Giáo dục đạo đức hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội: Chuyện dài vẫn phải nói mãi... Bài 5: Tích cực nhận diện, phản bác thông tin sai sự thật (05/08/2021-7:38)
Thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo, các cấp Hội Nhà báo ở nhiều địa phương đã triển khai với nhiều cách làm hiệu quả.
Đội ngũ phóng viên nhà báo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tác nghiệp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Công Doanh
Việc quán triệt tốt, kịp thời quy tắc này đã thúc đẩy hội viên, phóng viên tự thay đổi nhận thức, hành vi, rèn luyện mình khi sử dụng MXH, góp phần nâng cao uy tín, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp của người làm báo.
Nâng cao sức “đề kháng” với thông tin tiêu cực
Internet cùng với công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã cho phép người dùng tăng tốc các hình thức tiếp nhận tương tác thông tin. Trong đó MXH đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết ngành nghề lĩnh vực. MXH mang đến cho người dùng thông tin khách quan, đa chiều hơn và với người làm báo thông qua MXH cũng giúp thông tin được lan tỏa, quảng bá rộng rãi hơn nhờ tính năng dễ chia sẻ, tương tác.
Tại Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, nhiều năm nay, việc sử dụng MXH trên địa bàn tỉnh được triển khai bài bản, đúng quy định, các hội viên coi MXH là kênh thông tin lành mạnh. Song song với đó, nhiều hội viên luôn có sự nhạy cảm về chính trị, thận trọng khi sử dụng, phát ngôn trên MXH cũng như khai thác những thông tin đăng tải trên đó.
Thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (chưa có Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam), các hội viên trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo các cơ quan báo chí quán triệt nhiều lần, liên tục và khá chặt chẽ về chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH.
Nhà báo Nguyễn Bình Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang cho biết: Chúng tôi xác định làm báo là nhiệm vụ chính trị, nên việc đảm bảo ổn định tư tưởng, tinh thần cũng như thông tin chính thống trong tuyên truyền sẽ rất quan trọng. Trong những năm qua, tỉnh không có tình trạng hội viên vi phạm các quy định về sử dụng MXH, thậm chí chưa có trường hợp nào phải nhắc nhở, chấn chỉnh.
Thực tế cho thấy tại Bắc Giang, khi MXH lên ngôi, công nghệ phát triển từng ngày thì mỗi hội viên, phóng viên đều được nhắc nhở, quán triệt về mặt tiêu cực, những định hướng, những rủi ro mặt trái mà nó có thể mang lại. Tất cả thông tin trên MXH mà chưa rõ ràng, chưa được kiểm chứng, chưa được tổ chức nào khẳng định thì sẽ không được sử dụng, thậm chí không có bất kỳ đánh giá, nhận xét, tương tác nào.
Ở đây mọi người đều nhận thức rõ, ngoài trách nhiệm của người làm báo còn liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Thay vào đó các hội viên có những bài viết mang thông tin khách quan, đúng bản chất vấn đề để định hướng dư luận, phản bác lại những thông tin thiếu chính xác, chưa đầy đủ trên MXH.
Đã có nhiều thông tin chưa chuẩn xác trên MXH được các cơ quan báo chí của Bắc Giang xử lý hiệu quả. Như thông tin về việc đổ bỏ vài thiều do giá quá rẻ. Những thông tin sai sự thật như vậy làm cho người ở nhiều vùng trồng vải rất lo lắng. Ngay lập tức, trực tiếp phóng viên của các báo, đài tỉnh Bắc Giang đã đến tận nơi để tìm hiểu sự việc. Sau đó là các bài viết khẳng định rằng đây là thông tin không chính xác, bài viết hình ảnh trên mạng chỉ xuất phát từ việc một người dân bỏ những quả vải hỏng, lỗi, không còn sử dụng được. Không phải do giá quá rẻ phải bỏ. Ngoài ra, các cơ quan báo chí của tỉnh còn tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản, thông cáo báo chí một lần nữa khẳng định thông tin trên MXH là hoàn toàn sai sự thật.
