Nhà báo Trần Mai Anh.
“Hành trình chúng ta cùng nhau đi cứu những nhịp thở, mỗi ngày một gấp gáp hơn khi vẫn còn nhiều những nhịp thở ngày một yếu ớt. Thật sự, đường đua sinh tử này hối thúc quá, một khi đã tham gia vào rồi thì bất cứ ai, từ người trao tặng, chia sẻ, chung tay rồi bệnh viện, và nhất là những người bệnh không ai đầu hàng, từ bỏ cuộc đua cho tới khi qua được vạch đích hồi sinh. Khi mạng sống đồng bào vẫn đang khắc khoải, chắc chắn chúng ta chưa dừng lại...” – nhà báo Trần Mai Anh nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận.
Hàng nghìn Hạt Vừng khắp cả nước đang tìm đến và gom góp
+ Khi Sài Gòn bắt đầu lâm bệnh nặng, khi “thở thì không thể chờ”, nhóm Hạt Vừng đã lên tiếng kêu gọi cho Chiến dịch Ủng hộ máy thở cho Sài Gòn... như thế nào, thưa chị?
- Thực ra ban đầu khi mà chỉ mới manh nha cảm nhận là Sài Gòn cần giúp sức, nhóm chúng tôi cũng chỉ nghĩ là mình sẽ lên chiến dịch khoảng 3 đến 5 chiếc máy thở. Lúc đấy nhóm gồm 5 anh em thành lập, nói với nhau rằng thôi thì mình sẽ đăng lên với chiến dịch 7 máy thở, cố gắng quyên góp đủ tiền để mua được 7 cái máy thở tặng cho Sài Gòn cũng đã là quý lắm rồi. Vậy mà chỉ khoảng mười mấy tiếng khi đưa thông tin ra thì số tiền đã đủ mua được 10 máy thở. Và cứ như thế, đến bây giờ hàng nghìn Hạt Vừng khắp cả nước đang tìm đến và gom góp, chung tay với nhau.
Không chỉ chung tay góp tiền, họ còn đi kêu gọi thêm từ các bạn bè xung quanh nên nhiều Hạt vừng đã trở thành những người “thu gom vừng” ở nhiều nơi chuyển đến Quỹ. Góp được bao nhiêu tiền thì chúng tôi mua ngần đấy máy và cứ thế làm việc vòng quanh các bệnh viện. Tiền gửi về đến đâu thì chúng tôi cấp tốc mua máy ngay đến đấy, với cách thức làm như vậy sẽ trao cụ thể được cho bệnh viện các loại máy đang cần. Dần dần nhiều bệnh viện biết thông tin và bắt đầu tìm đến nhóm Hạt Vừng kêu cứu, số lượng lên đến vài chục bệnh viện không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà ở các tỉnh thành khác cũng tìm đến nhóm.
+ “Mỗi người đều là một hạt vừng cổ tích mở ra cánh cửa yêu thương”! Nhưng làm thế nào để hiểu về máy thở, để hiểu được nhu cầu cần thiết ở bệnh viện khi chúng ta... không phải là bác sĩ, thưa chị?
- Mỗi một con người bình thường như mình thì không biết gì về ngành y chứ chưa nói đến chuyên môn về máy thở hay điều trị Covid-19 thì gần như không có khái niệm.
Để giúp một ai đấy không chỉ là đứng ra kêu gọi tiền nữa mà phải dành rất nhiều thời gian tìm hiểu xem có những loại máy thở nào, cần loại nào, điều trị thở đến đâu, mức độ, cấp bậc như thế nào. Rồi lại phải tìm được những nguồn cung, nơi cung cấp các loại máy, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, giá thành,...
Quan trọng hơn nữa là phải tìm hiểu từng bệnh viện, hỏi xem những nơi nào đang thực sự cần gì, họ đang có bao nhiêu máy thở, có bao nhiêu bệnh nhân nặng đang cần máy và cần máy loại nào. Cũng chính bởi sự cẩn thận, tỉ mẩn này mà chúng tôi càng trăn trở bởi có những bệnh viện chỉ có mỗi một cái máy thở trong khi số bệnh nhân nặng nhập viện nhiều...
Khi tiếp cận thực tế, chúng tôi cũng thấy rằng, nếu chỉ trao mỗi máy thở thì cũng chưa phải là tốt nhất bởi vì mỗi một máy thở chỉ được dùng cho một bệnh nhân trong một thời kỳ nhất định, thiết bị, vật tư y tế sẽ phải thay. Những bộ vật tư y tế khi tìm hiểu ra thì lại vô cùng thiết thực chứ không đơn thuần chỉ là một cái ống dẫn thở.
Chính vì vậy, với mỗi một máy tặng bệnh viện bao giờ chúng tôi cũng phải kèm theo hai bộ vật tư y tế dự trù để đảm bảo rằng mỗi một đồng tiền gom góp của mọi người, mỗi một cái máy thở được cung cấp đến bệnh nhân đều phải được hoạt động tối đa công suất, không ngừng nghỉ bất cứ một giây phút nào.
Nhóm Hạt Vừng trao máy thở tại Bệnh viện Quân y miền Ðông.
