại hội Đảng Khoá VIII, Khoá IX được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội...

Mọi việc cứ tuần tự như vậy, và rồi tôi đã thiếu tỉnh táo trước sự thăng tiến trên quan lộ. Đáng lẽ tôi phải sớm nhận ra, chính trị hoàn toàn không phù hợp với mình.

Nếu chỉ sống, lao động cống hiến với nghề báo, nghiệp văn, tôi chắc cuộc đời tôi sẽ bớt đi nhiều sóng gió, thăng trầm. Một mái nhà yên ấm, một cuộc sống bình yên, khiêm nhường - Hạnh phúc đó giản dị, nhưng không phải ai cũng có, không phải lúc nào cũng hiện diện trong cuộc đời mỗi con người. Với tôi, đó là bài học quý giá nhất.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 8.
Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 9.

Khi vướng vào vòng lao lý, con người ta thật khó vượt qua được những thử thách của số phận. Nhưng ông đã vượt qua được những thách thức đó. Cùng với sự lao động không mệt mỏi, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Theo ông, điều gì đã tạo nên con người Trần Mai Hạnh hôm nay?

- Thực ra tôi không muốn trả lời câu hỏi này, vì nói về mình, tự đánh giá tác phẩm của mình là rất phản cảm. Nhưng không trả lời lại khiến bạn đọc cho rằng tôi cẩn trọng quá, không dám nói.

Thực ra với tôi, những chuyện này cứ như có điều vô hình gì đó sắp xếp, xô đẩy tôi. Năm 2005 khi được trả tự do, tôi phải lấy bút danh Trần Nhật Thi cho hàng loạt các tác phẩm báo chí của mình, trong đó nhiều bài báo tạo được dư luận như: "Nụ cười, nước mắt nông dân", "Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu", "Cảm động một dòng chảy thông tin"... Nhưng làm sao trở lại tên tác giả "Trần Mai Hạnh" để in các tác phẩm văn học mà mình ôm ấp, đặc biệt là cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"? Chuyện này tưởng dễ mà lại rất không đơn giản.

Mãi 5 năm sau, vào một đêm đầu tháng 6/2010, tôi bỗng mơ thấy Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân Dân cùng vượt Trường Sơn vào mặt trận Quảng Đà một ngày với tôi. Tôi có mặt sáng hôm Định hy sinh vì một mảnh đạn pháo xuyên qua gùi trúng vào tim. Chiếc ba lô thấm đẫm máu, cuốn nhật ký, sổ tay ghi chép và một số kỷ vật của anh Định tôi luôn mang theo bên mình suốt những năm tháng ở mặt trận. Khi trở ra miền Bắc đã trao tận tay gia đình.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 10.

Hơn 40 năm kể từ ngày Trọng Định hy sinh, đó là lần đầu tiên tôi mơ thấy anh. Khi tôi kể lại, vợ tôi - nhà thơ Kim Anh nói: "Nhiều người cũng hỏi em, sao anh Hạnh có nhiều kỷ niệm chiến trường với anh Định mà không viết về anh ấy?".

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 11.

Như được động viên, từ những trang nhật ký mặt trận của mình, tôi ngồi viết một lèo bút ký với nhan đề "Ngôi sao bay về đâu?", lần này ký rõ tên Trần Mai Hạnh chứ không phải là Trần Nhật Thi nữa.

Rất vui, bài được Báo Văn Nghệ đăng trên trang nhất và 2 trang kế tiếp đúng số ra đặc biệt kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010) với lời giới thiệu rất trang trọng của Ban Biên tập.

Như tuyến đường tắc vừa được khơi thông, từ đó, hàng loạt bài báo ký tên "Trần Mai Hạnh" lần lượt xuất hiện trên các báo. Năm 2013 tôi hoàn thành và gửi bản thảo cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" tới Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật để thẩm định.

Một thời gian rất dài sau đó, tôi được hồi âm bước đầu là tác phẩm rất khó xuất bản, bởi lẽ Nhà xuất bản không có điều kiện đối chiếu các tài liệu tuyệt mật lần đầu tôi công bố với các văn bản, tài liệu gốc. Mặt khác phải cẩn trọng xem xét thêm về lý lịch của tác giả khi xuất bản một tác phẩm phản ánh về một giai đoạn vinh quang nhất trong lịch sử đương đại của dân tộc.

Phút chốc, tác phẩm tôi bỏ công lao động miệt mài suốt 39 năm, gửi gắm bao tâm huyết, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Bất chợt, một suy nghĩ chợt loé lên trong đầu, tôi mang toàn bộ bản thảo cuốn sách dày hơn 500 trang về thắp hương, đốt lần lượt từng trang bản thảo trên mộ bố mẹ và em trai tôi tại nghĩa trang Hải Dương, cầu mong họ phù hộ tôi…

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 12.

Và rồi, ngay cuối tháng tư năm 2014, cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được xuất bản, trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học nước nhà. Với việc thẩm định và xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước đã cấp giấy khai sinh cho "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đi vào cuộc sống.

