Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn (25/06/2021-15:54)
    Tôi là một trong những người làm báo may mắn vì đã có nhiều năm là phóng viên chuyên trách tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đi công tác trong và ngoài nước. Trong những chuyến đi tác nghiệp đó, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện rất ấn tượng, đầy bất ngờ và học hỏi được nhiều điều bổ ích của một người đã từng 29 năm làm báo chuyên nghiệp, từ phóng viên tập sự phát triển thành tổng biên tập. Sau này khi đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục viết báo, quan tâm đặc biệt đến các nhà báo và chỉ đạo sát sao công tác báo chí…

 

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

“Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”-  chúng tôi đã nhiều lần được nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) nói như vậy trên những chiếc xe ca đi công tác. Thông thường đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí ở Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Trên xe, Chủ tịch Quốc hội “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo mà đồng chí thường gọi là đồng nghiệp. Đồng chí luôn yêu cầu chúng tôi phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể rằng, ngay từ  hồi học phổ thông, đồng chí đã có sự yêu thích nghề làm báo. Lúc đó đồng chí chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo "được bay nhảy", "được đi đây đi đó", nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, đồng chí càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn
Ảnh trên: Một số hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng thời là sinh viên và nghiên cứu sinh. 

Thế nhưng công việc ban đầu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng không phải là viết báo, biên tập các bài báo mà làm công tác tư liệu.

"Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích lũy kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc" – Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể.

Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, tích lũy thêm kiến thức và đồng chí đặt cho mình nhiệm vụ tập viết  báo. “Viết xong cũng chưa dám gửi, đọc đi, đọc lại, sửa chữa mãi, vài tháng sau mới hoàn thành tác phẩm đầu tiên, đó là bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968”- Đồng chí nhớ lại.

Sau bài báo đầu tiên ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tìm tòi viết thêm được khá nhiều bài báo mang tính chất nghiên cứu, được chuyển về làm công tác biên tập của Ban Xây dựng Ðảng. 

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nhưng dường như cái “máu nghề nghiệp” vẫn ăn sâu vào trong tâm trí của đồng chí nên nhiều lúc chúng tôi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng có những suy tư và hành động như một nhà báo giàu kinh nghiệm.

Tháng 8-2008, tôi nhận được điện của Văn phòng Quốc hội thông báo tham gia đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Đúng giờ..., ngày... có mặt tại ga Hà Nội. Nhận điện, tôi cứ nghĩ đồng chí cán bộ văn phòng nói nhầm địa chỉ sân bay Nội Bài thành ga Hà Nội, bởi chẳng lẽ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi công tác bằng tàu hỏa! Thế nhưng, sự thật đúng như vậy. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà - huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những huyện khó khăn nhất của Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi…

Tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong nhiều lần đi công tác trong nước hay nước ngoài, chúng tôi để ý bao giờ đồng chí cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội xếp lịch để có những cuộc tiếp xúc với cử tri ở cơ sở (nếu là trong nước) hoặc bà con Việt kiều (nếu ở nước ngoài).

Trong những cuộc tiếp xúc cử tri đó, tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, công nhân tại giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro vào năm 2010. Trên giàn khoan, giữa biển khơi mênh mông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc với các “cử tri đặc biệt” như cách gọi của đồng chí. Sau khi tìm hiểu đời sống của công nhân Việt Nam và Nga trên giàn khoan, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của họ. Các cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến ngành dầu khí, như: Việc xác định thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công nhân viên trong ngành phải tính đến sự đặc thù.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành dầu khí và theo tờ trình của Chính phủ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành dầu khí, trong đó có thay đổi phương thức, đơn giản hóa các thủ tục thuế, các khoản thu nộp vào ngân sách Nhà nước đối với ngành dầu khí cũng có sự thay đổi, tạo cơ sở pháp lý để ngành dầu khí hoàn thành nhiệm vụ…

Mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi để ý thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên đọc báo, nghe đài. Anh chị em phóng viên chuyên trách thường xuyên được đồng chí góp ý về cách đưa tin, hình thức thể hiện.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm vào dịp Tết Kỷ Sửu (năm 2009) khi tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc Tết Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn. Hôm sau đọc báo, đồng chí nói với tôi: “Bài viết của Thọ tốt đấy nhưng có một chi tiết tại sao Thọ lại không đưa vào bài, đó là kiến nghị của một đồng chí Bộ đội Biên phòng về chính sách hậu phương quân đội?”.  

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Nghe đồng chí nói tôi giật mình, lúng túng bởi không ngờ đồng chí lại đọc báo kỹ, nhớ từng chi tiết trong bài báo đến vậy.

Trong những lần đi công tác ở nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, chúng tôi viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí và tôi thường được anh em trong nhóm giao làm việc này. Với những lần làm việc như vậy dù trong giờ hành chính hay đến đêm khuya, tôi đều được đồng chí đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ…

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (bên phải) và Nhà báo Đỗ Phú Thọ. 