Hành trình chúng ta cùng nhau đi cứu những nhịp thở mỗi ngày một gấp gáp hơn
+ “Hiệu tạp hóa Tình yêu” mà Quỹ mở ra sau một thời gian hoạt động, tôi rất ấn tượng. Ý tưởng này khởi phát từ đâu, đã đến lúc quyên góp bằng tiền không phải là cách duy nhất và chúng ta cần có nhiều cách để tìm kiếm sự giúp đỡ?
- Cũng có thể nói như vậy! Khi ai đó không thể quyên góp bằng tiền được nữa thì có thể có nhiều cách khác nhau như tặng những món đồ mà người ta cho là giá trị đối với bản thân, giá trị không chỉ đo bằng tiền mà giá trị ấy còn là sự gắn bó, là kỷ niệm... Những kỷ vật của mỗi con người, mỗi gia đình được mang ra để trao tặng. Nếu như chỉ đấu giá những món đồ có giá trị và mua với giá hời thì nó sẽ chỉ dừng lại bằng việc mua và bán.
Nhưng ở “Hiệu tạp hóa tình yêu”, người ta trao đi những món kỷ vật gắn với kỷ niệm của mỗi một con người với mong muốn đổi lại những nhịp thở cho Sài Gòn, cho miền Nam thân yêu, thì đó là tình yêu.
Cuộc đấu giá tại “Hiệu tạp hóa tình yêu” lần 1vừa rồi thực sự khiến chúng tôi xúc động. Chỉ chưa đầy 40 tiếng sau đêm live “Đổi kỷ vật lấy nhịp thở”, khi tiền đấu giá có những khoản đang trên đường về dần tới tài khoản, 50 máy monitor, trị giá 1,6 tỷ đã kịp chốt hợp đồng, di chuyển qua các chốt kiểm soát từ Sài Gòn tới được Bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid Bình Dương, và để rồi tới cả bệnh viện các tuyến huyện Bình Dương.
Cùng lúc 12 máy HFNC, trị giá gần 800 triệu tặng Bệnh viện dã chiến số 13 TP.HCM cũng đã được đặt hàng, và 6 máy đã được lắp đặt ngay tại Viện, 6 máy cần chờ hàng về và sẽ lắp sau vài ngày...
Thêm vào đó, sau buổi đấu giá này, vật phẩm, quà tặng của mọi người đổ về rất nhiều. Thế nên chúng tôi lại đang gấp rút chuẩn bị thêm một livestream nữa vào tối thứ bảy này với số lượng quà tặng giá trị và người tham gia đăng ký cũng mong muốn được đóng góp nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng rằng lần tới này sẽ mang lại được nhiều máy thở, nhiều thiết bị y tế hơn nữa.
Nhóm Hạt Vừng trao máy thở tại Bệnh viện Thủ Đức.
+ Dịch bệnh vẫn còn đang hết sức phức tạp, có lẽ sẽ là một hành trình chiến đấu không mệt mỏi nữa... Chị và các đồng nghiệp sẽ có nhiều khó khăn phía trước, có bao giờ chị cảm thấy nản lòng, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phải dừng lại hay đi tiếp?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đang làm từ thiện hay ban phát gì cho ai. Ngược lại, tôi thấy hành trình mà mình đang đi là vô cùng thú vị, không hề vất vả vì đó là những điều tôi thích và lựa chọn... Ngay như Quỹ Thiện Nhân và những dự án ý nghĩa do tôi thực hiện vẫn đang đỡ đầu nhiều em và bọn trẻ cũng đang phải đến trường.
Trong suốt hai năm dịch bệnh, tôi vẫn phải lo khám bệnh, phẫu thuật khẩn cho một số em, hàng nghìn đứa trẻ trong hành trình Thiện Nhân vẫn đang được chăm sóc. Và hiện nay, tôi đang bắt đầu khởi động một Dự án cộng đồng của Quỹ Thiện Nhân để giúp đỡ trẻ em. Đó là dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp cho con người tiếp cận được với sự giúp đỡ tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp này.
Thực ra, cá nhân tôi hay hành trình này không chỉ đơn giản là một khoản tiền nữa mà nó đến bằng tình cảm, bằng sự đau đáu, niềm yêu thương của mọi người. Hành trình chúng ta cùng nhau đi cứu những nhịp thở mỗi ngày một gấp gáp hơn khi vẫn còn nhiều những nhịp thở ngày một yếu ớt hơn.
Thật sự, đường đua sinh tử này hối thúc quá, một khi đã tham gia vào rồi thì bất cứ ai, từ người trao tặng, chia sẻ, chung tay rồi bệnh viện, và nhất là những người bệnh không ai đầu hàng bỏ cuộc đua cho tới khi qua được vạch đích hồi sinh. Khi mạng sống đồng bào vẫn đang khắc khoải, chắc chắn chúng ta chưa dừng lại...
+ Xin trân trọng cảm ơn chị!
Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo NB&CL
https://congluan.vn/khi-mang-song-dong-bao-van-dang-khac-khoai-chac-chan-chung-ta-chua-dung-lai-post152448.html