Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nén tâm nhang trong mùa vu lan (08/08/2016-21:47)
    (NLBTH) - Hôm trước vào Blog của ai đó không còn nhớ tên, xem entry tự sự có đoạn: Đừng ép con, con chưa muốn lấy chồng đâu, con còn phải báo hiếu bố mẹ mà. Thoạt đọc có chút gì hơi sến, nhưng xem kỹ thấy thật lòng.

Tâm sự của một người không quen biết nhưng cũng khiến mình xót xa. Thế nhưng công việc với vô vàn áp lực đã phủ lấp, đã dẫn lối thật vô tình. Hôm nay có bạn văn send cho tản văn "Bông hồng mùa vu lan", có đoạn: "Mình thích ngày thứ 7 trong tuần, không chỉ vì chỉ phải đi làm nửa buổi, được nghỉ ngơi, mà vì thứ 7 sẽ về thăm quê... Sáng thứ 7 nào mẹ cũng gọi điện hỏi có về không?  Về thăm nhà bên gia đình bao giờ cũng thấy bình yên và ấm cúng. Dù cuộc sống thường ngày của bố mẹ vẫn diễn ra như trước, bận rộn nhưng nó có ý nghĩa hơn mỗi lần mình về thăm".

Đọc rồi chợt nhìn vào tấm ảnh bố chụp chung lần cuối cùng với mình, nước mắt lại lem nhem. Mình đa cảm vẫn thường khóc vì những chuyện đâu đâu, đôi khi chỉ là bi cảnh trên sân khấu rẻ tiền, một mảnh đời bé nhỏ bên bụi bặm lề đường. Nhưng khóc vì những đấng sinh thành thì hình như mới là lần thứ 3. Hai lần trước là khi bố, mẹ vĩnh viễn ra đi. Vô tâm quá chăng, hay sự chiều chuộng, chở che của bố, mẹ đã làm mình thành đứa con hư, chỉ biết hưởng thụ mà quên sẻ chia?

Về thăm quê! Cái háo hức của bạn văn kia cũng là nỗi thẳm buồn của chính mình. Quê nhà vẫn đó, nhưng nhà cũ bán từ lâu, bố, mẹ cũng đã thành thiên cổ tự hồi nào.

Ngày rời quê nghèo lên phố thị mẹ đã khóc, khóc thật nhiều cho đứa con thơ sẽ ra sao khi rời tổ ấm. Môi trường sinh viên lắm ước mơ nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Qua khung kính chiếc xe khách rời phố huyện, tôi thấy nước mắt mẹ lăn dài. Cái dáng tảo tần càng mỏng manh trong chiều thu se lạnh. Hồn nhiên quá, lúc đó tôi không biết khóc vì sự chia tay là gì. Nhưng khi viết những dòng này tôi đã khóc, những giọt nước mắt muộn màng cứ trào ra, ướt cả bàn phím.

Mẹ - bà giáo làng nhưng dạy giỏi nhất nhì tỉnh. Kỳ thi giáo viên giỏi nào mẹ cũng trong tốp ba. Thế mà mẹ đã phải chia tay cái nghề gõ đầu trẻ cao quý để về hưu non bươn chải thêm tiền nuôi con. Hành trang của mẹ giờ không còn là giáo án, phấn trắng và một tâm hồn sư phạm, thay vào đó là đôi sọt to với thập cẩm đồng đăng. Đôi bánh xe của mẹ cứ thế lăn khắp ngõ quê nhặt từng đồng bạc lẻ gom góp cuối tháng gửi ra Hà Nội nuôi con.

Tuổi trẻ và sự bồng bột nổi nênh, lần đầu được thoả chí trên đất Hà thành, thằng tôi cứ thế vô tư ăn, thoải mái chơi, đâu biết mẹ ở quê nhà lam lũ ra sao. Đâu biết có lần mệt quá mẹ đã không dắt nổi chiếc xe với đôi sọt cuộc đời và đã ngã xuống sông. Trời thương mẹ chưa bắt, nhưng căn bệnh tim sau đó và vô số nhọc nhằn hệ luỵ đã cướp mẹ khi tôi còn dở dang nơi giảng đường đại học. Bố là người cứng rắn, chưa bao giờ thấy bố khóc, nhưng lúc đó tôi thấy bố khóc thật nhiều. Như con trẻ khóc. Tôi biết bố yêu mẹ bao nhiêu, giờ lại càng thương con thêm bấy nhiêu. Đồng lương ít ỏi của bố giờ lại thêm một lần thử sức. Cảnh gà trống nuôi con bố không muốn cũng phải làm. Đoàn tầu hai đầu giờ còn một, tôi muốn bỏ học ra đất mỏ làm thổ phỉ đội than. Tôi muốn sẻ chia nhọc nhằn của bố, nhưng bố vẫn nhất quyết bắt tôi phải học nên người. Cái làng Chiêm Ba nghèo lắm, đứa trẻ sinh ra đã phải găm chặt cuộc đời với ốc, cua, rổ, rá. Vì vậy bố quyết chí thay đổi vận làng.

Ra trường, bao năm xa xứ, lâu lâu mới về thăm bố một lần, nhiều khi ỷ vào công nghệ thông tin, quên cả việc bố thèm nhìn mặt con, sờ vào đôi tay ngày xưa từng cầm nắn từng nét chữ.

Và bệnh tật đã cướp bố đi. Ngày xưa khi về đến nhà mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, dân làng chỉ chờ tôi về để đưa mẹ nhập quan. Còn bố, bố cũng chẳng nói được câu gì. Bố ra đi trên tay mình sau cơn co thắt khí quản đầy đau đớn, khiến phút giây ấy không thể quên, không bao giờ quên.

Bố, mẹ thành người thiên cổ khi con còn quá dại khờ. Cái tuổi còn phải dựa vào sự gân guốc và kinh nghiệm, trải nghiệm của phụ mẫu để nương nhờ, định hướng, thì bố, mẹ đã lặng lẽ về chốn cửu tuyền.

Thêm một mùa vu lan nữa lại về. Trên đường người ta bày bán la liệt trái cây, hoa thơm và vô số tiện nghi vàng mã. Tục là thế, tháng 7 âm lịch đốt cho người đã khuất, cầu nguyện cho linh hồn được phiêu diêu nơi chín suối. Lòng thành thật quý, trả nghĩa là vậy, nhưng phỏng ích gì? Bố, mẹ cả đời lo cho con, lắm khi cãi trả, nhiều lúc quên ơn, giờ lại mâm cao tế ruồi.

Giờ thì con đã lớn, con thấy mình vẫn chưa khôn, nhưng đã biết nghĩ chút gì. Con thầm mong sự giá như, dẫu biết rằng đó chỉ là mơ ước. Con mơ ước giờ này vẫn được sà vào lòng mẹ để được chở che, được trèo lên lưng bố đi khắp các ngõ làng như ngày nào. Cho con được làm điều mà lẽ ra đã phải thực hiện nhiều năm trước.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Về Nga Sơn (31/07/2016-21:03)
  • Kỷ niệm tháng 6 (24/06/2016-10:30)