Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đằng sau một tác phẩm báo chí được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa (05/07/2021-12:12)
    Một bài báo viết về cô học trò nghèo đậu đại học của nhà báo Thái Bá Dũng vừa được chọn in trong môn Ngữ văn - bộ SGK lớp 6. Đây không chỉ niềm vinh dự của người làm báo mà còn là động lực để họ tiếp tục đóng góp cống hiến có thêm nhiều tác phẩm hơn nữa về giáo dục.

 Nhà báo Thái Bá Dũng (Báo Tuổi trẻ) trong một chuyến tác nghiệp.

Chắp cánh tương lai

Luôn đồng hành cùng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cùng với sự chung sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trong nhiều năm qua chương trình “Tiếp sức đến trường” đã giúp hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ, khát vọng đến với giảng đường đại học.

“Tiếp sức đến trường” là chương trình xã hội hướng đến cộng đồng hết sức nhân văn được duy trì nhiều năm qua. Mùa thi cuối năm 2019, trong hành trình đi tìm các câu chuyện xúc động về tân sinh viên nghị lực vượt khó và trúng tuyển vào đại học, nhà báo Thái Bá Dũng (Báo Tuổi trẻ) được thầy giáo Phạm Đình Được – giáo viên Tổ lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) giới thiệu tới em Nguyễn Thị Lam Anh – học sinh xuất sắc của THPT chuyên Lê Quý Đôn vừa được xét tuyển thẳng vào nhiều trường đại học.

Câu chuyện của Lam Anh làm anh rung động mạnh mẽ. Em ở cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Thu Hà. Bà Hà mất chồng sớm, ở quê nhà cực khổ nên hai mẹ con bồng bế nhau đi vào Đà Nẵng lang thang kiếm sống. Có thời điểm, vì cuộc sống quá kham khổ mà bà Hà đã tính gửi con gái mình cho một người xa lạ. Nhưng nhìn đứa con đỏ hỏn, nằm ngủ ngon lành trong tay mẹ mà không biết những gì đang đến với mình thì tình mẫu tử bản năng của một người mẹ đã trỗi dậy khiến bà khựng lại.

Bà quyết tâm giữ con lại bên mình và mấy chục năm nay địu con đi khắp nơi ở thành phố vừa nhặt rác, bán chổi đót, bán thảm chùi nhà để kiếm sống. Bà ăn chay trường và tới nay con gái bà cũng thế. Nhưng việc ăn chay này không hẳn là vì bà theo đạo Phật mà lí do chính là để…tiết kiệm chi phí, rồi dần thành một thói quen. 

Nhà báo Thái Bá Dũng nhớ lại: "Tôi đã tìm đến nơi Lam Anh ở cùng mẹ trong một căn phòng rộng chỉ chừng 10m2, kê sát đồ đạc và nằm phải co quắp chân lại thì mới đủ chỗ. Lam Anh có vẻ bề ngoài rất xinh xắn, ngoan hiền và đeo cặp kính dày cộp, toát lên vẻ trong veo, dễ mến. Dù sống trong cảnh nghèo khó chật vật nhưng em lại có năng lực học vượt trội và một nỗ lực vượt khó tuyệt vời".

Thậm chí sự đối lập giữa hoàn cảnh và học lực khiến ai gặp gỡ cũng phải tự đặt câu hỏi: tại sao trong khó khăn như thế mà trời lại phú cho cô bé xinh xắn này năng lực học vượt hơn cả những con em có điều kiện?

Hoàn cảnh Lam Anh thể hiện ý chí vươn lên trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, đó là nghị lực và một phần có lẽ cũng từ sự “bù đắp” của cuộc đời vì “ông trời vốn không lấy hết của ai thứ gì”. Với cô học trò học giỏi này,  sống trong môi trường khó khăn đó như là thử thách của cuộc đời, số phận đã sắp đặt để em chứng tỏ năng lực bản lĩnh của mình.

