Nhà báo Nguyễn Ly - Ðài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trong lần tác nghiệp tại Bệnh viện Hùng Vương - một trong những bệnh viện sản phụ khoa lớn nhất TP.HCM.
Nữ nhà báo là một trong số những phóng viên tác nghiệp bền bỉ về dịch bệnh suốt từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở TP.HCM cho đến nay. Chị luôn tâm niệm phải gắng hết sức vào guồng quay của công việc, để dòng chảy thông tin không bao giờ ngưng nghỉ.
Hồi hộp nín thở chờ kết quả test
Nhà báo Nguyễn Ly - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC - từng tham gia đưa tin và phỏng vấn các bác sỹ tại Bệnh viện Chợ Rẫy khi hai bệnh nhân (quốc tịch Trung Quốc) nhiễm virus Corona đầu tiên ở Việt Nam, tháng 1 năm 2020. Và lượng bản tin, phóng sự được sản xuất kéo dài suốt hành trình đó đến tận bây giờ. Có thể nói phóng viên theo dõi y tế luôn cực hơn so với phóng viên khác, vì phải đi và chiến đấu với kẻ thù vô hình, luôn thực hiện những quy định chặt chẽ của ngành y tế. Thời điểm chị đưa tin về hai bệnh nhân Trung Quốc này trùng với dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo an toàn cho người thân chị không về nhà ăn Tết mà thực hiện tự cách ly.
Nhớ về lần đầu tác nghiệp liên quan đến dịch bệnh virus Corona, nhà báo Nguyễn Ly cho biết: “Thời điểm đó, mọi thứ đối với tôi đều an toàn hơn, chỉ khi tôi bước vào khu điều trị F0 mới cảm thấy bất ổn mặc dù có đầy đủ biện pháp phòng bệnh. Còn bây giờ, với sự nguy hiểm của biến chủng mới Delta, tất cả phóng viên y tế đi ra tác nghiệp hầu như đều phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm”.
Dẫu vậy, các bản tin thời sự về tình hình dịch bệnh trên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vẫn luôn cập nhật theo từng hơi thở cuộc sống. Đó là những bản tin với hình ảnh chân thực, khách quan đa chiều về tình hình dịch bệnh. Xuyên suốt quãng thời gian đó là những ngày làm việc không ngơi nghỉ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Bản thân nhà báo Nguyễn Ly có ngày phải làm việc liên tục bắt đầu từ 8h cho đến 21h, đó là các cuộc họp khẩn chỉ đạo của bộ, ngành, thành phố. Có những ngày ở Trung tâm Báo chí Thành phố đến 23h đêm. Trong suốt năm 2020 và cho đến nay chị đã nhiều lần vào khu phong tỏa, khu cách ly, thậm chí là khu điều trị bệnh nhân F0. Giữa khoảng thời gian đó chị đã có khoảng 6 lần đi cách ly tập trung.
Phóng viên y tế khả năng bị lây nhiễm luôn cao, vì thế việc xét nghiệm PCR và test nhanh Covid-19 đối với chị cũng diễn ra thường xuyên hơn và khó có thể nhớ bao nhiều lần. Vậy nên hình ảnh y, bác sỹ đưa công cụ vào mũi, họng để lấy mẫu xét nghiệm tưởng chừng như rất khó chịu với nhiều người, nhưng đối với chị đó như một kỹ năng, một thủ thuật đơn giản. Thậm chí chị tự mua các bộ test để kiểm tra sức khỏe ở nhà. Nhà báo Nguyễn Ly cho biết: “Mỗi lần chờ kết quả là mỗi lần nín thở hồi hộp, vì với phóng viên chúng tôi khi bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp với rất nhiều người ở bên ngoài, đó là đồng nghiệp cùng ê-kíp, đồng nghiệp các báo, những nhân vật phỏng vấn… và rất khó nhớ hết mình đã đi những đâu vào thời gian nào, đó là điều chúng tôi lo lắng nhất”.
Sợ nhất là ảnh hưởng tới những người xung quanh
Cho đến nay người dân đều đã có ý thức về phòng chống dịch Covid-19, biết cách làm sao để phòng tránh, họ hiểu rõ để không hoang mang lo lắng mà nghiêm túc phòng bệnh. Để có kết quả đó là nhờ đội ngũ người làm báo đi vào tâm dịch để truyền tải thông tin, họ chính là người lính xung kích trên mặt trận truyền thông. Người phóng viên luôn biết khi vào khu vực đó là khả năng bị phơi nhiễm cao, nhưng tính chất công việc bắt buộc phải vậy vì không vào sẽ không có hình ảnh, tin tức thời sự cho ngày hôm đó.
