Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Dương Khánh Ly - Cơ quan đại diện Truyền hình Thông tấn tại TP. Hồ Chí Minh (Thông tấn xã Việt Nam): Cứ có chỉ đạo là tôi “lên đường”... (29/07/2021-14:54)
    “Với cá nhân tôi thì niềm đam mê và sự yêu nghề giúp tôi vững vàng trong công việc, cứ có chỉ đạo là tôi “lên đường”, thỉnh thoảng nhắn về cho con “mở ti-vi lên xem mẹ” thế là vui. Tôi tin là tôi và nhiều đồng nghiệp làm báo khác đều tồn tại năng lượng “máu lửa” như nhau”

 Nhà báo Dương Khánh Ly phỏng vấn tại Bệnh viện dã chiến.

Nhà báo Dương Khánh Ly (Cơ quan đại diện Truyền hình Thông tấn tại thành phố Hồ Chí Minh) đã tâm sự như vậy trong ít phút rảnh rỗi của những ngày bận rộn tác nghiệp giữa tâm dịch Covid-19.

Bất kể thời điểm nào cũng sẵn sàng “xông pha”

+ Để thực hiện sứ mệnh của mình với dòng chảy thông tin liên tục, kịp thời, chính xác đến với công chúng, độc giả mọi lúc, mọi nơi, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, phóng viên đều phải nỗ lực hết mình bằng sự tự tin, lòng dũng cảm, cộng thêm những ứng biến nhanh trong hoạt động nghiệp vụ. Với chị, công việc thời điểm này như thế nào, thưa nhà báo?

- Chúng tôi giống như mất khái niệm về “thời điểm” vì bất kể thời điểm nào cũng sẵn sàng “xông pha” để đảm bảo thông tin đến khán giả. Đặc biệt như lãnh đạo của tôi, cảm giác dường như các anh, chị ấy không ngủ. Cứ có thông tin mới là nhắn tin trao đổi, chỉ đạo bất cứ giờ nào.

Trong tác nghiệp, chúng tôi luôn nhắc nhau giữ an toàn cho mình, cho đồng nghiệp và gia đình bằng cách thực hiện nghiêm các quy định y tế. Nhưng nói thật, nếu đem so với những hy sinh lớn hơn của những “anh hùng áo trắng” trong tâm dịch thì chúng tôi chưa là gì cả. Dù vất vả vì phải tăng cường độ làm việc và thời gian tác nghiệp đòi hỏi gấp rút hơn, nhưng mỗi ngày vẫn được về nhà ăn cơm với gia đình, chơi với con là mình còn may mắn hơn bao người khác rất nhiều.

+ Chị có nhắc đến những “anh hùng áo trắng” trong tâm dịch, có câu chuyện nào chị được chứng kiến, được nghe về họ khiến chị cảm động và ấn tượng không, thưa nhà báo?

- Trong một lần tác nghiệp ở bệnh viện dã chiến, tận dụng khu tái định cư bỏ hoang nhiều năm, điều kiện thiếu thốn, các bác sỹ phải đi cầu thang bộ, tôi có mời một bác sỹ tên H. trả lời phỏng vấn, lúc đầu bác sỹ không nhận lời vì bận chăm sóc bệnh nhân nhưng sau đó các bác sỹ khác có thu xếp công việc giúp, để bác sỹ H trả lời truyền hình cho chúng tôi, với lý do “chị ấy có con nhỏ, phóng sự chiếu trên ti-vi, con của chị ấy xem được sẽ đỡ nhớ mẹ”. 

Bác sỹ H. đi từ lầu 5 xuống trả lời chúng tôi, nhưng khi máy quay vừa chuẩn bị xong thì có vài bệnh nhân trở bệnh cần cấp cứu, bác chạy ngược lên lầu 5  lo cho người bệnh. Lo xong bệnh nhân đó, bác sỹ xuống để gặp chúng tôi, cùng lúc bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, chị lại vội bỏ máy quay, đi lo cho bệnh nhân.

Cuộc phỏng vấn không thực hiện được vì bệnh viện phải tăng cường mọi nguồn lực y bác sỹ trong khi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe yếu rất đông. Chúng tôi cứ áy náy mãi về cuộc phỏng vấn dở dang và lời của người đồng nghiệp “phóng sự chiếu trên ti-vi, con nhỏ của chị ấy xem được sẽ đỡ nhớ mẹ”.

Báo chí cũng đang phải tự điều chỉnh để thích nghi

+ Thời gian này, người dân TP. Hồ Chí Minh đang phải trải qua những ngày vô cùng khó khăn để ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong những ngày toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Với người làm báo thời điểm này, sự ứng phó với đại dịch chính là vừa đảm bảo an toàn, vừa phải nỗ lực cung cấp thông tin cho công chúng. Chị nghĩ sao về “nhiệm vụ kép” ấy?

 

Các phóng viên, nhà báo của truyền hình Thông tấn phải “dọn đồ” lên cơ quan ở để vừa chống dịch vừa tác nghiệp được thuận lợi nhất.

Các phóng viên, nhà báo của truyền hình Thông tấn phải “dọn đồ” lên cơ quan ở để vừa chống dịch vừa tác nghiệp được thuận lợi nhất.

