Nghi thức cài bông hồng lên áo trong lễ vu lan.
Họ đốt, và tôi cũng từng đốt rất nhiều vàng mã.
Đốt và đốt, chỉ thế thôi, bởi tôi thấy hàng xóm nhà tôi đốt, còn hàng xóm nhà tôi thì lại làm theo những người hàng xóm của họ. Một hiệu ứng dây chuyền, nặng tính cơ học.
Tháng bảy không đốt gì cho người âm thì chẳng phải là người dương trần biết nghĩ, thấy có lỗi với tổ tiên. Đó là một quan niệm.
Người ta nghĩ thế, và người ta gần như làm thế.
Đốt vàng mã biết rằng là nghi thức khó thiếu. Thế nhưng việc đốt phải là tự nguyện, đi đôi với một sự ăn năn, trân trọng, chứ không hẳn chỉ là suy nghĩ đốt cho người âm vui, hay đốt để cầu mong ông bà no đủ phù hộ trở lại cho con cháu kiếm được nhiều tiền hơn.
Người còn mẹ sẽ được cài lên ngực áo một bông hồng đỏ, và lấy đó làm may mắn,
có trách nhiệm phụng dưỡng
Tôi biết một người con có mẹ già liệt dường, lúc đầu anh chăm lắm bởi sợ người ta chê bất hiếu. Nhưng được vài tháng thì sức kiên nhẫn của người con vơi cạn, và anh chẳng còn bận tâm xem thiên hạ nghĩ gì.
Người mẹ của anh sống trong vật vã đau đớn, rồi ra đi trong dòng nước mắt của người con. Dòng nước mắt hiếu thuận cho thiên hạ nhìn!
Câu chuyện về sự báo hiếu tương tự như thế có ở rất nhiều nơi, thậm chí được phơi lên báo và ở nhiều trang mạng xã hội.
Bông hồng trắng cài lên áo thể hiện sự không quên mẹ dù mẹ đã mất
Báo chí và mạng xã hội cũng là nơi phản ánh nhiều nhất sự bất hiếu của con người. Thậm chí có người vì những mục đích khác nhau đã mãi mê đi chăm lo bố mẹ người khác để mưu cầu danh lợi, còn bố mẹ mình thì mặc kệ, thậm chí gửi vào trại dưỡng lão...
Có lần cộng đồng Facebook thi nhau chia sẻ hình ảnh kèm lời kêu gọi qua đường Láng (Hà Nội) uống chè chén ủng hộ một bà cụ già ở Thanh Hóa bị con cái hắt hủi phải ra thủ đô bán chè vặt và sống trong lay lắt bần hàn.
Những câu chuyện tương tự nhiều vô kể, và hình ảnh về những cửa hàng vàng mã ùn ứ khách, tranh giành nhau mua, đua nhau chọn nào mô hình nhà lầu, xe hơi, tiện nghi trong tiết vu lan cũng nhiều vô kể xiết.
Điều đó chưa hẳn đã có sự liên kết gì với nhau, nhưng chí ít cũng gợi lên những tâm trạng, sự nghịch cảnh nào đó.
Báo hiếu là điều cần, nhưng cốt ở tâm, đôi khi chỉ là một việc làm rất nhỏ.
Có lần tôi đến chùa vào rằm tháng bảy để khấn nguyện cho gia tiên thêm phần siêu thoát, đã được nhà chùa hỏi gia cảnh để cài lên áo một bông hồng.
Việc làm đó khiến tôi nhớ lại lời dạy của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh trong ấn phẩm "Bồng hồng cài áo" xuất bản năm 1962 sau khi ông tiếp thu nghi thức này trong "Ngày của mẹ" tại Nhật Bản - một đất nước mà văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Lời dạy rằng: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Tính triết lý, nhân văn, sự hiếu thuận đầy đủ cả ở đó; và đây là một nghi thức không nhất thiết chỉ dành riêng cho Phật tử, mà cho tất cả những ai một lòng hướng thiện, trân quý đấng sinh thành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những quy định về việc cấm đốt vàng mã ở nơi linh thiêng, nhất là chốn thiền tu.
Việc đốt vàng mã quá đà cũng đã được khuyến cáo không nên lạm dụng ở nhiều khu dân cư văn hóa. Thế nhưng nó vẫn được đốt bởi những lý do khác nhau, trong đó có cả những người con suốt năm chạy theo để làm vui lòng cha mẹ người khác, những người đã bất hiếu khiến cha mẹ buồn đau phải ra đi.
Vàng mã và bông hồng cài áo trong mùa vu lan ít nhiều đều khiến người ta liên hệ đến việc báo hiếu, nhưng sự chọn lựa của mỗi người lại khác nhau bởi suy nghĩ, nhận thức khác nhau.
Lam Vũ