Lan nhanh
Theo tìm hiểu và tiếp xúc của phóng viên, không ít trường hợp người dân, kể cả những người lớn tuổi đã chần chừ đi tiêm vắc-xin chỉ vì tin vào tin giả. Chị Hạnh, ở quận Phú Nhuận, TPHCM, cho biết: “Tôi ngần ngại không biết có nên đi tiêm chủng hay không?”. Khi chị dẫn đường link thì hóa ra đó là tin giả, không kiểm chứng từ nước ngoài, nội dung nói rằng ở Nhật Bản, Thái Lan…, người dân phản đối tiêm vắc-xin.
|
Tin giả khẩu trang tái chế nhiễm virus corona
|
Trong khi thực tế các quốc gia này đang nỗ lực tiêm vắc-xin để hướng đến miễn dịch cộng đồng. Nhờ đọc nhiều bài viết nói về sự an toàn cao trong tiêm chủng, chị Hạnh đã đi tiêm vắc-xin. Chị phấn khởi: “Không ngờ tiêm ngừa lại nhanh chóng, an toàn đến vậy. Tôi đã sai khi từng tin vào những tin giả”.
|
Tin giả kích động người dân không đi tiêm vắc-xin
|
Bà Phượng, tập một môn thể thao cổ truyền mấy năm, cũng ngần ngại đi tiêm chủng. Lý do là bà đọc thấy nhiều bài viết trên mạng nói rằng chỉ cần ở nhà, đóng cửa, luyện tập theo môn phái X, môn phái Y… thì sẽ đánh tan COVID-19. Mãi gần đây, khi nghe tin có những người qua đời chỉ vì đóng cửa tập theo các môn phái bí truyền, bà mới đồng ý đăng ký tiêm vắc-xin.
Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra và cho đến tận bây giờ, trên mạng xã hội vẫn loan tin về “vắc-xin xách tay” được đưa qua sân bay, giao hàng ở sân bay hoặc chuyển đến tận nhà. Loại tin giả này tạo ra tâm lý chủ quan, rằng hễ có tiền là mua được vắc-xin, không cần vội đi tiêm chủng.
Các nhà chuyên môn đã bác bỏ thông tin “vắc-xin xách tay” vì vắc-xin phải bảo quản ở nhiệt độ âm rất sâu, bằng thiết bị chuyên dụng, khi đã rã đông thì phải sử dụng ngay. Do vậy, vắc-xin xách tay nếu có thì cũng chỉ là hàng giả và không có tác dụng phòng COVID-19.
Khá phổ biến là loại tin giả làm “nhái” và xuyên tạc văn bản của chính quyền, như tin giả về chính quyền chỉ cho phép ra ngoài đi chợ 7 ngày/lần khiến nhiều người đổ xô đi mua hàng tích trữ và việc thực hiện giãn cách trở nên khó khăn.
Cuối tuần qua, dư luận xôn xao tin giả về “bác sĩ Khoa” rút ống thở của vị thân sinh đang điều trị COVID-19, để sử dụng máy thở cứu một sản phụ. Ngành y tế TPHCM xác minh không có “bác sĩ Khoa” và ngành y tế cũng không cho phép bác sĩ điều trị tự ý rút ống thở của bệnh nhân.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Một số quốc gia đã ra luật về tin giả để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này. Tại Việt Nam, từ năm 2020 tới nay, các cơ quan đã xử lý nghiêm nhiều vụ tin giả. Mới đây, ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn số 2765 về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng, như tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19, xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương…
Ngoài việc chính quyền siết chặt quản lý, xử lý các sai phạm, người dân, nhất là cộng đồng mạng cũng đang tự lập nhiều nhóm chống tin giả. “Nhóm chung tay chống tin giả” do nhà báo Lê Quốc Vinh sáng lập hiện đã có 5.200 thành viên, trong đó có không ít nhà báo, người làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Ông Vinh nhận định: “Ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả. Chúng ta dễ tin vào tin giả, bởi vì nó sinh ra là để thao túng tâm lý, suy nghĩ và hành vi của công chúng. Chỉ cần nó phù hợp phần nào với định kiến của chúng ta, thì lập tức chúng ta tin nó, thậm chí chẳng buồn kiểm chứng nó có đúng hay không, bấm like, share, thậm chí là thêm bớt ít nhiều để khẳng định thêm chính kiến của mình, vô tình hoặc hữu ý gia tăng mức độ ảnh hưởng của tin giả”.
Cộng đồng mạng đang chia sẻ thông điệp: “Đọc chậm lại, nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ hoặc bình luận!”. “Xin ngưng share tin giả - Hãy yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh”, Hannah Nguyen kêu gọi trên nhóm “Chung tay chống tin giả”.
Trục lợi
Nhà báo Hàn Ni cho rằng, tin giả có thể xuất phát từ những nhóm lợi ích, có chủ đích: “Đây là câu chuyện lòng tin, tình thương xã hội có bị lạm dụng hay không”.
Cần xử nghiêm
Đại diện Công ty Luật Long Phan PMT cho biết, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu có thể bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội có tổ chức bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, cho hay, khi đọc bài về “bác sĩ Khoa” rút ống thở để chữa trị cho người khác, ông rất xúc động và dự định tặng máy thở cho bệnh viện nơi bác sĩ Khoa làm việc, song hóa ra đó là tin giả.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phước nói: “Tôi nghi ngờ rằng tin giả được tạo ra có chủ ý. Khi họ đẩy cảm xúc cư dân mạng xã hội lên cao nhất, họ sẽ quyên góp từ thiện và thu lợi bất chính”.
Ông Bùi Sỹ Hoa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), rất bức xúc về việc tin giả rộ lên gần đây. Ông Hoa nói với phóng viên Tiền Phong: “Tin giả ngày càng được phát tán một cách tinh vi, giả mà như thật thì nhiều người sẽ nhầm lẫn.
Cơ quan chức năng cần tiếp tục đấu tranh với các mạng xã hội về trách nhiệm quản lý, xử lý, kết hợp xử lý tin giả, nhằm góp phần chặn tin giả từ nguồn phát thì câu chuyện mới có hy vọng sáng sủa hơn so với thực tế bề bộn hiện nay”.
Theo Nguyên Anh/Báo Tiền Phong.vn
https://tienphong.vn/tin-gia-trong-dai-dich-luong-gio-doc-post1364257.tpo