Tính hữu dụng của báo chí dữ liệu và đồ họa trong thời kỳ Covid-19 (03/09/2021-8:49)
Dịch Covid-19 bùng phát, báo chí dữ liệu thể hiện rõ nét hơn những khía cạnh vượt trội so với các loại hình báo chí truyền thống. Chỉ cần “click” chuột vào một điểm bất kỳ trên bản đồ, tất cả dữ liệu về “dòng chảy” của đại dịch toàn cầu này sẽ hiện ra sinh động.
“Bản đồ thế giới Coronavirus” được cập nhật hằng giờ của The New York Times. Nguồn: The New York Times
Vào cuối tháng 1/2020, Mitch Smith - phóng viên tờ The New York Times ở Chicago được yêu cầu thu thập thông tin về từng trường hợp riêng lẻ của Mỹ liên quan Covid-19. Các thông tin bước đầu được nhập bằng tay, báo cáo tỉ mỉ về số tuổi, vị trí, giới tính và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Song, vào giữa tháng 3/2020, kèm theo sự bùng nổ của Covid-19 là áp lực về lượng thông tin, số liệu khổng lồ, khiến các phóng viên không đủ thời gian để báo cáo và nhập dữ liệu theo cách thủ công.
Có bao nhiêu ca dương tính mỗi ngày; tổng số người bệnh đến nay là bao nhiêu; tỷ lệ tiêm vaccine thế nào… là những con số được nhiều người quan tâm khi đại dịch bùng phát.
Nếu như trước đây độc giả phải tiếp cận nhiều bài báo để nắm bắt lượng thông tin này, thì nay họ chỉ cần vào “Bản đồ thế giới Coronavirus” được cập nhật hằng giờ của The New York Times.
“Click” chuột vào một điểm bất kỳ trên bản đồ, tất cả dữ liệu về “dòng chảy” Covid-19 sẽ hiện ra sinh động. Đây là cách thức nén dữ liệu giúp bạn đọc tìm thấy những thông tin theo nhu cầu quan tâm, thay vì tất cả các dữ liệu được dàn trải trên mặt báo.
Thành quả tổ chức thông tin này được đóng góp bởi hơn 100 nhà báo và kỹ sư từ khắp tổ chức, là thành phần quan trọng giúp The New York Times giành được Giải thưởng Pulitzer năm 2021 về dịch vụ công cộng.
Những gì mà đội ngũ của The New York Times thực hiện là quá trình đầy đủ để sản xuất báo chí dữ liệu (data journalism).
Báo chí dữ liệu đã xuất hiện từ những năm 1970, song được nhắc đến nhiều hơn trong thập niên qua, khi công nghệ kỹ thuật số và mạng Internet phát triển. Đây là sự kết hợp giữa khả năng “ngửi tin” của một phóng viên truyền thống và năng lực “tiêu hóa”, diễn giải thông tin bằng các phương tiện kỹ thuật số của một nhà thống kê.
Báo chí dữ liệu là sự kết hợp giữa khả năng “ngửi tin” của một phóng viên truyền thống và năng lực “tiêu hoá”, diễn giải thông tin bằng các phương tiện kỹ thuật số của một nhà thống kê
Trên Nikkei Asia - hãng tin kinh tế uy tín của Nhật, ông Steve Coll - Hiệu trưởng Khoa Báo chí sau Ðại học của Ðại học Columbia nhận định đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng báo chí dữ liệu và chứng tỏ tầm quan trọng của nó đối với tương lai của ngành báo chí.
Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu cũng chỉ ra: “Ðây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng của chúng ta, vì vậy việc trang bị các công cụ này rất quan trọng”.
Thực tế, báo chí dữ liệu đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, các bài báo về chính sách với các nhóm dân số… nhưng khi Covid-19 bùng phát, báo chí dữ liệu mới thể hiện được đầy đủ những khía cạnh vượt trội so với các loại hình báo chí truyền thống.
Các hãng thông tấn lớn như: Bloomberg, Nikkei Asia, The Guardian, BBC… cũng đã vận dụng nhuần nhuyễn báo chí dữ liệu trong từng tác phẩm. Họ hình ảnh hóa (visualisation) dữ liệu bằng các biểu đồ, infographic…
Các biểu đồ đường giúp người xem dễ dàng so sánh diễn biến Covid-19 trong các đợt bùng phát, ca nhiễm ở các địa phương, nhóm tuổi người mắc bệnh... Biểu đồ cột thể hiện trực quan mức độ lây nhiễm của các chủng virus, số ca dương tính mỗi ngày… Các bản đồ với từng khu vực có màu sắc đậm nhạt thể hiện các điểm nóng của dịch bệnh hay độ phủ của vaccine…
Tại Việt Nam, xu hướng báo chí dữ liệu cũng đã nhen nhóm và phát triển ở một số báo điện tử hoặc trang tin điện tử. Mỗi tờ báo hiện đang đối mặt với lượng lớn dữ liệu từ nhiều tổ chức cung cấp, cập nhật thường xuyên về sự lây lan của Covid-19 khi cuộc chiến chống dịch ngày càng cam go. Các ca nhiễm mới mỗi ngày không còn dừng lại ở hàng đơn vị, chục hay trăm mà lên đến hàng ngàn và tăng theo cấp số nhân.
