Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (13/09/2021-9:56)
    Để kịp thời hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, tối 12-9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động.

 Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hoá.

Dự lễ phát động tại điểm cầu Thanh Hoá có đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Phạm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng tới mục tiêu phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng 100% toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”Các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hoá.

Trong năm 2021, dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.

Từ năm 2022 đến 2023, tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ phát động (ảnh chụp màn hình).

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến, sẽ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 100% cước phí Data cho 1 triệu học sinh, sinh viên được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng học online; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến…

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, làm thay đổi cách nghĩ, cách thích ứng, các vận hành và quản trị xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn kỷ nguyên số. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, sự đồng lòng của Nhân dân để từng bước kiểm soát, đẩy lùi và xây dựng các giải pháp thích ứng, an toàn với dịch bệnh. Với ý chí và quyết tâm đó, việc kiểm soát dịch bệnh trên cả nước, nhất là ở những địa phương trọng điểm đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không được nóng vội, nới lỏng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Dịch COVID-19 cũng đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh. Đảng và Nhà nước hiểu rõ và chia sẻ với những gia đình, học sinh đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh. Hiện, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp trước mắt và cả lâu dài để có thể mở cửa trường học với quan điểm là an toàn mới mở cửa và học sinh đã đến trường là phải được an toàn.

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh: Chương trình “Sóng và máy cho em” là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đây là phương thức mới nên đòi hỏi thầy cô, chuyên gia phải điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu tốt, nhất là đối với học sinh lớp 1 và học sinh cuối cấp. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, chương trình còn tiến tới phủ sóng internet những nơi chưa có sóng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số. Thủ tướng lưu ý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh.

Thủ tướng cũng chia sẻ, dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa cắp sách đến trường của nhiều em học sinh. Các em không được nghe tiếng trống trường, giao lưu bạn bè. Nhiều nơi học trực tuyến suốt gần 2 năm qua đã ảnh hưởng tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống nhiều gia đình. Để không phải học trực tuyến kéo dài, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản để các em trở lại trường, nhưng lưu ý “phải an toàn mới đến trường học tập”. Đề nghị ngành y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc - xin cho học sinh, đặc biệt là trẻ em 12 tuổi trở lên...

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; xây dựng tiêu chí hỗ trợ máy cho học sinh bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiểu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình học bảo đảm thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung, đáp ứng yêu cầu học trực tuyến và thông qua phương tiện truyền thông.

Thủ tướng tin tưởng, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số, trong quá trình chuyển đổi số, trong quá trình xây dựng xã hội số. Đặc biệt là làm cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh có điều kiện khó khăn được tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Tuấn Sinh phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hoá.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hoá, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai phát động chương trình sát với thực tiễn địa phương. Đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng để chương trình đạt kết quả cao.

Theo Phong Sắc/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/thoi-su/phat-dong-chuong-trinh-song-va-may-tinh-cho-em/144039.htm 

 

Các tin khác:
  • Báo Nhân Dân khẳng định vị thế tại Hội báo Nhân đạo Pháp 2021 (13/09/2021-9:50)
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng sẽ góp phần gieo những hạt mầm tạo tình yêu thương (13/09/2021-9:43)
  • Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch (12/09/2021-8:33)
  • Không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội (10/09/2021-22:38)
  • Tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Nga Sơn (10/09/2021-22:32)
  • Hiểu đúng về “pháo đài chống dịch” (10/09/2021-16:27)
  • Dừng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 trên địa bàn huyện Hậu Lộc (09/09/2021-15:06)
  • Tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Nông Cống (08/09/2021-16:18)
  • Thành phố Thanh Hóa tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 thêm 7 ngày (08/09/2021-15:56)
  • Thông báo Kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID- 19 tỉnh (07/09/2021-16:52)