Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng: Bài 4: Nỗ lực nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người làm báo địa phương (05/08/2021-14:37)
Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo thật sự vững mạnh, đủ năng lực và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Hằng năm, các Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều hoạt động nhân đạo xã hội: Hỗ trợ quà tết cho người già neo đơn, thăm và tặng quà gia đình chính sách, tặng tập vở cho học sinh nghèo,… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Thạc sĩ Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Sóc Trăng, Hội Nhà báo tỉnh luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo thật sự vững mạnh “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới.
Có thể nói, năm 2016 đánh dấu mốc khi Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng bắt đầu có cán bộ chuyên trách, xây dựng kế hoạch công tác bài bản hơn với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí theo từng nhiệm vụ chính trị, chuyên ngành cụ thể từ phía lãnh đạo tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh hội chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức chính trị cho hội viên để nâng dần hiệu quả tác nghiệp của đội ngũ, đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà.
Quan tâm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu hoạt động, mọi phong trào công tác Hội đều hướng về hội viên; từng bước củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức và triển khai các hoạt động mang tính thiết thực, bổ ích.
Từ đó đến nay, những giải báo chí, các cuộc thi viết, đề án sáng tạo tác phẩm, diễn đàn nghề nghiệp thông qua tập san Người Làm Báo Sóc Trăng, tập huấn nghiệp vụ báo chí, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của anh chị em hội viên, những cuộc họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp,… đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò, chức năng của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo địa phương, tạo được sinh khí phấn khởi đối với đông đảo hội viên và cũng phần nào khẳng định vị thế, vai trò của Hội trong cách nhìn của lãnh đạo tỉnh và các ngành hữu quan tại địa phương.
Tính định hướng, tính dân tộc, tính nhân văn, chức năng truyền thông và giá trị phục vụ cho quảng đại quần chúng của những cơ quan báo chí “chính thống” đang có nhiều cơ hội phát huy nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong thực trạng “thế giới phẳng” về thông tin. Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề: một số trang mạng xã hội, báo mạng điện tử của nhiều nơi chạy theo thông tin giật gân, câu khách; nguồn tài chính khó khăn đối với các cơ quan báo chí địa phương; trình độ và trang bị kỹ thuật, tốc độ truy cập và cập nhật thông tin còn chậm, an ninh mạng chưa cao; trình độ chính trị và chuyên môn của đội ngũ làm báo ở tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế,...
Ngay từ đầu năm 2016, sau khi vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ V Hội Nhà báo VN tỉnh Sóc Trăng, Thường trực Tỉnh hội đã triển khai kế hoạch tổ chức học tập quán triệt Luật Báo chí (tổ chức 3 lớp, cho 149 người là hội viên và cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí tham dự) kết hợp lấy ý kiến đóng góp xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gắn với việc tổ chức giáo dục, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ đến từng hội viên nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Sản phẩm báo chí là thành quả của lao động tập thể, trong đó, lao động sáng tạo của nhà báo có tính quyết định. Mỗi tác phẩm báo chí mang tính định hướng dư luận, có tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội về nhận thức, tư tưởng và đạo đức. Do vậy, với người làm báo thì yếu tố đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao. Nhận thức rõ ràng vấn đề này, một trong những nội dung quan trọng trong những buổi sinh hoạt hội định kỳ, những đợt sinh hoạt chuyên đề theo chủ điểm thời sự, hội thảo tọa đàm nghề nghiệp do Tỉnh hội triển khai hay ở các Chi hội trực thuộc tổ chức, phối hợp với cơ quan báo chí chính là thảo luận về yếu tố đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong thời đại hiện nay.
Trong Chương trình hoạt động toàn khóa, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hoạt động hằng năm, hằng quý, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng luôn có sự phân công chỉ đạo, nhắc nhở đến từng Chi hội trong công tác tổ chức, phối hợp tổ chức giáo dục tuyên truyền trong hội viên của đơn vị mình để có sự quán triệt sâu rộng và mỗi hội viên chú trọng rèn luyện bản thân không chỉ về trình độ nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn mà nhất là về đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp của người làm báo.
Các ban thư ký, ban chủ nhiệm các Chi hội, câu lạc bộ còn năng động, sáng tạo trong việc tham mưu, phối hợp với lãnh đạo cơ quan, chi ủy chi bộ tổ chức phát động và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến tích cực về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của người làm báo.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình công tác kiểm tra thường xuyên, theo chuyên đề hằng năm, Ban Kiểm tra đã tiến hành kiểm tra chuyên đề ở 9 lượt Chi hội, CLB trực thuộc Tỉnh hội; trong đó tập trung vào các lĩnh vực: công tác quán triệt và triển khai thực hiện Quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam gắn với các nội dung Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc thực hiện Điều lệ Hội, công tác kiện toàn tổ chức cơ sở hội,… Kể từ khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quyết định thành lập Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng (năm 2017) đến nay, chưa hề có trường hợp nào vi phạm đến mức phải xử lý.
Báo chí chính thống luôn mang tính khách quan, chính xác cao; cùng với tôn chỉ mục đích rõ ràng và luôn vì sự phát triển xã hội, vì lợi ích chung của đất nước. Tuy nhiên, để giữ vững những yếu tố đó và cũng đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, nhạy, kịp thời định hướng dư luận xã hội thì các cơ quan báo chí của ta cũng cần phải nhanh chóng đổi mới, phát huy năng lực sáng tạo của người làm báo và tận dụng được sức mạnh của khoa học công nghệ tiên tiến trong thực tiễn “thế giới phẳng” và xu hướng toàn cầu hóa của truyền thông đa phương tiện hiện nay.
Thạc sĩ Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Sóc Trăng, Hội Nhà báo tỉnh luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo thật sự vững mạnh “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới. Trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ càng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo tỉnh nhà, song song với việc năng động hơn trong phương thức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên. Từ đó, góp phần tích cực cho báo chí địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com