Quang cảnh chùa Tiên.
Say lòng Từ Thức gặp tiên
Đến Nga Sơn, là đến với câu chuyện tình thần tiên giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương, câu chuyện làm nức lòng người nghe về một tình yêu đầy huyền ảo và chan chứa men tình say đắm.
Cảnh đẹp động Từ Thức.
Mối lương duyên ấy, đã được sống lại qua các nhũ đá trong động Từ Thức. Quang cảnh từ ngoài khuôn viên đã vô cùng bình yên lạc đạo, với trong trẻo tiếng chim ca, với cây cỏ lá hoa, nguyên sơ thanh tịnh. Rễ của thân cây già tạo thành những chiếc võng xinh xinh cho du khách ngả mình đong đưa ru giấc mộng thần tiên. Bước chân vào trong động, là như lạc vào chốn đào nguyên tiên giới. Từng cảnh, từng cảnh trong động như một minh chứng cho câu chuyện tình yêu của Từ Thức và Giáng Hương xưa kia. Đây chiếc áo gấm chàng đã dùng để cứu nàng trong hội hoa mẫu đơn năm nào, đây kho vàng lấp lánh ánh kim sa, đây kho muối từng hạt, từng hạt mặn mòi thấm vào thớ đá, đây bờ tre quê nhà và những cánh bèo cám hoa dâu,…Tất cả những hình tượng ấy đã được bàn tay tạo hóa khéo léo nhào nặn, bài trí phù hợp với câu chuyện tình xưa, khiến cho câu chuyện tình Từ Thức - Giáng Hương như vẫn còn sống mãi trong lòng du khách.
Động Từ Thức sẽ dẫn du khách đến với chốn bồng lai nơi trần thế, để một lần được hòa mình vào tình yêu chân thành giữa tục thế với thần tiên, hòa mình vào tình quê tha thiết, đậm đà của chàng Từ Thức, để thấy được dẫu có vinh hoa, phú quý, dẫu có lạc đạo cũng không bằng chốn quê nhà có cây đa, bến nước, sân đình.
Chuyện xưa Dưa hấu đỏ
Đến Nga Sơn, là đến với quê hương của sự tích “Dưa hấu đỏ” - câu chuyện cổ mà ta vẫn thường được nghe bà, nghe mẹ kể từ thưở ấu thơ. Để tưởng nhớ công lao của đức thánh Mai An Tiêm, người dân Nga Sơn đã lập đền thờ ngài, tại chính nơi vốn được tương truyền là nơi ngài và gia đình đã dựng lều sinh sống.
Đền thờ Mai An Tiêm. Ảnh: Phan Thắng
Trước mặt đền thờ là cánh đồng lúa trải dài bát ngát, lưng đền tựa vào núi như chiếc ngai vàng vững chắc. Hai bên đền là hai dãy núi cao, một bên như một con rồng đang uốn lượn nên được gọi là núi Rồng Chầu, đầu rồng là một ngọn núi nhỏ. Theo lời truyền văn, đây là nơi Mai An Tiêm thường tới mỗi khi mong nhớ vua cha, cũng là nơi Mai An Tiêm đến để thả dưa hấu, nhờ sóng biển đưa về đất liền, nên núi có tên gọi núi Mong, bên còn lại giống hình một con Voi đang quỳ nên được gọi là núi Voi Phục. Dưới tán đa già, thuộc dãy núi Voi Phục, có một hang sâu, mang tên Huyền Châu Động. Tạo hóa kỳ diệu đã tạo nên nhiều tuyệt tác trong hang sâu bằng các nhũ đá long lanh qua các hình tượng như: Con đại bàng, hình tượng mâm xôi, hình con rùa,… Phía đông đền thờ là ngọn núi Trích Trợ như bông sen thơm ngát, có nhiều bài thơ của các bậc tiền nhân được khắc trên vách núi thường ví núi như ngọn hải đăng của cửa Thần Phù soi sáng vùng biển đảo Nga Sơn. Xa Xa về phía tây, vượt qua eo lưỡi liềm có một khu đất bằng phẳng, rộng khoảng 1 ha, tương truyền đây chính là bãi trồng dưa của gia đình Mai An Tiêm xưa kia.
Hàng năm, lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức hoành tráng từ ngày 12/3 đến ngày 15/3 âm lịch, thu hút được nhiều du khách đến tham quan dự lễ. Trải qua nhiều lần tu sửa, đền thờ Mai An Tiêm đã có một diện mạo khang trang nhưng vẫn lưu giữ được những nét cổ kính, trầm mặc, và linh thiêng.