Vài năm sau, khi không còn là phóng viên chuyên trách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, gặp lại, đồng chí vẫn hỏi thăm : “Thọ này, cái thằng Phú Quý (tên của con trai tôi) học lớp mấy rồi nhỉ?

Tháng 10 năm 2010, Báo Quân đội nhân dân tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày ra số báo đầu tiên và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Cán bộ, phóng viên trong tòa soạn rất muốn được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến trao danh hiệu cao quý này tặng Báo Quân đội nhân dân, thế nhưng cấp trên trả lời rằng đồng chí rất bận vì ngoài cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí còn là Trưởng tiểu ban văn kiện Đại hội XI của Đảng, thời gian chuẩn bị cho Đại hội XI đang rất khẩn trương.

Dự kiến ngày 19-10-2010 tổ chức Lễ kỷ niệm, nhưng đến chiều ngày 17-10, Báo Quân đội nhân dân nhận được thông tin, đồng chí lãnh đạo dự kiến đến trao danh hiệu Anh hùng tặng báo do có việc đột xuất không đến được, cả Ban biên tập lo lắng. Đồng chí Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập gọi tôi vào phòng làm việc, yêu cầu tôi đến gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng chuyển lời mời của đồng chí Tổng biên tập kính mời đồng chí đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Báo Quân đội nhân dân. Thật may mắn cho tôi, khi tôi đến phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi ấy ở tòa nhà 37 Hùng Vương) tôi đã gặp được đồng chí, trực tiếp trình bày và đồng chí nhận lời.  

Sáng 19-10-2010, bỏ qua nghi lễ đón tiếp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thẳng Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, trao danh hiệu Anh hùng Lao động và phát biểu chúc mừng Báo Quân đội nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Báo Quân đội nhân dân đã đạt được trong suốt 60 năm qua.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Báo Quân đội nhân dân cùng báo chí cả nước cần cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyên truyền sâu rộng những nhân tố mới, cách làm mới đúng đắn, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần cùng báo chí cả nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và văn hóa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Năm 2015, khi Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy ở cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm tòa soạn.

Chúng tôi nhớ mãi những lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư khi chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân về những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trải qua 65 năm xây dựng, phát triển, Báo Quân đội nhân dân là tờ báo có vị trí rất quan trọng trong làng báo cách mạng Việt Nam, một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước và Quân đội, có uy tín và bản sắc riêng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tư tưởng, tính chiến đấu cao.

Báo Quân đội nhân dân đã đấu tranh phê phán kịp thời, sắc bén đối với những cái xấu, cái hư hỏng, phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc thù địch... xứng đáng là người bạn, người đồng đội tin cậy của bộ đội và nhân dân, là cầu nối để nhân dân hiểu và tin tưởng Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Là một trong 6 cơ quan báo chí được quy hoạch phát triển thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, Báo Quân đội nhân dân đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nhấn mạnh những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tiếp theo, Tổng Bí thư chỉ rõ, Báo Quân đội nhân dân cần tiếp tục thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, là tiếng nói của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, vị trí, những thành quả, truyền thống, kinh nghiệm và bản sắc của mình, làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi mặt công tác.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục đưa tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến với bộ đội, nhân dân một cách sinh động và đầy đủ, thuyết phục, hấp dẫn. Đồng thời, Báo Quân đội nhân dân cần chú trọng phản ánh thực tiễn cuộc sống, phản ánh hoạt động của Quân đội, giới thiệu, phổ biến những kinh nghiệm hay, những gương người tốt việc tốt, góp phần tổng kết thực tiễn.

Tổng Bí thư mong muốn Báo Quân đội nhân dân tiếp tục đấu tranh phê phán cái xấu, cái tiêu cực, bác bỏ những quan điểm sai trái, những nhận thức, cách nhìn lệch lạc; tiếp tục tuyên truyền, đưa hình ảnh Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, đồng thời thông tin về những vấn đề quan trọng của thế giới.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Có một chi tiết khá thú vị khiến tôi nhớ mãi là khi đến mời đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập nhắc tôi là muốn xin đồng chí một lẵng hoa lụa để phòng truyền thống của Báo. Nghe tôi đặt vấn đề, Tổng Bí thư đồng ý ngay giao cho văn phòng chuẩn bị. Nhưng khi nghe tôi chuyển lời của Ban biên tập muốn đặt một lẵng cho phù hợp với khung cảnh chung của phòng khách nên chỉ xin Tổng Bí thư chủ trương, còn báo sẽ tự đặt. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ một lát rồi gật đầu: “Nhất trí, nhưng lẵng hoa do mình tặng nên phải để cho mình chi tiền”. Mấy hôm sau tôi nhận được điện của Văn phòng Trung ương Đảng báo đến nhận tiền của Tổng bí thư.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ thân mật cán bộ chủ chốt Báo Quân đội nhân dân chiều 18-10-2020. 

