Công an giao thông tỉnh Thanh Hoá xử lý vi phạm người tham gia giao thông. Ảnh: Mạnh Cường
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự quyết liệt của các ngành chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ TNGT đã giảm so với cùng kì. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao, vẫn còn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia; thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Để đảm bảo TTATGT cho nhân dân, theo đó, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn tích cực phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông vì mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân tham gia giao thông an toàn; đặc biệt là dịp nghỉ Lễ gắn với phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền Quy định của UBND tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo TTATGT; tuyên truyền vận động người dân ven các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chấp hành pháp luật ATGT, không vi phạm hành lang ATGT, không dựng rạp tổ chức đám cưới và các sự kiện trên lòng đường chung tay bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đề xuất các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giáo trình dạy học lái xe ô tô, mô tô (tăng số giờ thực hành, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc,...) nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cho học viên.
Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh, công nhân để khuyến khích người dân và trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng nhằm giảm mật độ phương tiện trên đường bộ. Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải; tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho đội ngũ lái xe; cung cấp thông tin lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông cho ngành công an và các cơ quan tư pháp để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất về đảm bảo ATGT đường thủy trên các tuyến sông, suối, hồ, đập...; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tình hình TTATGT đường thủy nội địa trước mùa mưa bão; tập trung kiểm tra rà soát công tác đảm bảo an toàn đối với các bến khách ngang sông, hoạt động đò ngang, cầu treo, cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra TNGT đường thủy; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Nhằm giảm thiểu TNGT, cần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2020; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; đem lại sự an lành cho người dân khi tham gia giao thông.
Phương Thảo