Bến En chỉ là một trong số rất nhiều điểm đến đẹp đẽ, nguyên sơ của Thanh Hóa. Xứ Thanh với Pù Luông, Thác Voi, Thác Mây, Thác Cổng trời; những bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông… hay loạt di tích, danh thắng, biển, rừng, suối cá thần rồi cả suối khoáng nóng tựa như một “Việt Nam thu nhỏ”. Thế nhưng, trong mắt đa phần du khách Việt và số ít ỏi du khách quốc tế, Thanh Hóa không phải là điểm phải đến, phải trở lại nhiều lần.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đón khoảng 38,3 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm. Trong đó, khách du lịch nội địa chiếm trên 97%, 3% khách quốc tế. Du khách đến Thanh Hóa cũng chỉ lưu trú không quá 2 đêm.
Đặc biệt, năm 2018 được xem là năm bản lề thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng sau hơn 2 năm triển khai, chỉ 3/5 nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch, các chỉ tiêu quan trọng về lượt khách, ngày khách lưu trú vẫn gần như “không có nhiều thay đổi”, dù lãnh đạo, người dân xứ Thanh đã nỗ lực rất nhiều với những cách làm quyết liệt, cứng rắn.
Tất cả, theo các chuyên gia, cũng là bởi điểm yếu lớn nhất của du lịch Thanh Hóa là thiếu dịch vụ chuyên nghiệp và những sản phẩm du lịch chủ lực hấp dẫn.
Đánh giá về du lịch Thanh Hóa trong một hội nghị mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Du lịch cần thay đổi về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ về mọi phương diện. Đặc biệt, về cơ chế chính sách, chiến lược phát triển, Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ có các chính sách ưu tiên riêng và có các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh…
Tung “át chủ bài”, đặt hy vọng lớn
Hai năm trở lại đây, người dân xứ Thanh đã tràn đầy kỳ vọng vào sự đổi thay diện mạo du lịch của tỉnh, khi tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, trong đó có cái tên của Tập đoàn vốn đã có “bảng vàng thành tích” trong việc lần lượt đưa các vùng đất nghèo thành các “thiên đường nghỉ dưỡng” hàng đầu trong nước và quốc tế.
Tháng 10/2020, khi Sun Group phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ khởi công dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn trị giá hơn một tỷ USD, niềm hy vọng như được thắp sáng bừng. Một trong những “át chủ bài” của du lịch Thanh Hóa đã thực sự lộ diện.
Ngay trong tháng 5/2021, Sun Group chính thức ra mắt Sun Grand Boulevard - Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Quảng trường biển tại thành phố Sầm Sơn quy mô 310 ha, tọa lạc tại vị trí tuyệt đẹp giữa trung tâm TP biển Sầm Sơn. Quần thể dự án Sun Grand Boulevard bao gồm tổ hợp nhà phố thương mại, mini hotel, toà nhà cao tầng hỗn hợp, quảng trường biển, trục đại lộ…, được định hướng phát triển thành trung tâm giải trí - kinh doanh thương mại - nghỉ dưỡng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu lượt khách đổ về Sầm Sơn mỗi năm.
Với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.500 tỷ đồng, các hạng mục quảng trường biển và trục đại lộ hoành tráng hiện đang là những công trình trọng điểm trong tổ hợp dự án nêu trên. Quảng trường biển dự kiến có sức chứa lên đến hơn 10.000 người, được thiết kế công phu cùng hình ảnh trống đồng Đông Sơn khổng lồ, hứa hẹn trở thành điểm đến của các lễ hội và sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô lớn trong tương lai.
Thêm vào đó, với chiều rộng 120m, dài 2,6 km cùng hệ thống dịch vụ du lịch đẳng cấp, trục đại lộ chạy dọc dự án được kỳ vọng sẽ không thua kém các đại lộ nổi danh thế giới như Broadway (Mỹ), Champs-Elysees (Pháp), hay Orchard Road (Singapore)… về kiến trúc hay vai trò “trái tim” của đô thị. Tương lai, khi quảng trường và trục đại lộ đẳng cấp hoàn thành, nơi này sẽ là tâm điểm sầm uất của các lễ hội, sự kiện giải trí suốt ngày đêm.
Đáng chú ý hơn, tương lai, Sun Group sẽ phát triển tổ hợp vui chơi giải trí Sun World hiện đại trên diện tích 33,6 ha dọc hai bên bờ sông Đơ, bao gồm 2 phân khu là công viên nước và công viên chủ đề, lấy cảm hứng từ những tích truyện dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.
Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Đơ với các phân khu biệt thự sinh thái mặt sông Đơ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Miami (Mỹ) cùng các tiện ích đẳng cấp, biệt lập cũng sẽ là “mảnh ghép” hoàn chỉnh bức tranh hệ sinh thái du lịch đẳng cấp của Sun Group tại Sầm Sơn.
Không chỉ dự án Quảng trường biển Sầm Sơn, Sun Group thậm chí sẽ đánh thức Bến En và đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến chăm sóc sức khỏe với dự án khoáng nóng Quảng Yên…
Như PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, thì “Xét về năng lực thực tế để tạo ra tọa độ du lịch hấp dẫn ở Việt Nam cho đến nay, ít doanh nghiệp nào làm được như Sun Group. Về lâu dài, việc phát triển các tổ hợp lớn này sẽ nâng tầm chân dung du lịch Thanh Hoá, tăng sức hút mạnh mẽ cho tỉnh”.
Với tương lai đang hình thành từ các dự án quy mô chưa từng có, cố đô Lam Kinh rồi sẽ thăng hoa như chú ngài được “vũ hóa”, đĩnh đạc cạnh tranh “ngôi vương” du lịch miền Bắc với nhiều “thủ phủ du lịch tầm cỡ” của cả nước, sớm thôi./.