Đối với người làm truyền hình, công việc đòi hỏi tính tập thể, mỗi thành viên trong ê-kíp đều biết giữ an toàn cho nhau, không ai tự ý tiếp xúc với người khác ở bên ngoài. Hoàn thành công việc là trở về nhà. Vì họ tự ý thức được rằng, làm nghề này cũng sẽ dễ bị lây và để lây cho người khác là điều hoàn toàn không nên chút nào. Không phải vì đã tiêm hai mũi mà chủ quan, vì còn người chưa tiêm hay mới tiêm một mũi. Không chỉ vậy, làm phóng viên y tế còn luôn có nỗi lo thường trực, không chỉ đảm bảo các bản tin được hoàn thiện nhanh nhất, mà nỗi lo bản thân bị lây nhiễm khi nào không hay. Nhà báo Nguyễn Ly nhớ lại: “Lần tôi đi cùng đoàn công tác Bộ Y tế vào hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp về đánh giá những khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở đây. Xong việc hôm đó tôi về nhà và hôm sau bị sốt, tôi đã rất lo, trong đầu luôn có câu hỏi tại sao mình có thể nhiễm bệnh nhanh như vậy, hôm trước vào bệnh viện hôm sau đã bị?”.
Nhà báo Nguyễn Ly cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại một bệnh viện.
Đối với chị nỗi lo không phải mình bị nhiễm mà sợ sẽ ảnh hưởng tới những người khác, bản thân chị ngay từ khi đi làm phóng viên y tế đã xác định sẽ có lúc gặp phải tình huống như vậy. Nhất là trong thời gian số ca tăng từng ngày, tốc độ lây nhiễn nhanh, dương tính sẽ khó tránh khỏi. Rất may sau đó nhiều kết quả xét nghiệm của chị tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đều cho kết quả âm tính.
Vừa là trách nhiệm, vừa là máu nghề
Như một thói quen, trong hai năm nay làm phóng viên đưa tin về dịch, Nguyễn Ly không đi ra ngoài để giao lưu với bạn bè hay đến thăm họ hàng. Mọi thứ đều chỉ qua chiếc điện thoại, rất may chị vẫn có những người bạn là phóng viên y tế, cùng nhau đồng hành trong suốt hành trình, chia sẻ thông tin trong quá trình tác nghiệp hay đơn giản là gói đồ ăn, là chai nước uống chia sẻ với nhau, đó như lời động viên để cùng vượt qua khó khăn.
“Đi đến hiện trường tác nghiệp trở thành một thói quen, đó vừa là trách nhiệm, vừa là máu nghề. Khi ở nhà mình biết đi vào đó sẽ nguy hiểm, nhưng khi tới hiện trường, tới các bệnh viện tôi chỉ quan tâm mình có thể làm gì để xây dựng phóng sự, bản tin như thế nào cho tốt. Xong hết mọi việc, trở về nhà một mình mới có cảm giác sợ. Cũng may mắn là ông trời thương nên giờ sức khỏe vẫn ổn” - Nguyễn Ly chia sẻ.
Biết rằng cuộc chiến này còn dài, ngoài vấn đề dồn tâm sức cho công việc, chị cũng thường xuyên lựa chọn cho mình chế độ dinh dưỡng tốt nhất để tăng sức đề kháng. Ngoài các hoa quả, chị bổ sung các vitamin cần thiết. Đặc biệt mỗi ngày đi làm về dù còn rất mệt nhưng chị vẫn dành 30 phút cho việc tập luyện, nhất là những bài tập về hít thở, tăng khả năng hoạt động của phổi, hệ hô hấp.
Vì chưa có gia đình, không vướng bận nhiều nên Nguyễn Ly luôn tâm niệm sẽ tranh thủ làm việc nhiều hơn, khi nhớ nhà chị gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, kể về công việc của mình hôm nay ra sao và mọi người trong gia đình cũng động viên, chia sẻ chị cố gắng đảm bảo an toàn, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhớ về hành trình đưa tin về dịch bệnh, nhà báo Nguyễn Ly chia sẻ rằng, đó là lần chị vào khu vực bệnh nhân bị nặng mà thấy cuộc sống này thật mong manh, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như sợi tơ. Có trường hợp, khi chị vào ghi nhận ở phòng này, vừa đi sang một phòng khác được vài phút thì thấy các bác sỹ tập trung rất đông ở phòng đó. Họ hô hấp gấp rút và dùng nhiều cách để cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Lại đúng là bệnh nhân chị vừa quan sát nên thực sự lúc đó chân tay chị bủn rủn, sững sờ... Dịch bệnh xảy đến quá khốc liệt, quá tàn nhẫn với mọi người.
“Đây là những ngày tháng mà đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại hiện trường như chúng tôi sẽ không bao giờ quên, vì những hình ảnh mình đã chứng kiến. Ròng rã nhiều tháng các bác sĩ, điều dưỡng phải cố hết sức để giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Họ có khi cả ngày không ăn, mặc trên mình đồ bảo hộ kín mít, tranh thủ từng giờ, từng phút...” - nhà báo Nguyễn Ly tâm sự.
Theo Nguyên Phong/Báo NB&CL
https://congluan.vn/xong-het-moi-viec-tro-ve-nha-mot-minh-moi-co-cam-giac-so-post152444.html