Nhà báo Nguyễn Bình Dương cho biết: “Khi Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam được Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, thì các hội nghị của Hội đều được lồng ghép nội dung này. Việc thường xuyên quán triệt được diễn ra liên tục, thậm chí là hàng tuần. Đặc điểm ở Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang là những cán bộ chủ chốt ở các cơ quan báo chí chính là các đồng chí nằm trong Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh. Như đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh là Tổng Biên tập Báo Bắc Giang hay Phó Chủ tịch Hội là đồng chí Giám đốc Đài PT&TH tỉnh. Các trưởng phòng ban ở các đơn vị đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững nên việc triển khai được thường xuyên mang lại hiệu quả, lâu bền hơn”.
Hiện nay, để phát huy tinh thần lao động, tính sáng tạo của mỗi hội viên, Hội Nhà báo tỉnh cũng đang hoàn thiện website người làm báo của tỉnh để là nơi thường xuyên cập nhật những thông tin bài viết về đạo đức, trách nhiệm sử dụng MXH của người làm báo. Đối với ấn phẩm báo giấy, trong các số thường và những số đặc biệt của Hội Nhà báo tỉnh đều có những bài viết về nghề, các bài chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đi tác nghiệp của các hội viên. Tất cả để nâng cao uy tín, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp của người làm báo Bắc Giang.
Xác định rõ trách nhiệm của người làm báo
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà thông tin trên mạng và truyền thông xã hội ngày càng đa dạng phong phú, được nhiều người dân thừa nhận và đón nhận, nhờ tính chất dễ dàng sử dụng, ưu điểm cực nhanh. Từ một thông tin, hình ảnh có thể truyền đi xa hơn, dễ dàng tới các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.
Nhận thức vấn đề đó, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng hệ thống, nền tảng công nghệ, đảm bảo tính hiện đại, đa dạng và thống nhất. Như tại Báo Hà Giang, trang mạng điện tử của báo đã phát triển, sau đó chính thức thành Báo điện tử. Đài PT-TH tỉnh cũng duy trì và nâng cấp trang mạng điện tử song song cùng các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài. Các bài viết, tác phẩm truyền hình còn được đăng tải trên nền tảng MXH. Sự đổi mới này đã giúp người dân, cộng đồng mạng, đặc biệt người dân ở các huyện miền núi dễ dàng truy cập xem trực tiếp, xem lại, nghe, đọc thường xuyên trên nhiều loại hình báo chí, với nhiều thiết bị khác nhau. Thông tin ở báo điện tử, trang mạng điện tử ngày càng chuyên sâu, phong phú, đa dạng hơn, có tính cập nhật và thời sự cao.
Ở đây các cơ quan báo chí không chạy theo MXH mà tận dụng ưu thế của nó để tạo ra thông tin nhanh chóng và có chiều sâu hơn. Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh đã không đứng ngoài mà đã bắt nhịp, tham gia vào truyền thông xã hội để góp phần mang thông tin chính thống kịp thời đến công chúng.
Theo nhà báo Lê Trọng Lập - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang: “Người làm báo phải xác định rõ được trách nhiệm của mình khi tiếp cận thông tin trên MXH, coi đó là một kênh thông tin đầu vào cần thiết để phục vụ cho việc tác nghiệp. Nhưng khi sử dụng MXH cần kiểm tra thông tin, kiểm chứng lại nguồn, sàng lọc tìm ra những thông tin chính xác, phù hợp cho yêu cầu nghiệp vụ. Còn khi tham gia thông tin trên mạng, nhà báo chúng ta phải thể hiện trách nhiệm của mình nghĩa là thông tin phải chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, có tính định hướng để bạn đọc coi đó là thông tin chính thống, để kiểm tra, đánh giá các nguồn tin không chính thống đang lan truyền trên mạng”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com