Cách trình bày mới lạ

Chuyên mục đăng các chân dung học bổng trên báo Tuổi Trẻ thường có một mô típ giống nhau, đa phần là dạng bài kể về nghị lực vượt khó của một em nào đó, rồi trúng tuyển đại học và đối diện với nguy cơ phải bỏ học. Ở đây tác phẩm của nhà báo Thái Bá Dũng hoàn toàn dựa trên những câu chuyện của hai mẹ con kể lại trong những giọt nước mắt hờn tủi, nhưng luôn tràn đầy hi vọng về tương lai. Ở đó có một người mẹ đã hy sinh hết lòng để chờ đợi một cô con gái ngoan học hành thành đạt về sau. Ở đó có một cô con gái luôn thương mẹ hơn bất cứ thứ gì trên cuộc đời, dùng kết quả học tập phi thường của mình để bù đắp cho mẹ.

“Tôi nghe kể chuyện và thấy nổi da gà, trên đường về luôn suy nghĩ làm thế nào để thể hiện một bài báo thật hay mà không bị mô típ cũ, cách thể hiện cũ gây nhàm chán. Tôi quyết định thể hiện bài báo theo cách tự nhiên, dùng hết lời của hai mẹ con kể lại quá trình từ quê nghèo đi vào thành phố rồi nuôi nhau tới ngày con vào đại học. Hành trình đó tóm lược và trôi chậm bằng ký ức chắp vá, đứt đoạn và long đong của một người mẹ. Với câu chuyện và chất liệu hấp dẫn nên chỉ trong 1 ngày là tôi đã hoàn tất và gửi về toà soạn”, anh Bá Dũng nhớ lại.

Với cách thể hiện bài báo mới lạ, trong nội dung bài viết nhà báo Thái Bá Dũng để cho nhân vật tự kể, tự thuật như một nhật ký, tạo ra sự độc đáo khác lạ so với các bài báo đã đăng trước. Ở đây tính khách quan của câu chuyện được thể hiện rõ, độc giả như trực tiếp được nhân vật kể chuyện chứ không qua trung gian. Cách thể hiện này không mới, nhưng đã gây xúc động mãnh liệt hơn. Bài báo sau đó được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và nhận được rất nhiều sự đồng cảm, sẻ chia từ bạn đọc.

 

Tác phẩm “Con được tuyển thẳng vào đại học, người mẹ bán rong khóc ròng” được đăng 24/08/2019 trên báo Tuổi Trẻ Online.

Tác phẩm “Con được tuyển thẳng vào đại học, người mẹ bán rong khóc ròng” được đăng 24/08/2019 trên báo Tuổi Trẻ Online.

 

Sau khi “Con được tuyển thẳng vào đại học, người mẹ bán rong khóc ròng” đăng trên báo Tuổi Trẻ thì có rất nhiều bạn đọc, mạnh thường quân đã tìm tới cô bé Lam Anh. Cô học trò này được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ để vào đại học, nhưng chỉ mấy tháng sau đó, em được học bổng toàn phần của một trường đại học tại Thái Lan. Từ đó tới nay Lam Anh đi Thái Lan học, ở Đà Nẵng mẹ em vẫn một mình nhặt ve chai, bán thảm chùi nhà để đợi con về.

Đã có rất nhiều câu chuyện xúc động khi Lam Anh xuất hiện trên mặt báo, như chuyện một người dân ở Hội An đã đích thân chạy một chiếc xe máy ra tặng cho em, rồi nhiều chủ nhà trọ ở Đà Nẵng đã ngỏ ý để hai mẹ con ở nhà miễn phí. Thậm chí GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương – người kể chuyện về Bác Hồ cũng bay từ Hà Nội vào thăm Lam Anh và nhận Lam Anh làm cháu nuôi, nhận bà Thu Hà – mẹ Lam Anh làm con gái cho tới nay…

Gieo năng lượng và cảm hứng tươi mới cho mọi người trong cộng đồng

Theo anh Thái Bá Dũng: Cũng như nhiều bài báo khác về học bổng Tiếp sức đến trường, tôi viết bài báo về một câu chuyện nhân vật nghèo khó, nghị lực không phải để “than nghèo kể khổ, xin tiền bạn đọc” mà mục tiêu lớn nhất là truyền đạt lòng tốt, sự vượt lên trở thành hình mẫu cho người khác. Những câu chuyện này nếu nhìn ở góc bi luỵ sẽ ra sự bi luỵ, nhưng nếu xoay trở nó và cho nhân vật ở một hình mẫu vượt lên nghịch cảnh thì sẽ làm động lực, niềm tin vào cuộc đời cho những người yếu thế trong xã hội.

