Để không còn những giọt nước mắt thủ khoa... (19/09/2021-8:14)
Một cựu học sinh trường chuyên danh tiếng ngậm ngùi: “May mà mình thi đại học cách đây hơn 20 năm chứ nếu thi bây giờ chắc trượt”. Chừng nào đạt đến ngưỡng 30 điểm, đỉnh của đỉnh nhưng vẫn chưa là đỉnh của… chóp thì vẫn còn những giọt nước mắt thủ khoa.
Năm nay, 30 điểm vẫn chưa phải "đỉnh chóp" của tuyển sinh đại học. Ảnh minh họa
1. Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), nói theo "trend ngôn ngữ" của giới trẻ là đang… sáng nhất trên mạng xã hội những ngày qua. Sáng là bởi, đây không phải là trường hot, lại nằm ở tỉnh lẻ nhưng lại vừa xác lập kỷ lục về điểm trúng tuyển đại học ngành sư phạm ngữ văn (hệ đào tạo chất lượng cao) với mức điểm: 30,5.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, trong số 347 nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm ngữ văn hệ đào tạo chất lượng cao của trường này, điểm thực, chưa tính điểm ưu tiên, mức cao nhất chỉ đạt 28,5 điểm. Số điểm còn lại là điểm cộng ưu tiên dành cho thí sinh ở các khu vực đồng bằng, miền núi, người dân tộc thiểu số… Có những thí sinh điểm ưu tiên được cộng vào kết quả xét tuyển lên tới 2,75 điểm nên thủ khoa đầu vào của ngành này năm nay là 31,25 điểm. Và như vậy, nghĩa là 1 thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đạt 3 điểm 10 các môn Văn, Sử, Địa nếu muốn vào học ngành sư phạm ngữ văn hệ đào tạo chất lượng cao trường Đại học Hồng Đức vẫn chỉ là một… giấc mơ.
Câu chuyện điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trúng tuyển đại học cao ngất ngưởng không chỉ xảy ra tại Thanh Hóa mà ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Báo chí vừa chia sẻ một câu chuyện chắc chắn sẽ khiến những người làm giáo dục Việt Nam trăn trở. Một học sinh đạt 26 điểm khối A00 nhưng đã khóc nức nở khi trượt toàn bộ… 11 nguyện vọng. Năm nay, các ngành của Trường ĐH Ngoại thương đều lấy điểm chuẩn không dưới 28; còn với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngành thấp nhất cũng đã lấy tới 26,9 điểm (trung bình gần 9 điểm/môn).
Một thí sinh khác tại Nam Định cũng đang không biết đi đâu về đâu khi 12 năm học luôn đứng top đầu của lớp, trải qua nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp, đạt điểm 26 điểm khối C00 nhưng trượt cả 4 nguyện vọng vào ngành Báo chí, Văn học của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền....
2. Có một điều khá đặc biệt là mặc dù điểm thi tốt nghiệp và điểm trúng tuyển đại học năm nay cao đột biến nhưng dư luận lại buông nhiều tiếng… thở dài hơn là niềm phấn khởi. Trên mạng xã hội, nhiều người đặt ra những suy nghĩ, trăn trở không phải không có lý về quan điểm: “học thật, thi thật, nhân tài thật”, điều chính tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất trăn trở. Có người thậm chí còn ví việc 30 điểm vẫn trượt đại học như là chuyện đùa, chuyện cười.
Lại nhớ hôm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, tôi gọi điện cho một người anh thân thiết hỏi điểm số của con gái anh. Ở đầu dây bên kia, tôi nghe rõ tiếng thở dài: “được mỗi 26,5 điểm thôi chú ạ!” 26,5 tức là 2 điểm 9 và 1 điểm 8,5. Bình thường đó là điểm số xuất sắc nhưng với mặt bằng thi cử năm nay, tôi hiểu tiếng thở dài của anh là có cơ sở. Gần 3 điểm 9 nhưng đôi khi lại không có quyền lựa chọn những ngành học, trường học theo đam mê, sở trường.
Lý giải thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ với báo giới rằng một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng là do số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 152 nghìn (643 nghìn lên 795 nghìn), tăng 24% so với 2020, trong khi số chỉ tiêu chỉ tăng 10 nghìn. Một lý do nữa khiến điểm chuẩn tăng, theo vị Thứ trưởng này là phổ điểm thi một số môn có cải thiện so với năm 2020.