Hoạt giang sông nước dạt dào
Nga Sơn còn có dòng Hoạt giang mênh mông, nơi có cửa Thần Phù - ngã ba sông trọng điểm giao thông đường thủy thời xưa. Đến cửa Thần Phù ta như được sống lại hào khí anh hùng của một thời cha ông dựng nước và giữ nước, nghe đâu đây lời ca:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
Xuôi thuyền theo dòng Hoạt giang, ta sẽ hòa mình vào sông nước, để đến với Hàn Sơn Linh Tự - ngôi chùa cổ kính linh thiêng bên bờ sông Hoạt, đến với vách đá có khắc chữ "Thần" nổi tiếng, chứng kiến được sự tài ba của thế hệ xưa, bằng tài năng, trí tuệ có thể khắc bia thần trên vách đá cheo leo, đến với chùa Trúc Lâm trầm mặc, ẩn mình giữa bốn bề sông núi, đến với tượng Lã Vọng câu cá học theo lời tiền nhân đợi thời cơ đến. Hai bên bờ sông Hoạt là khung cảnh làng quê bình yên với ngút ngàn màu xanh của cói, của tre, màu tím của những khóm lục bình, của những cánh hoa dại ven sông… rất đỗi giản dị nhưng lại nên thơ vô cùng.
Sông Hoạt hiền hòa sẽ đưa du khách được quay trở lại với khung cảnh làng quê Việt Nam yên bình, thơ mộng… Thấp thoáng những mái nhà tranh, những cánh chim chấp chới bay, những người thuyền chài nụ cười rám nắng tươi rói niềm tin yêu cuộc đời bừng lên trong đôi mắt,… Thuyền chầm chậm trôi, du khách chầm chậm hưởng thụ chút thanh tao chốn sơn thủy hữu tình.
Chùa Tiên - Đồng Vụa biết bao diệu kỳ
Đến Nga Sơn là đến với chùa Tiên, với hồ Đồng Vụa,… để hòa mình vào chốn thanh tịnh, lánh xa bụi trần. Theo tích xưa, chùa Tiên chính là nơi đã diễn ra hội hoa Mẫu Đơn, nơi chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương lần đầu gặp mặt. Về với chùa Tiên, là về với xứ Phật cõi trần. Toàn cảnh ngôi chùa tràn ngập một không gian xanh, với những tán nhãn xum xuê, cánh đồng Thèn Én bát ngát, mênh mông, thoang thoảng mùi hương hoa đại bay trong gió, nghe đâu đây tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh… du khách hẳn sẽ thấy lòng mình thư thái hơn, nhẹ nhàng hơn, bình an hơn.
Bên cạnh chùa Tiên là hồ Đồng Vụa rộng khoảng 20 ha. Du thuyền trên hồ Đồng Vụa chắc chắn sẽ là một thú vui tao nhã và thú vị của du khách khi đến với Nga Sơn, bởi hồ được bao quanh bởi những dãy núi lớn, bốn bên sơn thủy hữu tình, sông núi, nước non, hòa quyện, quyến luyến nhau, tạo nên một khung cảnh nên thơ, say đắm lòng người. Với những người có thú vui câu cá, hồ Đồng Vụa là một điểm đến lý tưởng để du khách có thể buông câu ngắm nhìn đất trời thanh bình. Đặc biệt, vào mùa sen nở, du khách còn có thể cảm nhận được hương sen thoang thoảng bay trong gió. Ngồi trên thuyền, nhìn những gợn sóng lăn tăn, buông cần câu, hòa mình vào đất trời sông núi, ngẫm nhân tình thế thái, xa xa tiếng chuông chùa vang vọng, hương sen lan tỏa,... quả không khác gì được thả hồn vào chốn bồng lai.
Nga Sơn cảnh đẹp mê ly
Nga Sơn - miền quê huyền thoại, quê hương của những câu chuyện cổ tích thấm đẫm yêu thương! Sẽ còn nhiều, còn nhiều những điểm đến hấp dẫn du khách về với quê hương của chiếu cói, của dưa hấu, của tình người, tình đất, tình quê quyến rũ này.
Đến Nga Sơn, du khách được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mê ly của miền đất kỳ thú gọi mời, được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực độc đáo với dê ủ trấu, rượu Chính Đại, gỏi Nhệch,… được tham quan làng nghề truyền thống, nhìn những đôi tay dệt chiếu, se đay của các chị, các mẹ,… để thấy được hồn quê Việt Nam chất phác, bình dị, mà sâu lắng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Bộ VH,TT&DL, sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, cùng sự chung tay góp sức của nhân dân, huyện Nga Sơn đã tích cực đầu tư, tôn tạo những điểm danh lam, thắng cảnh,.. nhằm giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa, cũng như quản lý, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Theo ông Mai Văn Dũng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nga Sơn:“Những điểm du lịch nổi bật như: Động Từ Thức, đền thờ Mai An Tiêm, sông Hoạt, chùa Tiên,.. luôn được các cấp, các ngành chú trọng đầu tư để ngày càng khang trang hơn, nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa cổ kính ban đầu. Huyện Nga Sơn tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, phát huy nét đẹp các điểm danh thắng, các làng nghề truyền thống,... để văn hóa du lịch Nga Sơn ngày càng phát triển”.
Miền quê huyền thoại Nga Sơn thực sự là một điểm đến hấp dẫn, một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn được ngồi trên chuyến xe quay trở về quá khứ, về với thần tiên, công chúa, hoàng tử,.. trong những câu chuyện cổ tích xa xưa, trở về với mái nhà tranh, với lũy tre làng, với dòng sông,... trong ký ức. Hành trình đến với vùng đất Nga Sơn, chắc chắn sẽ là một hành trình thú vị và hấp dẫn.