Trong khi đó, nhu cầu của độc giả lại không muốn dành quá nhiều thời gian chỉ để tiếp nhận một thông tin mà “càng nhiều càng tốt”. Các cơ quan báo chí buộc phải chuyển mình.
Thanh Niên Online, VnExpress, Zing... là những tờ báo, trang tin áp dụng báo chí dữ liệu mạnh mẽ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này. Bảng dữ liệu được cập nhật liên tục đặt ngay trang chủ hay các biểu đồ được chèn linh hoạt trong các bài viết… giúp độc giả dễ dàng nắm bắt thông tin thay vì các tin bài truyền thống “quá nhiều chữ”.
Ông Trần Việt Hưng - Tổng Thư ký tòa soạn Thanh Niên Online đánh giá, dù mới manh nha nhưng báo chí dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong đại dịch Covid-19.
Ðể xây dựng báo chí dữ liệu, trước tiên phải kể đến việc đầu tư về mặt nhân sự. Nhiều tòa soạn đã cử một số phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm tham dự các lớp đào tạo về báo chí dữ liệu ở trong và ngoài nước hoặc thuê người đã được đào tạo.
Vấn đề đặt ra tiếp đó là về nguồn dữ liệu phải chuẩn xác và kịp thời.
Không chỉ là sử dụng các nền tảng kỹ thuật website, các ứng dụng về dữ liệu như Google sheet, Flourish.studio… đòi hỏi người làm báo phải biết cần làm gì với data, hạ tầng mình có được và sáng tạo trên nguồn tài nguyên đó.
Cho rằng đào tạo nội bộ là việc bắt buộc phải làm, song ông Hưng đánh giá kết quả mà nó mang lại không như mong muốn. Nhiều tòa soạn có nhân lực về báo chí nhưng không có nhân lực về công nghệ, ngành xử lý dữ liệu. Ngược lại, cũng sẽ hạn chế nếu các cơ quan thông tấn tuyển được nhân lực về công nghệ nhưng lại không am hiểu về báo chí.
“Việc thu hút nhân lực bên ngoài vào rất khó. Rất hiếm nhân lực trong lĩnh vực này làm việc ở ngành báo, đa phần họ làm việc ở các công ty, doanh nghiệp về công nghệ với mức lương cao hơn rất nhiều”, Tổng Thư ký tòa soạn Thanh Niên Online nêu.
Cùng với đó, ông cho rằng việc tiếp cận nguồn dữ liệu cũng đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí Việt Nam hiện tại. Các thông tin về Covid-19, phóng viên thường dựa trên cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế, nhưng những dữ liệu này lại chưa chính xác và cập nhật kịp thời.
“Trước đó có giai đoạn ngành y tế mỗi 10 ngày mới công bố số lượng người tử vong, dẫn đến tình trạng khi thể hiện lên biểu đồ đường những ngày trước là 0 thì tự dưng vọt lên cao trông rất vô lý. Ngoài ra, số tăng của các tỉnh thành cũng rất khó để căn chỉnh. Bởi, sau khi trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh công bố, Bộ Y tế sẽ lọc lại, thẩm định khiến xảy ra độ trễ giữa 2 lần công bố”, ông Hưng phân tích.
Tổng Thư ký tòa soạn Thanh Niên Online cho rằng, để thích nghi với hiện tại, các tòa soạn nên tận dụng nguồn nhân lực hiện có và không ngừng đổi mới, sáng tạo thêm.
“Hiện, Thanh Niên dựa theo nguồn dữ liệu công khai của Chính phủ rồi cố gắng thiết kế sao cho phù hợp với bạn đọc của mình, cố gắng nảy lên những điểm nhấn quan trọng. Không có gì quá khó khăn, nhưng vẫn đòi hỏi nhân lực có nhiều kỹ năng về báo chí, am hiểu người đọc muốn gì”, ông Hưng nói.
Bên cạnh những nỗ lực phục vụ độc giả, ông Hưng đánh giá việc thực hiện báo chí dữ liệu đồng thời tác động tích cực đến bản thân các nhà báo, khiến họ phải ý thức hơn về việc xác minh, truy vấn, phân tích nguồn dữ liệu…
Nó còn tác động tích cực đến Nhà nước khi phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc công bố dữ liệu trong việc minh bạch hóa thông tin.
“Tuy mới thôi nhưng chắc chắn sẽ đạt được thành tựu”, ông Hưng lạc quan nhận định về tương lai của báo chí dữ liệu Việt Nam.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com