Kỹ năng kiểm chứng nguồn tin trên mạng xã hội (09/09/2021-9:16)
Để giúp người dùng mạng xã hội nhận biết thông tin nào là chính thống và không chính thống, nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, chia sẻ một số kỹ năng cơ bản nhất để nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang tập huấn viết tin bài trên báo mạng cho cán bộ Bạn Dân tộc tỉnh Kiên Giang tháng 4/2021. Ảnh: Nghĩa Hoàn
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình yên của nhân dân, nhất là giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Những đối tượng tung tin giả dù tinh vi đến cỡ nào cũng bị phát hiện, trong thực tế đã có rất nhiều Facebooker đã bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, có không ít người dùng mạng xã hội, do chủ quan hoặc thiếu kỹ năng kiểm chứng nguồn tin nên vội vàng tương tác, như: thích (like), bình luận (Comment), chia sẻ (Share) dẫn đến vi phạm pháp luật và cũng bị cơ quan chức năng xử lý.
Thế nào là tin giả, tin sai sự thật?
Trước hết, người dùng mạng xã hội cần hiểu thế nào là tin giả, tin sai sự thật? Theo phân loại của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thì tin giả, tin sai sự thật được khái niệm như sau:
+“Tin giả: Tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.
+Tin sai sự thật: Tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật hoặc tin không có sở cứ được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng”.
Để nhận biết tin giả, tin sai sự thật, người dùng mạng xã hội cần sử dụng một số kỹ năng để tự kiểm chứng qua các cổng thông tin chính thống hoặc trên các trang báo điện tử chính thống do Nhà nước Việt Nam quản lý và cấp phép hoạt động…
Nguồn thông tin chính thống là những nguồn tin nào
Nguồn tin chính thống thứ nhất: Là những thông tin từ các văn bản lãnh đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các cấp hành chính ở địa phương ban hành, sau đó công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc in ấn, phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam.
Nguồn thông tin chính thống thứ hai: Là những thông tin trên ấn phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, các trang báo mạng điện tử, tạp chí điện tử được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở Việt Nam cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nguồn thông tin chính thống thứ ba: Chương trình phát thanh phát trên sóng AM, FM mà người lĩnh hội chương trình nghe qua Radio; chương trình truyền hình phát trên hệ thống truyền dẫn số mặt đất hoặc các trang thông tin điện tử của các đài truyền hình Quốc gia và địa phương; chương trình phát thanh, truyền hình của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí phát trên báo điện tử hoặc cổng thông tin…
Đó là 3 nhóm nguồn tin chính thống rất phong phú, đa dạng như: tin tức cập nhật thường xuyên dành cho mọi đối tượng và nhiều chuyên trang, chuyên mục dành từng đối tượng …
Nhận biết các trang mạng chính thống qua tên miền
Trên không gian mạng có vô số website chạy trên mạng Internet, trong đó có báo điện tử, cổng thông tin điện tử, website của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... Để nhận biết trang thông tin nào chính thống - không chính thống, trước hết người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng bằng cách nhận biết qua tên miền.
Hiện nay, ở nước ta các trang mạng cung cấp thông tin chính thống đều sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam, có đuôi “.vn”. (một số tên miền cho dù trước đó là “.com”; “.gov”; “.org”, “.edu” hay “.net”…thì ở sau đuôi cũng có “.vn”). Ví vụ các trang mạng chính thống ở Việt Nam đang sử dụng tên miền như: dangcongsan.vn; chinhphu.vn; quochoi.vn; nhandan.vn; baochinhphu.vn; nhandan.vn; baotintuc.vn; sggp.org.vn; cand.com.vn; congluan.vn; lambao.vn; kiengiang.dcs.vn; kiengiang.gov.vn; kgtv.vn...