Từ đó, cuốn sách tự cất bước ngoài tầm kiểm soát và ngoài cả mong ước của tác giả. Sách được xuất bản, như trút được món nợ với sự kiện lịch sử 30/4/1975 và món nợ với tư cách công dân trước đất nước, nhà báo Trần Mai Hạnh tính buông bút nghỉ ngơi vì quá mệt mỏi.

Nhưng rồi tác phẩm của ông lại được trao Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi được trao tiếp Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 và đầu năm 2015 Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lại ra Quyết định dịch cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc thế giới.

Cho đến nay, đây là quyết định đầu tiên của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về việc tổ chức dịch một tác phẩm văn học Việt Nam sang ngôn ngữ khác. Cứ thế, cuốn sách đã tự có số phận cho riêng mình.

Đến đầu năm 2020, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Cuba và dự Hội chợ sách Quốc tế Cuba lại quyết định chọn cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" giới thiệu tại hội trường chính ngay sau lễ khai mạc Hội chợ. Diễn giả, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại một lần nữa chắp cánh cho "Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 - 4.75".

Cuốn sách cứ tự thân cất bước, truyền năng lượng và cảm hứng sáng tạo để Trần Mai Hạnh tiếp tục lao động trên cánh đồng chữ nghĩa hoàn thành các dự định mà mình ôm ấp.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 13.

Là người từng đi qua chiến tranh, nhưng rồi cũng vượt qua được lằn ranh sinh tử mong manh. Ngay trong thời bình cũng phải đối mặt với nhiều biến cố khôn lường và cũng vượt qua. Vậy có điều gì khiến ông phải e sợ?

- Từng vào sinh ra tử, đương đầu với mọi thử thách hiểm nguy, trải qua mọi cung bậc cảm xúc của chiến tranh, thực tình tôi không cảm thấy sợ điều gì. Nhưng điều tôi ghê sợ thì có. Đó là sự đố kỵ, hãnh tiến, đểu cáng của kẻ tiểu nhân.

Ông từng nói "Có những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần". Vậy cho đến giờ, điều gì khiến ông tiếc nuối nhất trong cuộc đời?

- Được tác nghiệp trong những giờ phút lịch sử huy hoàng và trọng đại của đất nước là hạnh phúc lớn nhất trong đời làm báo. Đó cũng chính là cội nguồn làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi.

Còn điều nuối tiếc nhất là lẽ ra có nhiều hoạt động báo chí trong khoảng thời gian có một không hai ấy, tôi có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Tôi luôn cảm thấy mắc nợ nhân dân và đất nước khi mình, với tư cách là một nhân chứng lịch sử, nhưng chưa phát huy được hiệu quả nhất ngòi bút của mình.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 14.

Tại Lễ trao giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn sách của mình, ông từng đúc kết: "Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương - nơi trú ngụ và gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi". Trải qua nửa thế kỷ, chắc hẳn phải lật giở rất nhiều trang ký ức mới giúp ông chiêm nghiệm ra điều đó?

- Trong cuộc đời này, có biết bao hiểm hoạ, bất trắc. Thắng đấy bại đấy, được đấy mất đấy. Đó cũng là chuyện thường tình của cuộc sống. Tôi có 10 năm làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam với gần một vạn hội viên, đồng thời là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam với gần 3.000 cán bộ công nhân viên...

Đang từ đỉnh cao bỗng chốc tai hoạ ập đến khiến phải trắng tay, thậm chí bị đẩy tới bên bờ vực thẳm, tôi đã phải chứng kiến những đổi thay chóng mặt, thậm chí kinh hoàng của nhân tình thế thái. Nhưng những thăng trầm và đổi thay đó rồi cũng qua đi, vì nó chỉ là phù du.

Tôi nhận thấy, chỉ có ngôi đền văn chương là nơi trú ngụ và gửi găm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi. Nói "thân phận" là đã hàm ý về tài năng và sự oan trái. Với tôi, sự yên tĩnh dễ tìm thấy trong sáng tạo văn chương hơn là trong hoạt động báo chí.

Do vậy, nỗi niềm thân phận con người muốn gửi gắm cũng phải cậy nhờ tới ngôi đền văn chương thôi. Dẫu vậy, tôi vẫn rất yêu nghề báo, rất biết ơn sự ủng hộ của các đồng nghiệp đối với mình.

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 15.

Người ta nói rằng đằng sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ, nhất là với người phải chịu quá nhiều thăng trầm như ông thì chắc hẳn người phụ nữ đó có nhiều điều đặc biệt. Ông có thể chia sẻ một chút về nhà giáo, nhà thơ Bùi Thị Kim Anh - người bạn đời của mình? (Năm 2020, nhà báo Trần Mai Anh - Mẹ Còi - từng là nhân vật trong bài viết của chuyên mục Dân Việt Trò Chuyện "Cổ tích sinh ra từ lòng người” - sau này trở thành tên cuốn sách tập hợp những bài Dân Việt Trò Chuyện xuất sắc nhất, được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm ra đời báo điện tử Dân Việt. Đây cũng là trường hợp đầu tiên hai cha con cùng được giới thiệu trên chuyên mục Dân Việt Trò Chuyện- NV).

