Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Gìn giữ, phát huy giá trị di tích Cách mạng Tháng Tám (18/08/2021-9:07)
    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa ghi dấu ở nhiều di tích lịch sử. Những di tích ấy không chỉ in dấu thời khắc lịch sử của dân tộc diễn ra trên đất Thanh Hóa mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho mọi người về những năm tháng hừng hực khí thế khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay Nhân dân, mở ra trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong thế kỷ XX.

 Cựu chiến binh dâng hương tại Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành). Ảnh: Tố Phương

Những ngày chớm thu đầy nắng. Sắc vàng dịu dàng dệt thảm lên vạn vật. Mỗi bước chân tìm về Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), chúng tôi như chạm vào lịch sử. Với sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã, Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo được đầu tư xây dựng, tôn tạo trở thành một “bảo tàng sống” về sự ra đời và hoạt động của chiến khu. Trong đó, nhà trưng bày truyền thống với nhiều hiện vật được lưu giữ, trưng bày là “địa chỉ đỏ” quen thuộc của các em học sinh, Nhân dân, đồng thời là điểm đến chiêm ngưỡng, tham quan của khách du lịch gần xa khi đến với chiến khu Ngọc Trạo hôm nay. Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên ban quản lý di tích, mỗi hiện vật đưa du khách trở về thời kỳ đấu tranh anh dũng, kiên cường của cha anh. Cách đây 80 năm, Ngọc Trạo (Thạch Thành) với vị trí đặc biệt quan trọng đã được Tỉnh ủy Thanh Hóa chọn làm căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Đêm 19-9-1941, tại hang Treo, đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa chính thức được thành lập gồm 21 chiến sĩ, sau phát triển lên 80 chiến sĩ. Một thời gian ngắn hoạt động, đội du kích Ngọc Trạo bị địch phát hiện, chúng bao vây và tiến công vào chiến khu Ngọc Trạo. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, đội du kích đã dũng cảm đánh trả lại các đợt tiến công của quân địch. Do tương quan lực lượng khá lớn, quân địch đông nên tối ngày 25-10-1941, ban chỉ huy chiến khu đã quyết định cho rút đội du kích về làng Cẩm Bào (huyện Vĩnh Lộc bây giờ) rồi phân tán nhỏ lực lượng về các vùng miền nhằm củng cố, phát triển phong trào cho phù hợp với tình hình mới. Dù tồn tại trong thời gian ngắn nhưng tinh thần quả cảm của đội quân du kích Ngọc Trạo đã lan tỏa khắp mọi miền quê Thanh, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chiến khu du kích Ngọc Trạo bị đàn áp, giặc Pháp vây lùng bắt bớ các chiến sĩ cách mạng. Trước tình hình ấy, năm 1942, Tỉnh ủy đã quyết định chuyển nơi hoạt động và cơ quan in báo về các huyện ven biển. Túp lều rơm trên cồn cát chang chang nắng của gia đình mẹ Tơm (tên thật là Nguyễn Thị Quyển), xã Đa Lộc (Hậu Lộc) được chọn làm căn cứ. Các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc và một số đồng chí khác cùng ăn ở, hoạt động cách mạng trong túp lều rơm nhà mẹ Tơm. Ban ngày, các chiến sĩ ở trong nhà làm việc, ban đêm chia nhau đi các ngả đường để tuyên truyền, vận động bí mật chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Chẳng ai nghĩ được rằng, người mẹ nghèo, lam lũ, đôn hậu ấy lại dũng cảm mang theo truyền đơn dưới những gánh rau, rong ruổi khắp các chợ để tuyên truyền cách mạng. Tri ân những đóng góp của mẹ Tơm, năm 2011, Nhà lưu niệm mẹ Tơm được khởi dựng. Nơi đây trưng bày những kỷ vật gắn liền với cuộc đời những nhân vật và từng giai đoạn lịch sử từ khi có Đảng lãnh đạo. Từ đó đến nay, Nhà lưu niệm mẹ Tơm trở thành địa chỉ cách mạng để thế hệ trẻ nhiều nơi tìm về tri ân. Và trong mỗi tiết giảng dạy văn học, lịch sử, các thầy, cô giáo ở địa phương lại say sưa truyền đạt cho các thế hệ học sinh hiểu thêm về mẹ và các chiến sĩ kiên trung của dân tộc, để các em ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương mình.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, khi tình thế cách mạng đã chín muồi, cả dân tộc đã chớp thời cơ, vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 24-7-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng vùng dậy đấu tranh vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Trưa ngày 24-7-1945, quần chúng cách mạng kéo về Cồn Ba Cây (nay thuộc xã Hoằng Thắng) mít tinh chào mừng chiến thắng. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử hào hùng của Nhân dân Hoằng Hóa, di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây đã được đầu tư xây dựng, mô phỏng lại di tích cũ, đặc biệt là bức phù điêu có biểu tượng Nhân dân khởi nghĩa tạo được ấn tượng mạnh đối với Nhân dân và du khách. Hàng năm, vào dịp 24-7, con em địa phương trở về và nhiều đoàn khách cũng đến tham quan Khu Di tích lịch sử Cồn Ba Cây. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay.

