Phóng viên khắc phục điều kiện để có hình ảnh sống động (ảnh chỉ có tính minh họa)
Cách đây chưa đầy 10 năm cánh phóng viên chúng tôi đi cơ sở, muốn truyền tải thông tin, hình ảnh về tòa soạn thì chỉ có một cách là đến trụ sở UBND huyện nhờ máy tính bàn của huyện mới có kết nối Internet. Thậm chí, không phải máy tính nào cũng được nối mạng, mà chỉ một vài máy của lãnh đạo hoặc phòng chuyên môn được ưu tiên mới đáp ứng được yêu cầu truyền tải thông tin. Khoảng 5 gần đây, khi có dịch vụ 3G qua thẻ USB truyền qua sóng điện thoại, việc truyền tải thông tin thuận lợi hơn nhiều và là bước ngoặt lớn trong quá trình tác nghiệp, chạy đua thông tin. Đến thời điểm hiện tại, dịch vụ USB 3G lại dường như lạc hậu so với những máy tính bảng, điện thoại thông minh tự phát Wifi.
Nhà báo trẻ Lê Dung (Báo Thanh Hóa) trong một chuyến công tác
tại xã Thành Lâm (Bá Thước). Ảnh: Lê Đồng
Từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các cơ quan báo chí yêu cầu phóng viên phải xử lý và truyền thông tin nhanh nhất. Nhiều tờ báo mạng như: VTC News, VnExpress, Dân trí… yêu cầu phóng viên nếu đưa thông tin cùng một vụ việc chậm hơn các báo khác sau 1 giờ đồng hồ thì phải tìm khía cạnh khác của vấn đề. Từ những yêu cầu khắt khe đó đòi hỏi phóng viên phải năng động hơn. Cùng một sự kiện nhưng họ phải tìm tòi để có thông tin nhiều chiều, phản ánh mọi khía cạnh liên quan. Sau thông tin ban đầu, phóng viên lại tiếp tục nung nấu để có những thông tin tiếp theo, có khi cùng một vấn đề nhưng một số tờ báo đã phát 2 - 3 bài viết trong ngày. Ví như sự việc Nhà máy đường Hòa Bình xả thải làm chết cá trên sông Bưởi tại địa bàn huyện Thạch Thành tháng 5/2016, các báo đều đồng loạt đưa thông tin cá chết, và tất cả các thông tin đều na ná như nhau. Trong khi một vài tờ báo còn đang “loay hoay” với thông tin ban đầu, thì nhiều tờ báo năng động đã liên tiếp có những bài viết truy tìm nguyên nhân hay ý kiến của chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; hệ lụy cùng những nỗi khổ của người nuôi cá và dân chài trên sông Bưởi; nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông; nhà máy đường thừa nhận xả thải khiến cá chết; việc chi trả tiền đền bù cho dân…
Khi những thông tin xoay quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm cứ dồn dập được đăng tải, độc giả càng hào hứng để đón đọc, thì những tờ báo ấy ngày càng có vị thế, đáp ứng được sự mong đợi cũng như thị hiếu người đọc. Trái lại, số ít tờ báo vẫn rập khuôn, mô típ trong cách tiếp nhận thông tin cũng như đăng tải, yêu cầu phóng viên quá chú trọng vào những tiểu tiết không cần thiết… đã kéo lùi sự phát triển của báo chí theo xu hướng hiện đại.
Yêu cầu từ sự đổi mới báo chí theo xu thế hiện đại thì áp lực cho phóng viên, nhất là những người làm báo trẻ tuổi ngày càng lớn. Theo đó, họ phải luôn thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Ngay tại Thanh Hóa, ta cũng dễ dàng nhận thấy điều đó khi cách đây ít năm phóng viên đa phần chỉ phải viết bài và chụp ảnh. Giờ đây, ngoài việc tự trau dồi để thao tác thành thạo công nghệ mạng, phóng viên còn phải học quay video, flycam... mới đáp ứng được yêu cầu. Yếu tố nhanh nhạy của phóng viên thời nay còn thể hiện ở chỗ: có thể tác nghiệp ở bất cứ đâu. Ngồi ngay tại hiện trường vụ việc, trên ô tô, rừng núi hay những nơi không thuận lợi cũng phải mở máy viết tin, bài để gửi nhanh nhất có thể về tòa soạn, thậm chí chạy đua thông tin giữa các báo. Điều đó đã thúc đẩy phóng viên đầu tư phương tiện tốt, hiện đại trong quá trình tác nghiệp, đồng thời luôn trong trạng thái sẵn sàng “tác chiến”. Vài năm qua, một số phóng viên trẻ của nhiều tờ báo thường trú trên địa bàn Thanh Hóa đã đáp ứng khá tốt những yêu cầu thực tiễn nói trên, họ đi đâu cũng mang theo ba lô chứa những phương tiện tác nghiệp cần thiết như laptop, máy ảnh, máy ghi âm..., khi có sự kiện là có thể lao đi tác nghiệp ngay.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu: sự năng động của những nhà báo trẻ phải gắn với cái “tâm nghề”. Nhà báo không nên vì muốn đưa thông tin nhanh mà bỏ qua tính chân thật của thông tin, càng không nên tạo vấn đề “nóng” để “câu khách”. Sự việc một phóng viên tập sự của VTV dàn dựng cho một nông dân ở huyện Vĩnh Lộc quét rách lá rau để làm phóng sự “Cây chổi quét rau”, rồi đổ lỗi cho nông dân làm giả sâu ăn đã vi phạm đạo đức người làm báo làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đài Truyền hình Việt Nam, thiệt hại cho nông dân và chính sự nghiệp của phóng viên không trung thực này.
Thế giới đang vận động, thay đổi từng ngày trên tất cả các lĩnh vực. Báo chí cũng không phải ngoại lệ. Cùng trên một “chuyến tàu công nghệ”, người làm báo phải tự thay đổi thích ứng nếu không muốn tách mình khỏi sự sôi động của nhịp thở báo chí hiện đại.
Thanh An