Làm báo cho thiếu nhi - đồng hành nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ (10/05/2021-14:00)
“Để thu hút các em học sinh ở lại với văn hóa đọc sách báo, chúng tôi vẫn thường xuyên thay đổi cách làm báo, sao cho có thể hấp dẫn nhất. Học sinh khi nhìn vào tờ báo đều cảm thấy thích thú..." - Khánh Linh, phóng viên Báo Thiếu Niên Tiền phong & Nhi đồng chia sẻ.
Các em nhỏ ở trường tiểu học Phúc Lợi, quận Long Biên duy trì đọc báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng hàng ngày. Ảnh: NVCC
Đặt mình vào các em nhỏ để cảm nhận
Công nghệ số luôn “hút” người dùng vào không gian, thời gian là vô hạn, đối với trẻ em học sinh, lứa tuổi đang khám phá thế giới lại càng bị ảnh hưởng nhiều hơn tới suy nghĩ hành động, sức khỏe của các em. Trong hành trình đó đòi hỏi người làm báo cho thiếu nhi cần có nhiều đổi mới để tạo thói quen tốt, cho các em quay về với văn hóa đọc. Những trang báo lúc đó sẽ như cánh én tuổi thơ, đưa các em vào không gian thần tiên, đầy thú vị và hấp dẫn.
Ngày nay sự cạnh tranh thông tin với các mạng xã hội càng bắt buộc người làm báo phải làm việc, sáng tạo yêu nghề nhiều hơn. Nhà báo Khánh Linh – phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cho biết: Đối với báo thiếu nhi, đối tượng viết và độc giả cũng rất đặc thù, hình ảnh ngôn ngữ bao giờ cũng phải gần gũi, hài hước, sinh động mới thu hút được. Nội dung bài viết cũng không được đánh đố học sinh. Câu từ cần ngắn ngọn nhưng vẫn phải đủ thông tin.
“Các anh chị biên tập bên tôi cũng rất chỉn chu trong việc duyệt bài, phải sửa nhiều lần làm sao đủ sáng tạo, hài hước, đủ thông tin nhưng phải có tính thú vị. Làm báo cho thiếu nhi bao giờ cũng phải chọn hình ảnh nhiều hơn nội dung, có nhiều câu từ ví von, không được gây khó hiểu hay hiểu lầm”, nhà báo Khánh Linh chia sẻ.
Khánh Linh cũng chia sẻ thêm rằng, để tạo ra những tác phẩm cho thiếu niên, nhi đồng, người làm báo cũng phải có tâm hồn tuổi thơ, đặt vào vị trí các em để cảm nhận. Ở góc độ nào đó khi viết cho trẻ em sẽ khiến cho người làm báo cảm thấy mình trong sáng hơn, nhìn cuộc sống qua những nụ cười vô tư hồn nhiên. Từ đó, coi các em như những người bạn và như được hòa mình vào thế giới tuổi thơ đó.
Không chỉ phía đối tượng độc giả, những nhân vật được phỏng vấn, chụp ảnh cũng chủ yếu là các em học sinh, tuy nhiên để phỏng vấn được các em cũng là một câu chuyện dài. Còn nhỏ tuổi nhiều em khá nhút nhát khi được hỏi phỏng vấn trực tiếp. Những em được giáo viên hay phụ huynh dặn trước khi nói, thì trả lời đúng như những lời cô giáo đã nói trước sẽ mất tính thú vị.
Nhà báo Khánh Linh chia sẻ: “Trường hợp gặp các bạn có hoàn cảnh khó khăn, nhạy cảm tôi phải dành nhiều thời gian hơn, nói chuyện tạo sự thân quen, tạo tin tưởng lẫn nhau, bỏ hết máy ảnh, máy ghi âm sang một bên. Tôi may mắn là rất dễ gần với các em nhỏ, vì thế thời gian làm quen thường nhanh chóng được rút ngắn”...
Nuôi dưỡng tâm hồn mầm non tương lai
Làm báo cho thiếu nhi, yếu tố nêu gương luôn đặt lên hàng đầu, người phóng viên phải tiếp xúc với các trường, lựa chọn những con ngoan, trò giỏi, những thầy cô xuất sắc. Đặc biệt là nhân rộng những mô hình phần việc hay cách làm mới, tấm gương vượt khó học tập tốt ở các trường.
