Mạo danh cả Bộ Công an, Bộ Y tế để tung tin giả
Sáng 21.7, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) đăng tải thông tin bác bỏ tin giả: "Một người dân phẫn uất với cách chống dịch COVID-19, ngay giữa đường bức bách tự thiêu là tin sai sự thật"
Theo đó, sau khi trên mạng xã hội Facebook đang lan truyền hình ảnh "một người ở TP.HCM tự thiêu" và bình luận nguyên nhân là do "phẫn uất với cách chống dịch COVID-19", VAFC đã xác minh từ Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Theo thông tin xác minh từ các đơn vị liên quan, khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
Thông tin giả mạo Bộ Y tế cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ... đang lan tràn trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Trao đổi với báo chí, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết: Trong những ngày gần đây, lợi dụng không gian mạng, một số đối tượng đã chủ động, cố tình tung tin xuyên tạc, kích động gây chia rẽ chính quyền nhân dân, xuyên tạc vô căn cứ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng uy tín TP.HCM và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch.
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (Bộ TTTT), thời gian qua, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất. Dù mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 1.2021, hiện nay mỗi ngày, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam nhận được 15 - 17 cuộc điện thoại của người dân để hỏi về quy trình phản ánh tin giả đến cơ quan chức năng.
Trong vài tháng qua, theo thống kê hàng loạt vụ tung tin giả liên quan dịch COVID-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương từ Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau xử lý.
Nguy hiểm hơn, xuất hiện tình trạng các đối tượng tung tin giả mạo danh Bộ Y tế, Bộ Công an gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Báo chí là đơn vị kiểm chứng thông tin
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng, chống dịch; để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Lê Ngọc Sơn - chuyên gia nghiên cứu truyền thông và quản trị khủng hoảng (hiện ở Đức) cho biết, hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng không chỉ là chuyện đau đầu ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, để hạn chế và chống tin giả, Việt Nam cần bộ máy truyền thông chính phủ mạnh, có kỹ thuật, kỹ năng tốt để có thể cung cấp ngay lập tức những thông tin khẩn cấp cho người dân, giúp họ tránh bị điều hướng bởi thông tin giả, độc hại.
Cổng thông tin Bộ Công an giả mạo mới bị phát hiện. Ảnh: VAFC
Ông Sơn dẫn chứng tại Đức cũng đã có luật phạt tù với người tung tin giả gây nguy hại lớn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng đã thành lập liên minh chống tin giả. Theo luật Đức, sau khi có phản ánh tin giả, ngay lập tức nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải có phản ứng, nếu phản ứng chậm có thể bị phạt 500.000 Euro cho một tin giả.
"Facebook đã phải thỏa hiệp với một số nước châu Âu. Ở Đức, Facebook thỏa hiệp với Chính phủ để có thể xây dựng một đơn vị độc lập thứ ba nhằm kiểm chứng về sự xác tín của thông tin. Bên thứ ba được mời để kiểm chứng thông tin là những đơn vị cung cấp thông tin uy tín như Hãng tin AP, Đài ABC News", ông Sơn cho biết.
Theo Trần Tuấn/ Lao động
https://laodong.vn/xa-hoi/mao-danh-ca-bo-cong-an-bo-y-te-de-tung-tin-gia-giua-dich-covid-19-932744.ldo