Tuy nhiên, lý giải của Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo mới cho thấy những nguyên nhân bề nổi. Nhiều chuyên gia giáo dục lại cho rằng, bản chất của câu chuyện điểm chuẩn tăng bắt nguồn từ phương thức thi cử, xét tuyển đại học, cao đẳng. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam thậm chí xem hiện tượng này như là minh chứng điển hình của sự rối loạn về phương thức tuyển sinh đại học hiện nay. Theo Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, một số trường đại học tuyển sinh nhiều phương thức, trong đó tiêu chí xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT dần bị nhiều trường thu hẹp, có trường chỉ còn 30 – 40%, thay vào đó là các tiêu chí như điểm tổng kết học bạ, điểm IELTS… Thực ra đây là các tiêu chí phụ, không phải tiêu chí tiêu biểu để đánh giá thực học của học sinh.
Ông Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lại "nhắm" vào câu chuyện điểm ưu tiên, rằng điểm ưu tiên dành cho các đối tượng thí sinh có quá nhiều bất cập, có em được ưu tiên tối đa đến 2,75 điểm, một số trường còn đưa ra tiêu chí tuyển học sinh trường chuyên khiến những thí sinh thực học bị thiệt thòi. Tại sao ưu tiên điểm khu vực cho các thí sinh mà không có ưu tiên đặc cách cho những thí sinh đạt 3 điểm 10 ở khu vực không được cộng điểm ưu tiên? Nên nhớ vấn đề "có nên cộng điểm ưu tiên?" đã được đặt ra với nhiều băn khoăn nghi ngại từ hàng chục năm qua, nhưng thật kì lạ, đến nay, vẫn hiện diện trong đời sống thi cử nước nhà.
3. Từ thực tế "thật như đùa" của câu chuyện thủ khoa 30/30 điểm cũng có thể trượt đại học nếu không được cộng điểm ưu tiên, một lần nữa đặt ra cho Bộ GD& ĐT yêu cầu cấp bách: cần đánh giá nghiêm túc cách thức tổ chức kỳ thi “2 trong 1” và phương thức xét tuyển dựa trên hồ sơ mà xem nhẹ thi cử theo đúng nghĩa. Thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hướng đến những mục tiêu khác nhau. Một bên là để công nhận kết quả 12 năm đèn sách, một bên là để lựa chọn, kiến tạo tương lai theo khả năng, đam mê, sở trường. Việc “trộn lẫn” 2 kỳ thi có phần… cơ học, khiến cho việc “so bó đũa, chọn cột cờ” gặp khó khăn. Yếu tố “phổ thông” và yếu tố “đại học” phải có sự phân định rạch ròi. Làm sao để đào tạo đại học là đào tạo chuyên sâu, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chứ không phải để… phổ cập đại học.
Nói như một chuyên gia giáo dục thì nếu vẫn tiếp tục phương thức thi cử, xét tuyển như hiện nay, rất có thể, ít năm nữa, tình trạng lạm phát bằng đại học sẽ xảy ra. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vốn đã được nhắc đến mấy chục năm qua ở nước ta không những không giảm mà có nguy cơ gia tăng.
Trước mắt, nếu vẫn tiếp tục duy trì phương thức thi “2 trong 1”, cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ, triệt để hơn từ việc ra đề thi theo hướng phân loại rõ hơn nữa. Phần kiến thức phổ thông dành cho thi tốt nghiệp và kiến thức nâng cao dành cho những thí sinh thi đại học phải được lượng hóa thành tỷ lệ, mức độ cụ thể.
Các trường đại học cũng không nên xem điểm chuẩn đầu vào cao như một thành tích để làm thương hiệu. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo để sản phẩm đầu ra phải thực sự được xã hội đánh giá cao. Đừng để tình trạng đầu vào thủ khoa, đầu ra… thất nghiệp. Đó mới là gốc rễ của vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, với việc khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi ngày càng được thu hẹp, cũng cần nghiên cứu lại chính sách ưu tiên điểm thi cho phù hợp. Làm sao để vừa đảm bảo sự ưu việt của chế độ nhưng đồng thời cũng tạo ra sự công bằng xã hội, qua đó không bỏ sót những học sinh có thực học, thực tài. Tránh trường hợp 3 điểm 10 có thể vẫn trượt đại học. Bởi chừng nào đạt đến ngưỡng 30 điểm, đỉnh của đỉnh nhưng vẫn chưa là đỉnh của… chóp thì vẫn còn những giọt nước mắt thủ khoa.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com