Thực tế đã cho thấy, trong thời gian qua, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng luôn duy trì tốt việc lựa chọn những đề tài về người tốt việc tốt trong giới học sinh. Trong đó có những em học sinh có thành tích nổi bật, là những gương mặt ảnh bìa, học giỏi, là MC, tích cực trong hoạt động hội, đoàn… có sức lan tỏa rộng khắp. Bên cạnh đó còn là những chuyên mục về khả năng sáng tạo trong học tập, kỹ năng giao tiếp, có nhiều ý tưởng phát minh thú vị, hữu ích mang tính khoa học vui.
Nhà báo Khánh Linh nhận định: “Để thu hút các em học sinh ở lại với văn hóa đọc sách báo, chúng tôi vẫn thường xuyên thay đổi cách làm báo, sao cho có thể hấp dẫn nhất. Học sinh khi nhìn vào tờ báo đều cảm thấy thích thú.
Luôn đổi mới các chuyên mục, như: sao, giải trí, bảo vệ môi trường, bài viết về các môn học toán, tiếng việt, tiếng Anh… các chuyên mục phải mang tính sáng tạo, ngôn từ phải hấp dẫn không chỉ đơn giản là cung cấp thông tin như báo của người lớn được. Hình thức thể hiện luôn là điều quan trọng, đòi hỏi nhà báo, phóng viên, họa sĩ làm việc hết mình, sáng tạo không ngừng, liên tục lên ý tưởng cho cái mới lạ”.
Nhờ những cách làm mới, nhiều gia đình và trường học vẫn lựa chọn đọc báo thiếu nhi là một trong những hoạt động giải trí thường xuyên. Khi cầm trên tay tờ báo, các em sẽ thích đọc, đón xem từng số, đón nhận những điều rất hứng thú trong từng trang. Thậm chí, nhiều trang báo mang nội dung là trò chơi khám phá, đố vui, tạo sự tương tác với các em bằng những món quà nhỏ cũng góp phần “giữ chân” các em nhiều hơn.
Đặc biệt vừa qua, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cùng một số đơn vị tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU, cuộc thi mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần phát triển khả năng viết văn, tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi. Với chủ đề “Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19”, chủ yếu nói về dịch covid -19 xảy ra em làm gì, cuộc thi có sức lan tỏa lớn, có sự tương tác giữa học sinh và ban tổ chức. Đã có nhiều học sinh viết, là những bức thư viết tay đầy cảm xúc.
Mỗi bức thư là những chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt hàng hàng của các em, nói về những khó khăn thử thách trong quá trình học tập mùa dịch, mang ý tưởng mới. Và mỗi bài viết đều nắn nót, tỉ mỉ từng chữ như chính tâm hồn thơ ngây của các em.
Gần 5 năm làm báo cho thiếu nhi, nhà báo Khánh Linh cho rằng: “Viết cho trẻ em luôn mang đến sự thú vị, thông tin không “căng thẳng” như viết cho người lớn, đó không phải là những đề tài gai góc, liên quan đến vi phạm pháp luật, mà là cuộc sống vô tư của các em. Với tôi mỗi ngày đến cơ quan làm việc là mỗi ngày vui, đúng như câu nói mỗi ngày ở trường là một ngày rất vui. Không phải chỉ riêng tôi, mỗi đồng nghiệp khi đến cơ quan đều cảm thấy phấn khởi, hào hứng. Hôm nào mà được đi tới trường viết bài càng vui hơn vì được gặp các em học sinh, thầy cô thấy như mình trẻ lại”.
Điều thú vị hơn cả là làm báo cho thiếu nhi, nhi đồng có nét đặc biệt riêng, bởi những kiến thức trong công việc của người làm báo cho thiếu nhi hoàn toàn có thể dễ dàng áp dụng vào đời sống, chăm sóc dạy dỗ con cái ở chính gia đình mình.
Có thể nói, sáng tác các tác phẩm báo chí cho mỗi ngành, mỗi đối tượng độc giả lại có những cách khai thác và trình bày khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là tinh thần cống hiến, sáng tạo không ngừng, giữ được nhiệt huyết. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, đòi hỏi mỗi người làm báo yêu nghề, say nghề nhiều hơn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com