Đến với Trường Sa, các nhà báo không khỏi háo hức, nhưng do tình hình dịch bệnh tất cả mọi người vẫn luôn ý thức phòng dịch, thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Nhà báo Ngọc Triệu nhớ lại: “Sau khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, các thành viên trong đoàn đi liên tục 30 tiếng trên biển, những ngày tháng 5 sóng biển cấp 4, cấp 5, sóng lớn nên đã có một số thành viên trong ê kíp sản xuất chương trình bị say sóng. Tuy nhiên đến chiều ngày 20/5, khi đặt chân lên đảo Trường Sa, tất cả các thành viên đều hào hứng, quên hết mọi mệt mỏi, mỗi người mỗi việc bắt tay vào công việc được giao. Đã có nhiều phóng sự về công tác chuẩn bị bầu cử được ghi nhận, mọi người đều tranh thủ phỏng vấn người dân, chính quyền và cán bộ chiến sỹ trên đảo”.
Với không khí vui tươi hướng đến ngày bầu cử, nhà báo Ngọc Triệu từ khi lên tàu đến khi tới đảo anh đã có nhiều bài viết cũng như phóng sự ảnh ghi lại không khí sôi nổi ngày bầu cử sắp đến gần. Phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri trước ngày bỏ phiếu.
Lên đảo từ chiều ngày 20/5 để chuẩn bị cho ngày chính thức, trong quãng thời gian đó gần như mọi người trong đoàn không ai nghỉ ngơi, có những ngày làm việc đến 2h sáng, dậy lúc 5h sáng để có những tác phẩm báo chí về công tác chuẩn bị bầu cử gửi về đất liền. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều hiểu rằng đây là một sự kiện lớn của dân tộc, tổ chức ở một nơi đặc biệt nên mọi người cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau khắc phục những khó khăn phát sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Đến sáng 23/5, hoạt động bầu cử ở thị trấn Trường Sa được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên đường truyền ổn định, hình ảnh sắc nét, lúc này niềm vui ngày bầu cử của cử tri Trường Sa đã hòa cùng niềm vui chung của đất nước.
Hòa nhịp cùng đất liền
Nhớ lại chuyến tác nghiệp này, nhà báo Ngọc Triệu chia sẻ: “Chuyến đi dài gần một tuần này tôi có khoảng 20 tin bài, phóng sự về bầu cử, trong đó có nhiều bài được đăng tải trên Báo Hải Quân Việt Nam và gửi đăng một số báo của trung ương. Mỗi tác phẩm có nội dung khác nhau, vừa là bài, phóng sự ảnh vừa là clip phát trên kênh truyền hình, nhưng tựu trung đều phản ánh không khí vui tươi và trang nghiêm ngày bầu cử”.
Nhắc đến khó khăn với nhà báo, phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa đầu tiên phải kể đến là sóng điện thoại và không thể vào được internet, cũng như truy cập được facebook hay zalo. Những ứng dụng không thể thiếu trong tác nghiệp. Tìm mọi cách để gửi tin bài sớm nhất về đất liền. Tin, bài, hình ảnh của anh Ngọc Triệu được cắt nhỏ, nén lại đến mức thấp nhất có thể, sau đó nhờ gửi theo đường quân sự. Phải qua hai đến ba cầu gửi - nhận liên tục, thông tin mới đến được tòa soạn…
Mỗi lần ra Trường Sa anh Ngọc Triệu đều có cảm xúc và trải nghiệm quý giá. Anh luôn tìm kiếm những đề tài hấp dẫn nhất, để làm sao hun đúc thêm tình yêu của quân và dân với biển đảo, để tất cả cùng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc. Vừa là người lính hải quân vừa là nhà báo anh luôn biết cách biến những cảm xúc tình yêu Trường Sa của mình vào trong từng tác phẩm báo chí.
“Trong những ngày bầu cử, tôi đã gặp nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu tiên được tham gia bầu cử. Những nét mặt ngời sáng, nước da bánh mật rắn rỏi nhưng khi hỏi về lần đầu tiên được đi bầu cử, thực hiện quyền công dân thì lại hồi hộp và phần nào căng thẳng. Có chiến sĩ bố làm thợ xây, công việc rất bận bịu nhưng gọi điện về nhà lần nào cũng được bố nhắc nhở là phải thực hiện tốt việc bầu cử. Hay có chiến sĩ luôn có gia đình căn dặn anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bầu cử là phải đọc thật kỹ tiểu sử của đại biểu để bầu chọn những người xứng đáng nhất… đó những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng tôi thấy được tình yêu biển đảo, khát khao được cống hiến cho tổ quốc của những chàng lính trẻ Hải quân”, anh Ngọc Triệu tâm sự.
Thật vậy, những người lính Trường Sa đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tất cả đều đoàn kết một lòng, tình đồng đội thủy chung son sắc. Trong những ngày mưa dông hay những ngày nắng nóng, mọi người đều hỗ trợ nhau như những người thân trong gia đình. Một lá thư trong đất liền gửi ra là cả đảo đều truyền tay nhau đọc.
Ngoài những người lính, đến với Trường Sa nhiều nhà báo sẽ nhớ những em nhỏ của các gia đình trên đảo. Phần lớn các em đều học giỏi và biết nhiều bài hát, đó là những bài hát về mái trường, thầy cô và nhất là bài hát về tổ quốc, nhưng ca khúc được các em ngân nga với vẻ vui tươi hồn nhiên, như hòa chung ngày hội non sông.
Chia sẻ về cảm xúc của mình trong chuyến đi lần này, nhà báo Ngọc Triệu tâm sự: “Trong những tác phẩm của mình tôi luôn nghĩ rằng làm sao Trường Sa gần với đất liền, luôn hòa nhịp cùng đất liền. Phản ánh chân thực sự kiện quân và dân Trường Sa lần đầu tiên bầu cử cùng cả nước, điều này thể hiện sự lớn mạnh của Trường Sa. Và Trường Sa là một phần máu thịt không tách rời với đất nước với dân tộc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng tất cả đều hướng về tổ quốc và Trường Sa cũng bình dị thân thuộc như mọi làng quê trên đất nước Việt Nam”.
Có thể nói, đến với Trường Sa những người làm báo tác nghiệp bằng tất cả lòng yêu nghề, nhiệt huyết của mình, được tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đó luôn là một trải nghiệm vô giá và quan trọng hơn đó là vinh dự và hạnh phúc lớn lao của người làm báo.
Theo Nguyên Phong/Báo NB & CL