 

Năm ngoái khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày ra số báo đầu tiên, Ban biên tập và các cán bộ chủ chốt của Báo rất xúc động được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước tiếp tại phòng làm việc. Với tư cách của một người làm báo, đồng chí đã căn dặn chúng tôi nhiều điều và nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn, vì lợi ích chung của quốc gia và quân đội.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

Khi nghe Ban biên tập của Báo muốn xin đồng chí Nguyễn Phú Trọng một thư và một lẵng hoa chúc mừng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đồng ý ngay. Thế nhưng khi nghe chúng tôi đề nghị đồng chí cho phép Ban tổ chức chuẩn bị lẵng hoa thì đồng chí gạt ngay: “Hoa của tôi phải để tôi chuẩn bị chứ”. Và thế là vào sáng sớm ngày 19-10-2020, lẵng hoa của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến đặt trang trọng tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Nhiều nhà báo lão thành đã từng công tác với đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người phóng viên, biên tập viên trẻ luôn mẫn cán với công việc.  Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề.

Có lần phát biểu trước các nhà báo ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí nói: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng".

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Là một nhà báo giỏi nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm tốn trong nghề. Giới báo chí cả nước nhớ mãi hình ảnh  đồng chí Nguyễn Phú Trọng  trong buổi họp báo ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Đại hội vừa bế mạc, tôi chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm với anh em các đoàn và tới đây ngay để tham dự cuộc họp báo, vì vậy cảm giác của tôi lúc này là hồi hộp” - đồng chí  vui vẻ mở đầu cuộc trò chuyện.

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng sáng 1-2-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "May mắn 30 năm làm báo, nhưng là làm tạp chí, tôi “mon men” làm quen, được biết tư duy, phương pháp làm việc của nghề báo. Cảm ơn các anh các chị, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp. 

Dùng chữ “rất tốt đẹp” là cân nhắc lắm, rất vui mừng phấn khởi, dự nhiều đại hội thì thấy đại hội này thành công nhất cả về nội dung, hình thức, lề lối làm việc.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

Cũng tại cuộc họp báo này, Tổng Bí thư cho biết đồng chí xuất thân từ một người làm báo, rèn luyện và trưởng thành từ một nhân viên tập sự, rồi làm công tác tư liệu trước khi viết báo và đảm đương cương vị Tổng biên tập (Tạp chí Cộng sản). Bởi lý do đó, đồng chí nắm được tư duy và phương pháp của người làm báo và cũng biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Tin tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, sau Đại hội, báo chí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt.

Tháp tùng đồng chí trong nhiều chuyến đi công tác, chúng tôi để ý cứ mỗi lần chuẩn bị phỏng vấn, với đối tượng là các nhà báo nước ngoài, đồng chí chuẩn bị khá kỹ lưỡng, trả lời thận trọng, thỉnh thoảng xen vào những câu hài hước làm người hỏi thích thú. Nhưng với các phóng viên chuyên trách khi phỏng vấn thì đồng chí luôn coi chúng tôi là đồng nghiệp. Đã nhiều lần đồng chí “chữa” lại câu hỏi cho chúng tôi “Theo tôi thì nên hỏi thế này”- Đồng chí nhắc.

Sau những chuyến đi công tác ở nước ngoài, đồng chí thường dành thời gian cho nhóm phóng viên chuyên trách phỏng vấn. Thông thường đồng chí trả lời trực tiếp cho các báo, đài ghi âm, ghi hình. Đến khi kết thúc, đồng chí hay hỏi thêm “Mình trả lời như vậy có ổn không?”.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn
Thượng tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Báo Quân đội nhân dân (20-10-2000) - Ảnh bên phải. Thượng tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gắn Huân chương Sao Vàng lên Quân kỳ Quyết thắng Báo Quân đội nhân dân, tháng 6-2006 - Ảnh bên trái. Ảnh: Hoàng Như Thính và Xuân Gụ.   

 

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn

 

Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ, Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ

Trình bày, đồ họa: VĂN PHONG - MINH NGỌC

Ảnh: Báo QĐND, Minh Trường, Trọng Hải, Phú Sơn, Phú Quý

 

 

Các tin khác:
  • Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại (24/06/2021-17:58)
  • Giữ lửa cách mạng qua từng con chữ (24/06/2021-17:38)
  • Thách thức trong đào tạo báo chí thời đại truyền thông số (23/06/2021-22:08)
  • Phóng viên mắc Covid-19 khi đưa tin đội tuyển Việt Nam ở UAE vẫn phải thở oxy (23/06/2021-16:01)
  • Chính phủ luôn đánh giá cao, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với báo chí (22/06/2021-9:07)
  • Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam (20/06/2021-6:45)
  • Định vị lại trách nhiệm, quyền hạn của người làm báo để tận hiến cho nghề vinh quang và cao quý (18/06/2021-20:17)
  • Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại (17/06/2021-10:25)
  • Họp báo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV, năm 2020 (16/06/2021-14:55)
  • VietNamNet chính thức thu phí phiên bản đặc biệt (15/06/2021-14:46)