Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành nghiệp vụ (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Sự lên ngôi của ngành học này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các thí sinh và cả các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành báo chí-thông tin.
Sức hút từ ngành học
Theo dữ liệu thống kê nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng của thí sinh năm 2021 do Vụ Giáo dục đại học cung cấp, nhóm ngành báo chí-thông tin thu hút tới 100.120 nguyện vọng, trong khi số chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 6.539. Với số nguyện vọng đăng ký này, tỷ lệ “chọi” của nhóm ngành báo chí-thông tin năm nay lên đến 311,65%. Trước số liệu đáng chú ý này, Vụ Giáo dục đại học phân tích, việc thí sinh đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành không nên hiểu là lệch, vì đó là xu hướng nghề nghiệp của năm, của từng giai đoạn, thể hiện nguyện vọng của thí sinh và bộc lộ phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế.
Việc nhiều thí sinh lựa chọn ngành báo chí-thông tin là điều không quá bất ngờ, bởi một vài năm trở lại đây, ngành học này luôn thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký nguyện vọng. Sức hút của ngành học dẫn đến đẩy mức điểm chuẩn tăng cao. Tại mùa tuyển sinh năm 2020, điểm trúng tuyển ngành báo chí của một số trường có đào tạo ngành này đều vươn lên tốp đầu. Có thể nêu ví dụ như: Ngành báo chí (mã tổ hợp C00, gồm các môn thi: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn là 27,5 điểm; ngành báo chí (mã tổ hợp C00) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn lên đến 28,5 điểm... Với mức điểm trên, không ít thí sinh dù đạt 9 điểm mỗi môn vẫn không đủ điểm trúng tuyển vào ngành báo chí.
PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích 3 nguyên nhân tác động tới xu hướng chọn ngành báo chí-thông tin của thí sinh những năm trở lại đây, đó là nhu cầu của xã hội với thông tin; các bạn trẻ có điều kiện tiếp cận với thông tin, internet từ sớm nên hứng thú muốn được làm nghề và yếu tố tác động lớn nhất là cơ hội việc làm luôn rộng mở.
Thích ứng với sự thay đổi
Hiện nay, ở nước ta có 9 cơ sở giáo dục đại học công lập đang đào tạo ngành báo chí. Trước sức hút của ngành học này, năm 2021, một số trường tư thục đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí để chiêu mộ người học. Mùa tuyển sinh năm nay, thông tin về Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh dự kiến đào tạo ngành báo chí đã gây sự chú ý của dư luận. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tư thục, dân lập thực hiện không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản.
Theo thống kê tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành báo chí đều cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm đều đạt hơn 80%. Sự lên ngôi của nghề báo là tín hiệu cho thấy xã hội ngày càng đánh giá cao vai trò của báo chí, tuy nhiên, sức hút này không tránh khỏi những hiện tượng thí sinh ảo tưởng về nghề. Tình trạng sinh viên ra trường không làm đúng ngành học là một thực tế.
Đứng trước kỳ vọng ngày càng cao của xã hội với ngành báo chí-thông tin, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học là làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. Hầu hết các chuyên gia, người trong ngành giáo dục đều cho rằng, đào tạo báo chí phải là đào tạo kép, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành cho sinh viên vào thực tế sớm, gắn đào tạo với thực hành, tiêu chí quan trọng là phải có sản phẩm, tác phẩm đạt chất lượng... Từ năm 2020, cùng với các phương thức tuyển sinh, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào nhóm ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải làm thêm một bài thi môn Năng khiếu báo chí, trong đó, điểm bài thi này được tính nhân đôi. PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Môn Năng khiếu báo chí không có luyện thi, không có khuôn mẫu nên sẽ giúp nhà trường chọn được những sinh viên có khả năng thực sự, có tố chất và đam mê với nghề. Đây cũng là một trong số giải pháp của nhà trường nhằm tạo ra các sản phẩm đầu ra-là những người làm báo đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại”.
Cùng với sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: “Bản thân người học cũng phải nhận thức rõ những áp lực, đòi hỏi khắt khe của nghề, tránh hiện tượng ảo tưởng về nghề. Báo chí là ngành tích hợp nhiều tri thức, vì vậy, ngoài kỹ năng báo chí, người làm báo cần hiểu rõ vấn đề, lĩnh vực chuyên môn để viết bài. Vì thế, họ cần có nền tảng kiến thức sâu rộng, kỹ năng đọc viết, tư duy phản biện và khả năng tự học. Đặc biệt, người làm báo cần có đạo đức báo chí, muốn nói lên tiếng nói bảo vệ và bênh vực công lý, lẽ phải”.
Theo Bài và ảnh: THẮNG QUÝ - PHAN KIỀN/Báo Quân đội Nhân dân