Người dân Hàn Quốc xem TV phát bản tin về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21 tháng 4 năm 2020 . Ông Kim Jong Un từng là mục tiêu của tin giả khi nhiều thông tin về sức khỏe của ông từng được đăng tải trên nhiều kênh truyền thông Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Bất chấp gặp không ít sự phản đối, Ủy ban tư pháp và lập pháp của Quốc hội đã thông qua dự luật hôm thứ Tư (25/8), rào cản cuối cùng trước khi Tổng thống ký để dự luật chính thức có hiệu lực.
Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp tin tức phát triển mạnh, xếp hạng tương đối cao trên bảng tự do truyền thông thế giới, nhưng nước này đã phải vật lộn với sự lan truyền của thông tin sai lệch và bắt nạt trên mạng trong những năm gần đây.
Việc sửa đổi Đạo luật về Trọng tài báo chí và Biện pháp khắc phục hậu quả cho phép tòa án yêu cầu các khoản bồi thường thiệt hại lớn hơn gấp 5 lần so với mức hiện tại, đối với việc xuất bản các thông tin sai sự thật hoặc bịa đặt được cho là vi phạm quyền của nguyên đơn hoặc gây ra "đau khổ về tinh thần".
“Những thiệt hại và hiệu ứng gợn sóng gây ra bởi các thông tin truyền thông sai sự thật là rất lớn với quy mô rộng, gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho các cá nhân”, Đảng Dân chủ Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Đạo Luật về Trọng tài báo chí cũng sẽ yêu cầu các cơ quan truyền thông, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ tin tức internet, đưa ra các bản đính chính đối với những tin tức sai lệch hoặc bịa đặt có biểu hiện "cố ý" hoặc "bất cẩn một cách thô thiển".
Hàn Quốc, quốc gia xếp thứ 42 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, gần đây đã phải đối mặt với sự bùng nổ nạn thông tin sai lệch, tin giả và tình trạng bắt nạt trên mạng.
Bắt nạt trên mạng là hành vi sử dụng các kênh truyền thông xã hội, nền tảng tin nhắn, nền tảng chơi game và điện thoại di động, để đưa ra các thông tin, thông điệp lặp đi lặp lại nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.
Vụ tự sát của hai nghệ sĩ K-pop vào năm 2019 khiến dư luận chú ý đến các cuộc tấn công cá nhân và bắt nạt trên mạng đối với những ngôi sao trẻ dễ bị tổn thương.
Trong một cuộc thăm dò của WinGKorea Consulting được công bố vào thứ Ba (24/8), dự luật đã nhận được sự ủng hộ của 46,4% trong số 1.024 người được hỏi, trong khi 41,6% nói rằng nó sẽ ngăn chặn tự do báo chí.
Hiện tại, các chính phủ và công ty trên toàn thế giới đang ngày càng lo lắng về sự lan truyền của thông tin sai sự thật trên mạng và tác động của nó. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cũng bày tỏ lo ngại việc đưa vào luật để hạn chế tình trạng này có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác.
Theo Chấn Phong/Báo NB&CL