Người làm báo tác nghiệp ở nhà trong thời gian giãn cách: Làm sao cho hiệu quả? (23/08/2021-14:10)
Là phóng viên thường phần lớn đều ra ngoài tác nghiệp, lấy hình ảnh thông tin, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương tiếp tục giãn cách xã hội. Đội ngũ phóng viên làm việc ở nhà chiếm tỷ lệ cao. Cũng trong thời gian này họ đã có cơ hội để chuyển mình, thay đổi với sự sáng tạo hơn.
Phóng viên Bùi Ngọc đang tác nghiệp tại nhà. Theo anh trong thời gian giãn cách vừa là khó khăn những cũng vừa tạo thuận lợi cho phóng viên. Ảnh: NVCC
Phóng viên làm việc ở nhà, ngày qua ngày sẽ gắn với màn hình máy tính, laptop, công việc của họ gắn với Word, Gmail, Google, Facebook, Zalo, Messenger, Skype... các trang báo mạng quen thuộc, mọi thứ lặp đi lặp lại, nếu tận dụng được tất cả những tiện ích này sẽ mang lại hiệu quả cho công việc.
Tuy nhiên nếu không có cách sử dụng một cách khoa học, chuẩn chỉnh, quá nhiều ứng dụng vây quanh cũng sẽ gây tình trạng rối bời không biết nên lựa chọn ứng dụng nào. Hay thậm chí người dùng bị lệ thuộc vào một ứng dụng duy nhất với động tác duy nhất gạt ngón tay để lướt thông tin hình ảnh trên facebook…. Điều này dễ dẫn đến kiệt quệ sức sáng tạo, chai sạn cảm xúc, mệt mỏi khi làm một tư thế quá lâu, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút?
Tích cực hay tiêu cực?
Tác nghiệp ở nhà trong đợt giãn cách mọi thứ phải thay đổi theo hướng khác, nếu như trước đây các vấn đề nóng đều được đi lấy trực tiếp từ cơ sở, ghi nhận, ghi hình, chụp ảnh thực tế, phỏng vấn trực tiếp tại hiện trường.
Nay có thể chuyển sang các bài phỏng vấn qua điện thoại, mail.., video call. Nội dung phỏng vấn cũng thường là các vấn đề gần gũi với đời sống, đặc biệt mang tính thời sự, thường gắn liền với hoạt động chống dịch.
Anh Bùi Ngọc – phóng viên Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật cho biết: Viết tin bài trong đợt giãn cách có một điều thú vị là phần lớn các nhân vật, các chuyên gia, nhà quản lý giờ cũng trả lời qua điện thoại hoặc các hình thức online khác. Họ cũng ngại gặp trực tiếp phóng viên. Điều này vừa là khó khăn những cũng vừa tạo thuận lợi cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Khó khăn là hình ảnh - âm thanh mình cần có thể không được hấp dẫn sinh động như ý muốn. Nhưng phóng viên lại không mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển, chuẩn bị máy móc thiết bị phóng vấn, ghi hình… mà vẫn có thông tin nhanh chóng.
Thực tế nhiều nhà báo chuyển hẳn sang hình thức phỏng vấn online từ khi làn sóng dịch thứ 4 mới xuất hiện. Để mỗi lần phỏng vấn online được tốt hơn, có thể sử dụng cách gửi sãn câu hỏi trước để người trả lời dễ dàng phản hồi thông tin hơn. Để đảm bảo an toàn, nhiều nhà báo chuyển hẳn sang thói quen làm việc qua điện thoại, các mạng xã hội và lấy thông tin giờ không nhất thiết phải đi thực tế.
Làm việc online, phỏng vấn online không có nghĩa là nội dung chất lượng tin bài kém đi mà vẫn tiếp tục bám theo chủ trương đường lối, chỉ đạo, đi theo lĩnh vực (mảng) phóng viên theo dõi. Đặc biệt là vào đợt dịch này những cổng thông tin, website các cơ quan đơn vị phần lớn thời gian này đều được cập nhật thông tin liên tục, từng giờ từng phút.
Nhiều các cơ quan đơn vị đã thay đổi cách cung cấp thông tin cho báo chí, họ chuyển đổi sang hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, trả lời từ xa, lập đường dây nóng… thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Ngoài nguồn tin đó, phóng viên vẫn phát triển thêm các mối quan hệ cũ tiếp tục tận dụng và phát triển, coi đó là nguồn tin tức “cứng”. Và một nguồn tin cũng khá quan trọng là mạng xã hội, tuy nhiên tất cả các tin tức, hình ảnh trên môi trường mạng đều được đội ngũ người làm báo xác minh lại. Chỉ đăng thông tin khi có nguồn tin chắc chắn.
Việc cơ quan xen lẫn việc nhà
Thời gian này một số anh chị phóng viên cho biết, mình cảm thấy thì kiệt sức do vừa làm vừa phải trông con còn nhỏ, cả việc nhà. Công việc làm báo là sáng tác, sử dụng các thiết bị công nghệ, nhưng lại bị mất tập trung bởi các hoạt động của con nhỏ hay các thành viên khác trong gia đình.
