Đây là những bản vùng cao giáp biên của huyện Quan Sơn với gần 100% là hộ nghèo. Mọi sinh hoạt hầu hết đều tự cung tự cấp, chỉ có khoảng 30 đến 40% bà con trong bản mà chủ yếu là đàn ông và học sinh nói được tiếng phổ thông. Không còn là chuyện mới, nhưng thực tế, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với bao hệ lụy vẫn đeo bám cuộc sống người dân nơi “cổng trời” này.
Chúng tôi lên với Ché Lầu, Mùa Xuân vào những ngày cuối tháng 9/2017. Bảy mươi lăm cây số từ trung tâm huyện lên xã Na Mèo, chiếc xe bán tải chạy bon bon chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, thế nhưng, 14km vào bản là cả một vấn đề. Với cung đường chỉ có đi lên, không có xuống, gập ghềnh những đá, sỏi lộ thiên, đến đi xe máy, cuốc bộ còn chật vật, thì việc ô tô không thể vào được là điều dễ hiểu. Vừa vác máy, vừa đi bộ leo dốc, mệt bở hơi tai nhưng đồng chí quay phim trong đoàn chúng tôi vẫn đùa: Đường lên trời là đây chứ đâu.
Đúng như lời của đồng chí Trưởng phòng dân tộc huyện đã nói trước với chúng tôi: Nếu hơn 9 giờ xuất phát từ thị trấn Quan Sơn thì 1 giờ chiều, mới có thể đến bản Ché Lầu.
Được các đồng chí cán bộ địa phương, Bộ đội Biên phòng cũng như Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ché Lầu dẫn đường, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Thao Cá Dính - một ngôi nhà nằm cheo leo, nép mình trên triền đồi. Là hộ nghèo nhưng gia đình anh Thao Cá Dính cũng đang được coi là một trong những gia đình biết làm ăn của bản Ché Lầu với hơn 50 hộ dân này. Trong căn nhà ánh điện không đủ thấy rõ mặt người, anh Thao Cá Dính tâm sự: Gia đình anh có 4 người con, 3 trai một gái, các con trai đều lấy vợ và theo nhau đi làm rẫy cả, hôm nay có mỗi dâu út là Hơ Thị Xó ở nhà vì con mới được hơn tháng tuổi. Xó cũng vừa tròn 16 tuổi. Chúng tôi phải nhờ đồng chí cán bộ văn hóa xã làm phiên dịch khi trò chuyện cùng Xó. Xó cho biết lấy chồng khi chưa đầy 16 tuổi, ở bản này, cùng độ tuổi với em mà lấy chồng sớm đếm sơ sơ cũng khoảng chục người.
Chiều xuống, khi bà con trở về nhà sau một ngày đi làm trên nương rẫy, chúng tôi không khó để bắt gặp những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em… Nhiều bé gái người Mông dù mới 13, 14 tuổi - đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, gương mặt vẫn còn nét thơ ngây đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Việc lấy vợ, lấy chồng của người Mông ở bản Mùa Xuân, Ché Lầu, Xía Nọi cũng hồn nhiên như cỏ cây trên đỉnh núi mù sương. Chỉ cần ưng cái bụng là về nói với bố mẹ mang lợn, gà và vài đồng bạc trắng đến hỏi rồi về ở với nhau. Mặc dù địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhưng cũng không thể cấm cản khi những đứa trẻ thích nhau và được bố mẹ đồng ý. Chúng tôi đã có dịp đến thăm và trò chuyện với anh Thao Văn Chính ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy. Anh Chính 41 tuổi, có 4 người con, 3 con trai, 1 con gái. 3 người con trai đều đã lấy vợ và đều tảo hôn. Khi chúng tôi hỏi: “Anh có được các cán bộ tuyên truyền về luật hôn nhân không?” Anh Thao Văn Chính thật thà: “Cán bộ ở đây tuyên truyền nhiều lắm, tôi cũng bảo con cái rồi, không được lấy sớm nhưng mà chúng nó ưng nhau, kéo nhau về thì phải chấp nhận thôi, cho cưới thôi. Không giống các dân tộc khác, đối với con gái người Mông, khi đã theo về nhà người ta rồi, nếu không cưới thì coi như ế chồng, không ai lấy, thế nên bố mẹ phải cho cưới.