- Ngày 5/8/2022, chúng tôi sẽ kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Nửa thế kỷ sống với nhau, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, vượt qua bao sóng gió, thử thách kể cả tai hoạ, tôi thật sự yêu quý và biết ơn vợ tôi. Không chỉ chung thuỷ, hết lòng hy sinh vì chồng con, vợ tôi còn là một phụ nữ tài hoa, thông minh và bản lĩnh.

Cô ấy đã từng đọc hàng ngàn trang Bộ Luật tố tụng hình sự để tham gia cùng luật sư tìm các chứng cứ vững chắc bào chữa cho tôi.

Những lúc sóng gió như thế, một người vợ chỉ có lòng chung thuỷ, chăm lo chồng con mà không thông minh, không có trí tuệ và bản lĩnh thì không thể cùng chồng chèo chống giữ được mái ấm gia đình, nuôi dạy các con thành đạt.

Trong một bài thơ của vợ tôi in giữa những ngày tai họa ấy có những câu:

hãy để mình em mất niềm tin

anh vẫn vững vàng trong cuộc chiến không cân sức

các con vẫn tin vào cuộc đời là cuộc chơi trung thực

gia đình ta qua nạn nghiệp giữa ban ngày...

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 16.

Nghiệp làm báo với ông quá nhiều thăng trầm nhưng chúng tôi được biết ông có hai con cũng theo nghề báo. Trong đó, con gái đầu lòng của ông là nhà báo Trần Mai Anh, nữ công dân Thủ đô ưu tú, mẹ nuôi của "chú bé lính chì" Thiện Nhân. Xin hỏi, điều gì hai vợ chồng ông luôn tâm niệm và dạy dỗ các con mình?

- Vợ chồng tôi dạy con cái phải sống trung thực, ngay thẳng, có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và cộng đồng. Tôi dạy các cháu từ nhỏ phải cố gắng học tập, tu dưỡng, phải sống với cái đầu của mình, đứng vững trên mặt đất và đi lên bằng đôi chân của mình. Phải có niềm tin nội tâm vững chắc là mình đúng, gia đình mình đúng, ngẩng cao đầu mà sống.

Khi tôi làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, con trai út của tôi tốt nghiệp Đại học báo chí về ký hợp đồng thử việc phóng viên tại Đài. Cháu không dựa dẫm, không ỷ thế bố là Tổng Giám đốc. Tôi cũng không ưu ái mà để cháu tự phấn đấu.

Khi tai hoạ ập đến, tôi bị cách chức Tổng Giám đốc, cháu vẫn còn đang là phóng viên thử việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi tâm sự với các con: "Có người nói với bố, làm gì có những con đường thẳng trong đời này, người ta toàn phải đi những con đường vòng vèo quanh co mới mong tới đích. Mặc dầu vậy, bố vẫn mong các con luôn sống ngay thẳng, trung thực và tới đích bằng con đường thẳng với tâm sức và trí tuệ của mình".  

- Xin cảm ơn ông đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở với nhiều câu chuyện rất thú vị và ý nghĩa!

 

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 17.
Trong 5 năm (2014 - 2019) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xuất bản bộ 4 tác phẩm của ông gồm: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống", "Viết và Đối thoại" với hơn 2.500 trang sách, đặc biệt cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản tới lần thứ 5, được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc thế giới, được dịch sang tiếng Lào trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào, và hiện đang được tiếp tục dịch sang ngôn ngữ khác 

 

Kỳ 2: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội - Ảnh 18.
Trần Mai Hạnh: Những tai họa khôn lường và câu chuyện về chiếc ba lô thấm máu đồng đội (Kỳ cuối) - Ảnh 19.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, IX); Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…

Ông từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Trong quãng thời gian từ 1965-1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba. 

Theo Dân Việt

 

 

Các tin khác:
  • Trần Mai Hạnh: Người "đi qua số phận" với những điều chưa từng hé lộ (28/04/2021-12:52)
  • Trao quyết định nhân sự cho Báo Người Lao Động, Báo Phụ Nữ (28/04/2021-12:47)
  • Tình huống phóng viên VTV bị bảo vệ “lôi đi” lên sóng truyền hình (23/04/2021-14:31)
  • 'Tuổi trẻ của bạn và Đoàn': Rực cháy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến (22/04/2021-12:29)
  • Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII (20/04/2021-15:32)
  • Câu lạc bộ Ảnh báo chí - Nhà Văn hóa: Trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh báo chí “Cuộc sống thường ngày” (19/04/2021-12:11)
  • Độc đáo lễ ra mắt tuyển tập của 4 tác giả trong gia đình nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong (19/04/2021-11:59)
  • Tạp chí Kinh tế Môi trường có tân Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập (17/04/2021-7:14)
  • Nhà báo– họa sĩ thiết kế Trần Việt Anh: “Vẽ” sắc màu cho từng chân dung nhân vật (17/04/2021-7:09)
  • “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc” (14/04/2021-21:02)