Học sinh xã Đa Lộc tìm hiểu về lịch sử ở Nhà lưu niệm mẹ Tơm, xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Ngoài những địa danh nổi tiếng, trên mảnh đất Thanh Hóa anh hùng còn nhiều những di tích gắn liền với Cách mạng Tháng Tám. Đó là đình làng Mao Xá, nơi in dấu phong trào thanh niên cách mạng được thành lập do đồng chí Lê Huy Toán làm tổ trưởng. Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ (Đông Sơn), Nhà thờ họ Vương (Thiệu Hóa), Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Thọ Xuân), nơi các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập. Là di tích chợ Bản (Yên Định), nơi lực lượng tự vệ chiến đấu Lý Bôn tổ chức cuộc diễn thuyết xung phong, công khai tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, tạo ra không khí chuẩn bị vùng lên giành chính quyền sôi động trong toàn huyện. Di tích cách mạng Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo), gắn liền với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hoằng Hóa... Các địa danh ấy đã nhắc nhớ về một thời khí thế cách mạng sục sôi của những ngày mùa thu năm 1945.

Nhiều năm qua, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được quan tâm đầu tư, góp phần làm sống lại giá trị lịch sử của dân tộc và địa phương. Việc tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của di tích cũng đẩy mạnh, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết, tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Theo bài và ảnh: Tố Phương

Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/thoi-su/gin-giu-phat-huy-gia-tri-di-tich-cach-mang-thang-tam/142207.htm  

 

 

Các tin khác:
  • Bí quyết vượt qua khó khăn đại dịch của người kinh doanh (17/08/2021-8:14)
  • Các ứng dụng hữu ích trên điện thoại cho người dùng Việt trong mùa dịch COVID-19 (16/08/2021-11:08)
  • Đăng tin “Đề nghị người dân trữ đồ ăn trong 5 ngày…”, chủ fanpage bị xử phạt (15/08/2021-21:46)
  • Tiền lương của cán bộ, công chức từ 1/7/2022 sẽ gồm những khoản nào? (11/08/2021-15:38)
  • Biến thể Delta chiếm 78,2% số ca nhiễm mới ở Thái Lan (06/08/2021-1:00)
  • Thanh Hóa: Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (05/08/2021-9:19)
  • Bộ Công Thương: Người tiêu dùng không nên mua kit test Covid-19 trôi nổi trên mạng xã hội (04/08/2021-10:26)
  • Chính phủ hỗ trợ giảm giá điện sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 (01/08/2021-13:57)
  • Phát hiện trang web giả mạo cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (30/07/2021-9:52)
  • Bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 (29/07/2021-10:22)