Tác phẩm “Con được tuyển thẳng vào đại học, người mẹ bán rong khóc ròng” một lần nữa tác giả muốn gửi đi thông điệp rằng, chúng ta không thất bại ở bất cứ đâu trên cuộc đời, ngay cả trong gian khó, khổ đau nhất nếu cố gắng không mệt mỏi thì một cánh cửa sáng sẽ được mở ra. Vấn đề là chúng ta có đủ nghị lực, sự chịu đựng qua khó khăn bền bỉ hay không thôi.

Câu chuyện của cô học trò Lam Anh là hình mẫu về nghị lực học tập rèn luyện vượt lên, và là hiện thân của tình yêu thương hy sinh vô bờ bến của một người mẹ nghèo theo con bền bỉ hết cả cuộc đời để con khôn lớn. Với vai trò tuyên truyền, người làm báo đã luôn đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục, qua tác phẩm này một lần nữa lại gieo năng lượng và cảm hứng tươi mới cho mọi người trong cộng đồng. Các bạn có hoàn cảnh khó khăn thì hãy xem Lam Anh là một hình ảnh để làm điểm tựa tinh thần để phấn đấu, tin vào tương lai.

 

192428400_10208999321015755_9204151966767375606_n
Tác phẩm của nhà báo Thái Bá Dũng được chọn làm bài văn mẫu trong bộ sách giáo khoa lớp 6 theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT.

Tác phẩm của nhà báo Thái Bá Dũng được chọn làm bài văn mẫu trong bộ sách giáo khoa lớp 6 theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT.

 

Luôn khiêm tốn khi nói về tác phẩm của mình được chọn đưa vào trong SGK, anh Dũng cho rằng: "Tôi là người làm báo, việc đăng tải ra công chúng tác phẩm của mình đơn thuần đã là công việc để tôi duy trì cũng như một người công nhân tạo ra các sản phẩm cho xã hội, tôi không nghĩ mình giỏi giang hay cao siêu gì tới mức chữ nghĩa của mình được chọn đăng trong SGK. Tôi thấy rằng việc bài báo được chọn đăng có lẽ không phải do mình viết hay mà do ở câu chuyện bản thân đã hấp dẫn, ở đây có sự tìm kiếm rồi bắt gặp tình cờ trong ý đồ bố trí nội dung sách của nhóm chủ biên SGK".

Một bài báo được đăng trong SGK nghĩa là cơ hội để lan tỏa và đến với các học sinh sẽ nhiều hơn. Anh Bá Dũng vui vì lần đầu có một bài báo được đưa vào sách giáo khoa, niềm vui sẽ nhân đôi một ngày nào đó khi hai cô cậu nhóc con của anh học tới lớp 6, hẳn sẽ rất vui và tự hào vì thấy có tên của cha mình ở trong đó.

Có thể nói đối với người làm báo, không có gì tự hào bằng tác phẩm của mình có nhiều người đón đọc và nội dung tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhà báo Thái Bá Dũng cũng vậy, anh tự hào vì tác phẩm của mình sẽ góp phần tạo nên hành trang về tinh thần cho các thế hệ học trò, để các em chinh phục đỉnh cao tri thức, tiến bước vào tương lai.

Theo Nguyên Phong/Báo NB&CL

 

Các tin khác:
  • Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (05/07/2021-8:41)
  • “Có thương nhau, xin đừng xả rác” - lời kêu gọi mọi người hãy cùng bảo vệ môi trường (30/06/2021-10:22)
  • Lan tỏa những yếu tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực (27/06/2021-9:34)
  • Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn (25/06/2021-15:54)
  • Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại (24/06/2021-17:58)
  • Giữ lửa cách mạng qua từng con chữ (24/06/2021-17:38)
  • Thách thức trong đào tạo báo chí thời đại truyền thông số (23/06/2021-22:08)
  • Phóng viên mắc Covid-19 khi đưa tin đội tuyển Việt Nam ở UAE vẫn phải thở oxy (23/06/2021-16:01)
  • Chính phủ luôn đánh giá cao, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với báo chí (22/06/2021-9:07)
  • Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam (20/06/2021-6:45)