Nói như trên, không có nghĩa trang mạng điện tử nào có đuôi tên miền “.vn” đều là trang thông tin chính thống. Bởi vì, hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội ngoài nhà nước và các doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân) sử dụng tên miền Quốc gia Việt Nam “.vn”. Ngoài ra, có nhiều cá nhân cũng đăng ký sử dụng tên miền Việt Nam, phục vụ cho mục đích cá nhân như: học tập, nghiên cứu, viết nhật ký cá nhân, bán hàng online…
Điều dễ nhận biết nhất là, ở mỗi trang mạng chính thống thì trang nào cũng công khai tên trang, tên cơ quan chủ quản, tôn chỉ mục đích, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, đường dây nóng, hộp thư điện tử (E-mail). Khi truy cập vào trang mạng nào đó, người dùng chú ý xem (trang chủ) có ghi giấy phép hoạt động hay không và các thông tin như trên không? Theo quy định của pháp luật, tất cả những trang mạng cho dù báo điện tử hay cổng thông tin điện tử cũng đều bắt buộc phải có giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp (trong đó có đầy đủ thông tin như: số giấy phép, cơ quan cấp phép, ngày cấp phép…).
Lưu ý: Hãy rất cẩn thận với những tên miền ở đuôi không có “.vn”, như: “.com”; “.org”, “.net”… và trên không gian mạng có vô số tên miền khác không có đuôi “.vn”. Đó là những tên miền nước ngoài nhưng có thể đăng ký trong nước, có thể đăng ký ở nước ngoài, cập nhật thông tin từ nước ngoài…Vì vậy, thông tin trên các trang mạng này chỉ mạng tính tham khảo.
Đối với những trang mạng giả mạo, chắc chắn là không có giấy phép và phổ biến nhất là sau đuôi tên miền không có “.vn”, không ghi tên trang, nếu có thì họ cũng đặt những cái tên nghe rất dễ nhầm lẫn với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, rất khó phân biệt.
Mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống
Phải khẳng định rằng “mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống”, nó chỉ là trang mạng để kết nối, giao lưu bạn bè, gia đình, xã hội mang tính chất riêng tư, nhưng người dùng cũng có thể chia sẻ lên mạng xã hội những nguồn tin chính thống từ cổng thông tin của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và báo chí chính thống.
Hiện nay, một số cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong nước…cũng tự đăng ký cho tổ chức mình tài khoản Facebook hay Fanpage để làm phương tiện cung cấp thông tin chính thống đến đối tượng của mình quản lý và cộng đồng mạng xã hội. Đối với những tài khoản mạng xã hội có đăng ký dịch vụ thì được nhà cung cấp đánh dấu tích bản quyền để phân biệt (tích xanh). Tuy nhiên, không phải tài khoản nào của tổ chức cũng có đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, người dùng là các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nhà nước về việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Chính vì lẽ đó, cộng đồng mạng rất khó phân biệt tài khoản nào là thật, tài khoản nào là giả mạo. Lợi dụng cơ hội này, thời gian qua trên không gian mạng xuất hiện nhiều tài khoản Facebook, Fanpage giả mạo là sở hữu của tổ chức, cá nhân. Do đó, người dùng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cẩn thận trong việc lựa chọn, chắt lọc thông tin, hạn chế kết bạn hoặc tương tác với tài khoản của người lạ, người không quen biết, nhằm đảm bảo an toàn cho việc sử dụng tài khoản của mình và tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc. Thực tế, đã có không ít tài khoản Facebook cá nhân bị lừa đảo chiếm đoạn tài sản, ăn cắp thông tin cá nhân hoặc tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội.
Cách kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội
Khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội mà nhận thấy nó đang lan truyền rất nhanh, có rất nhiều lượt thích (like), bình luận (Comment), chia sẻ (Share), nhưng nội dung thông tin thì có nhiều dấu hiện bất thường, bất ngờ, rất lạ..., thì việc đầu tiên, người dùng cần kiểm chứng bằng cách seach trên Google, tìm kiếm thông tin đó có đăng tải trên trang mạng chính thống hoặc báo chí điện tử hay không?! Nếu xác định nguồn tin đó có thật, người dùng an tâm tương tác tiếp nhận thông tin. Nếu nhận thấy thông tin đó cần thiết chia sẻ cho bạn bè trên cộng đồng mạng xã hội thì chia sẻ từ các trang mạng chính thống hoặc báo điện tử hợp pháp. Nếu tìm trên những trang mạng chính thống mà không thấy bất kỳ thông tin nào giống thông tin trên mạng xã hội thì tuyệt đối không tương tác cho đến khi biết chính xác thông tin đó “thật hay giả”.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể kiểm chứng thông tin bằng các văn bản chính thức của cơ quan, tổ chức có ký tên, đóng dấu mà nội dung trùng hợp với thông tin trên mạng xã hội. Nhưng cần thận trong tiếp nhận văn bản đó từ nguồn nào, bởi vì, thông tin trên mạng xã hội cho dù có cả văn bản kèm theo hay hình ảnh, video Clip để chứng minh, nhưng cũng chưa chắc văn bản đó là thật, vì văn bản của ai, cơ quan, tổ chức nào cũng có thể làm giả được.