Cũng chẳng biết thật hay đùa, anh Thao Văn Mai - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo nói với chúng tôi: “Việc tuyên truyền rất khó khăn vì phần lớn đồng bào Mông quan niệm rằng, nếu không lấy vợ sớm thì người khác sẽ lấy mất”. Và cũng theo như cán bộ địa phương ở đây cho biết thì năm nào ở các bản người Mông cũng có ít nhất 6 -7 trường hợp tảo hôn. Có không ít cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm, khi đủ tuổi hoặc con đến tuổi đi học mới ra xã làm giấy đăng ký kết hôn. Thậm chí có trường hợp để làm giấy khai sinh, buộc lòng những đứa trẻ phải mang họ của mẹ. Với những trường hợp này, chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho các cháu đi học, được đăng ký thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh. Ở đây muốn phạt cũng khó, vì dân bản cái ăn, cái mặc còn túng thiếu thì lấy tiền đâu để nộp phạt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến hết năm 2014, huyện Quan Sơn có 149 cặp tảo hôn, trong đó có 32 cặp kết hôn cận huyết thống chủ yếu ở 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Ché Lầu và Xía Nọi. Năm 2015 tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các bản này lên đến 90%, số trẻ em thương tật cũng cao hơn nhiều so với địa bàn khác. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình đã được phát đến tận tay người dân, pa nô, áp phích, treo khắp, không những chưa ngăn chặn được, mà thực tế đáng buồn hơn, những con số này mấy năm gần đây lại có chiều hướng tăng lên. Danh sách những cặp vợ chồng trẻ con ở bản Mùa Xuân, Ché Lầu, Xía Nọi vẫn đang tiếp tục nối dài. Những cặp vợ chồng sinh năm 2001, 2002, thậm chí là 2005, nghĩa là mới chỉ 11, 12 hoặc 16 tuổi chưa đủ tuổi kết hôn đã là vợ chồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do tập tục đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Thứ nữa là chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý “mạnh tay”, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp này.
Còn một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận đó là, vẫn còn cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số con em cán bộ, đảng viên vẫn còn tảo hôn. Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Thao Văn Dia - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mùa Xuân. Con trai anh Dia mới 15 tuổi, con dâu 14 tuổi đã có với nhau hai mặt con, đứa 2 tuổi, đứa gần 1 tuổi. Mặc dù ở riêng nhưng mọi sinh hoạt của gia đình trẻ con này phần lớn dựa vào bố mẹ hai bên. Nguyên nhân dễ nhận thấy nữa đó là phần lớn cán bộ, đảng viên là người địa phương nên nhiều lúc còn nặng tình cảm, ngại va chạm. Thêm vào đó, văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với vấn đề phòng, chống tảo hôn chưa thật quyết liệt và có tính răn đe cao.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, cùng với việc kiên trì tuyên truyền vận động, bà Lương Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Huyện đang tập trung thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” do Ban Dân tộc tỉnh ban hành tháng 1/2017. Quan Sơn cũng đang quan tâm hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí cho người dân nhất là người dân vùng đồng bào Mông, vùng sâu, vùng xa, để từ đó người dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Chia tay những bản Mông, chúng tôi xuống núi về xuôi, gương mặt những người mẹ trẻ con non tơ, những đứa trẻ nhem nhuốc bên rá cơm đạm bạc vẫn ám ảnh trong tâm trí chúng tôi. Chỉ mong với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng vào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” sẽ đi vào cuộc sống để không còn “lời ru buồn” mà chỉ có những khúc nhạc vui trong tổ ấm trên rẻo cao mù sương.
Hà Huyền