Anh Phạm Cường, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thì cho rằng: Nên “sống chung với lũ”, cố gắng sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lý, thời gian nào làm việc thì tập trung làm cho xong để có thể chơi với con, dùng các trò chơi tự sáng tạo ra, tránh dùng điện thoại trước mặt con trẻ. Giai đoạn này nhà báo có thể vừa là phóng viên và vừa thành chuyên gia tâm lý, giải tỏa tâm trạng căng thẳng cho con khi không được đến trường với bạn bè, chơi các trò chơi ở trường.
“Các bé còn nhỏ luôn đòi hỏi bố mẹ sự yêu thương, nên đây cũng là cơ hội vàng để chơi với trẻ, hiểu trẻ hơn. Việc quan tâm chơi với con tạo ra sự hiểu nhau hơn, củng cố thêm tình cảm và chính việc này, thời gian này sẽ giúp những người thường xuyên sáng tác, sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính… giảm tải được áp lực, để duy trì trạng thái ổn định, tránh mỏi mắt, tinh thần được thư giãn hơn. Người làm báo vốn đa di năng, vậy tại sao bạn không thử biến mình thành nhà giáo, người giữ trẻ, chia sẻ việc nhà với các thành viên khác trong gia đình” anh Phạm Cường chia sẻ.
Làm việc ở nhà, thời gian sẽ dài hơn, không quy định 8h có mặt, 5h chiều về. Người làm báo khi làm việc ở nhà cũng nên chia thời gian một cách khoa học, không nên thức khuya, không nên sử dụng, lạm dụng hay tương tác trên mạng xã hội quá nhiều.
Nên nghĩ tới những lực lượng đang ngày đêm chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, họ làm việc suốt trong tâm dịch với môi trường nguy hiểm, trong những bộ đồ nóng bức, đối đầu với bao khó khăn và hiểm nguy. Ngay như cán bộ giáo viên vẫn phải trực để dậy online cho học sinh, ngày chia làm nhiều ca để truyền tải và duy trì kiến thức cho học sinh… xem đó là những tấm gương để biến công việc online mang hiệu quả gấp đôi so với bình thường.
Sắp xếp nhiệm vụ một cách khoa học
Với anh Lê Đạt - báo Kinh tế & Đô thị, trong thời gian này anh vẫn duy trì số lượng tin bài, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên anh cũng hạn chế tối đa việc đi ra ngoài tác nghiệp. Ở bất cứ đâu luôn tuân thủ khuyến cáo "5K".
Anh tận dụng nguồn tin từ các cộng tác viên, thông tin hình ảnh, clip của những cán bộ, chiến sỹ ở địa bàn, lực lượng cán bộ đài truyền thanh cơ sở. Tận dụng các thông tin đăng trên các fanpage của các cơ quan đơn vị mình thường xuyên theo dõi để tìm kiếm thông tin.
Nhiều thông tin hình ảnh đều được trao đổi qua zalo, facebook cho dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên đối với anh bất kể thông tin gì trong mùa dịch đều phải có nhiều ý kiến của nhiều nhân vật, đảm bảo tính khách quan đa chiều, ngoài ý kiến người dân còn là ý kiến của các cấp lãnh đạo ở xã phường, quận huyện, lực lượng công an, ý kiến cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ ở các các chốt kiểm soát dịch.
Anh Đạt cho biết: Trong thời gian này, ngoài việc tuyên truyền để người dân tuyệt đối thực hiện quy định giãn cách của thành phố, thực hiện thông điệp 5K anh cũng đưa các tin bài về tình trạng trộm cắp trong mùa dịch, vấn đề buôn bán ma túy, việc tội phạm lợi dụng thời gian giãn cách xã hội để buôn lậu hàng giả, thiết bị y tế giả…
“Ban đầu khi làm việc ở nhà tôi chưa quen nên thấy khó chịu trong người, dễ cáu gắt, không còn hứng thú với công việc, mặc dù tin bài hàng ngày vẫn phải có, phải cập nhật. Sau đó tôi thay đổi, hoạch định lại thói quen. Tôi đặt đồng hồ trước mặt, cứ 30 phút tôi đứng lên ra khỏi phòng làm việc, hít thở vài hơi sâu, chăm vườn cây vài ba phút để giảm căng thẳng, cho mắt được điều tiết, thư giãn rồi vào làm việc tiếp” anh Đạt chia sẻ thêm.
Làm việc ở nhà, đòi hỏi người phóng viên phải cố gắng nỗ lực, bản lĩnh nhiều hơn, xoay chuyển linh hoạt hơn để đạt hiệu quả công việc. Khi chưa có đề tài mới nên tiếp tục nghiên cứu sâu hơn những đề tài mình đang triển khai để sau khi bình thường trở lại có thể bắt tay ngay vào công việc.
Thời gian giãn cách, đây cũng là cơ hội để người làm báo đào sâu tìm tòi, sưu tầm những thông tin trên môi trường mạng, từ đó mở rộng khai thác. Không nhất thiết đi mới có thông tin. Thời gian này cũng là dịp để người làm báo nâng cao kỹ năng, sẽ phát huy được hiệu quả sau này.
Ngoài ra có thể nghiên cứu các loại hình báo chí khác thay vì chỉ làm ở một loại. Như người làm báo mạng, báo in có thể làm thêm truyền hình, chỉnh sửa ảnh, học cách làm long-form, e-magazine, megastory…
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com