 

Dịch Covid-19 đã làm nhiều ngành, nhiều giới phải điều chỉnh hoạt động của mình, thì báo chí cũng đang phải tự điều chỉnh để thích nghi, thực hiện tốt vai trò thông tin, định hướng của mình. Chúng tôi “thấm nhuần” tư tưởng “nhiệm vụ kép” nên thực hiện “đâu ra đấy”. Các kiến thức phòng bệnh được chia sẻ hằng ngày trên group anh em báo chí, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có trường hợp gặp khó khăn cả về sức khỏe và tin, bài.

+ Tôi có cảm giác là, khi người người đều chạy về nhà hoặc an toàn trong ngôi nhà của mình, thì những người làm báo như các chị vì nhiệm vụ lại phải lao ra đường... Thách thức của công việc đang đòi hỏi ở mỗi người làm nghề những gì, thưa chị?

- May mắn của tôi là được gia đình cảm thông và ủng hộ công việc tôi đang làm. Chồng và con tôi nhiều năm đã quen với việc tôi vắng mặt trong những ngày lễ, tết vì phải ra đường tác nghiệp nên khi dịch bệnh căng thẳng như thế này chỉ nhắc giữ sức khỏe, sao cho đảm bảo an toàn nhất.

Còn với cá nhân tôi thì niềm đam mê và sự yêu nghề giúp tôi vững vàng trong công việc, cứ có chỉ đạo là tôi “lên đường”, thỉnh thoảng nhắn về cho con “mở ti-vi lên xem mẹ” thế là vui. Tôi tin là tôi và nhiều đồng nghiệp làm báo khác đều tồn tại cái năng lượng “máu lửa” như nhau.

Chúng tôi phối hợp nhịp nhàng, tác nghiệp tự tin

+ Là một nữ nhà báo, trong những ngày “chống dịch như chống giặc”, dấn thân, bám sát cơ sở, đồng hành cùng các lực lượng phòng chống dịch... để cập nhật thông tin thì việc phối hợp với đồng nghiệp, tinh thần làm việc tập thể đối với những người làm truyền hình như chị quan trọng như thế nào? Truyền hình Thông tấn đã có sự nhịp nhàng ra sao trong các khâu tác nghiệp để có những bản tin chân thực, cập nhật nhất? 

- Tôi có con nhỏ nên được ưu tiên về nhà sau khi hết việc chứ dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, các đồng nghiệp khác phải “dọn đồ” lên cơ quan ở luôn rồi. Chúng tôi là một tập thể rất yêu thương nhau và sẵn sàng choàng gánh cho nhau nên mỗi người đều cảm thấy nhẹ hơn bình thường một chút. Một phần vì mỗi sản phẩm Truyền hình đều là lao động chung của tập thể. Mỗi bản tin, mỗi phóng sự phát sóng trên truyền hình Thông tấn đều chân thực, không dựng ghép nên chúng tôi phối hợp nhịp nhàng,  tác nghiệp tự tin.

+ TP. HCM đã, đang và tiếp tục cuộc chiến rất căng thẳng, khốc liệt phía trước. Một người con đang sinh sống trên mảnh đất này, một nhà báo đang lao động thực sự cho ngày bình yên của thành phố, chị muốn chia sẻ điều gì lúc này, thưa nhà báo?

- Một số người nói TP.HCM của chúng tôi lúc này đang “bị thương”, tôi mong rằng với những yêu thương, chia sẻ ấm lòng mà mọi người đang dành cho nhau sẽ giúp vết thương ấy mau lành, để nhịp sống hối hả như trước kia dần hồi phục, để đội ngũ y tế, tình nguyện viên và cả những phóng viên tác nghiệp vòng trong, vòng ngoài được trở về quây quần bên gia đình. Hy vọng, với sự nỗ lực của lãnh đạo thành phố và sự “hợp tác” của người dân sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, trả lại TP.HCM vẻ đông đúc, náo nhiệt của một thành phố công nghiệp.

+ Vâng, xin cảm ơn nhà báo!

Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://congluan.vn/cu-co-chi-dao-la-toilen-duong-post147198.html

 

Các tin khác:
  • Mạo danh báo chí, xúc phạm danh dự lãnh đạo các tỉnh, thành (29/07/2021-10:27)
  • Những cuốn sách để đời của nhà báo từng là “liệt sĩ” (27/07/2021-19:52)
  • Giảm lưu thông sau 18 giờ tại TP. HCM: Phóng viên vẫn được ra đường tác nghiệp (27/07/2021-11:31)
  • Trách nhiệm với ngòi bút, sự đổi mới về cách nhìn, tinh thần nỗ lực, cầu thị sẽ vun đắp tình yêu nghề (26/07/2021-16:43)
  • Ông Tăng Hữu Phong được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng (26/07/2021-16:37)
  • Hưởng ứng, tuyên truyền Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV (21/07/2021-10:12)
  • Kéo dài thời gian nhận tác phẩm tham dự Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII đến ngày 31/7 (21/07/2021-10:08)
  • Đăng tin sai sự thật, xúc phạm lực lượng Công an, 1 người bị phạt 5 triệu đồng (20/07/2021-12:52)
  • Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ sớm hoàn thiện và trình Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 (19/07/2021-11:03)
  • Gỡ bỏ 702 bài viết, tài khoản lan truyền tin giả, sai sự thật (19/07/2021-11:00)