Đặc điểm của tin giả, tin sai sự thật
Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện trên mạng xã hội thường là những bản tin ngắn, cách trình bày văn bản không theo một quy tắc nào; phổ biến nhất là nó thường chỉ có một ý chính, không có lập luận, không có căn cứ vào văn bản nào, nguồn thông tin nào (nhưng nếu có ghi nguồn cũng chắc gì tin thật, vì người làm tin giả có thể dẫn nguồn giả để tạo niềm tin đối với người dùng). Tin giả thường mắc lỗi sai ngữ pháp, sai chính tả nếu là văn bản hành chính thì thường là sai thể thức hoặc ký hiệu văn bản không theo quy tắc. Nếu người dùng mạng xã hội tiếp nhận thông tin mà nhận thấy có một trong những dấu hiệu vừa nói thì có thể dùng các kỹ năng trong bài viết này để kiểm chứng thông tin.
Không tương tác nếu thông tin nghi ngờ chưa được xác thực
Một trong những cách đơn giản nhất dành cho người không có điều kiện dùng các kỹ năng trên để kiểm chứng thông tin, người dùng mạng xã hội có thể hỏi trực tiếp hoặc sao chép (Copy) nội dung thông tin nghi ngờ gửi riêng qua tin nhắn qua massege trên mạng xã hội hoặc tin nhắn qua số điện thoại di động đến người thân, người sống chung quanh, người có kiến thức, hiểu biết, cán bộ, công chức, viên chức, nếu tiếp cận được với cán bộ lãnh đạo càng tốt để kiếm chứng nguồn tin có thật không, có chính xác không. Trường hợp không hoặc chưa kiểm chứng được thông tin bằng cách này, người dùng tiếp tục theo dõi và chờ đợi đến khi có sự xác thực thông tin của cơ quan chức năng thông qua báo, đài…
Trong khi chờ đợi xác thực thông tin, người dùng nên áp dụng phương pháp 4 không: Không hoang mang, không thích (No like), không bình luận (No Comment), không chia sẻ (No Share) và không phổ biến nguồn tin đó cho bất cứ ai (trừ những người mà mình cần tham khảo để kiểm chứng).
Nên dành nhiều thời gian tiếp cận thông tin chính thống
Hiện nay, có một thực trạng phổ biến là người dùng mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, ít dành thời gian cho việc tiếp cận với thông tin trên các trang mạng chính thống. Bây giờ, mọi người nên thay đổi thói quen là xem tin tức hoặc thường xuyên tiếp nhận thông tin về chính sách, pháp luật trên những kênh thông tin chính thống, trên báo điện tử chính thống của nhà nước Việt Nam. Khi phát hiện, những thông tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý (nếu có vi phạm), như: cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông các cấp.
Người dùng mạng xã hội cũng có thể truy cập vào trang thông tin với tên miền www.tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và thao tác theo hướng dẫn trên Cổng thông tin này hoặc gọi đến đường dây nóng (hotline) 18008108 để báo tin giả, tin sai sự thật hoặc tài khoản mạng xã hội, các trang mạng giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân... Khi cơ quan chức năng chính thức khẳng định tin giả, tin sai sự thật thì cần thiết chia sẻ, lan toả trên tài khoản của mình nhằm góp phần để cộng đồng mạng nâng cao cảnh giác với nguồn tin xấu, độc, tránh vi phạm pháp luật cho mình, cho cộng đồng và người thân quen.
Cần nắm rõ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Người dùng tài khoản trên mạng xã hội, cần nắm rõ một số quy định của pháp luật, như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội năm 2021, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu không có nhiều thời gian thì tối thiểu cũng cần đọc hết điều 4 của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, gồm 8 khoản như sau:
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Trên đây là 9 kỹ năng cơ bản nhất để kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội, giúp cộng đồng mạng phân biệt nguồn tin chính thống – không chính thống, góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền chống tin giả, tin sai sự thật hoặc tài khoản giả mạo trên không gian mạng internet.
Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com