Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Từ tháng 10 nhiều quy định mới trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực (29/09/2021-11:31)
    Từ tháng 10, nhiều quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu cho phép đào tạo thạc sĩ hệ vừa học vừa làm, thực hiện cách tính thu học phí mới theo Nghị định 81…

 Từ tháng 10 cho phép đào tạo thạc sĩ hệ vừa học vừa làm.

Đào tạo thạc sĩ hệ vừa học vừa làm

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

Theo Điều 12 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23, để được xét tốt nghiệp thạc sĩ, học viên phải chứng minh chuẩn đầu ra ngoại ngữ bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Trong khi đó, theo Quy chế trước đây chuẩn đầu ra ngoại ngữ tối thiểu chỉ từ Bậc 3/6 trở lên.

Trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức trực tiếp thì nay theo Quy chế mới, các trường có thể tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức trực tuyến nếu bảo đảm chất lượng và có kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như tuyển sinh trực tiếp.

Đặc biệt, về hình thức đào tạo, Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 bổ sung thêm hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng thay vì chỉ quy định hình thức đào tạo chính quy như trước đây.

Thời gian học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học sẽ dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.

Đồng thời, Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 quy định, sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.

Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức tuyển sinh trình độ thạc sĩ một hoặc nhiều lần trong năm chứ không còn giới hạn tối đa 2 lần mỗi năm như quy định cũ.

Chính sách về học phí của học sinh, sinh viên

Từ ngày 15/10, Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí dành cho học sinh, sinh viên sẽ chính thức có hiệu lực.

Trong đó, Nghị định này có một số chính sách đáng chú ý. Nghị định 81 đã lên lộ trình tăng học phí từ năm học 2022 - 2023 trở đi với cả giáo dục mầm non, phổ thông và đại học.

Đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông: Trong năm học 2022 - 2023, các địa phương sẽ thu học phí mức sàn - mức trần do Bộ GD&ĐT quy định.

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm.

Đối với giáo dục đại học, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, các cơ sở đào tạo sẽ quyết định học phí theo mức trần mà Bộ GD&ĐT quy định.

Trong đó, học phí đại học cao có thể lên đến 8,75 triệu đồng/tháng với khối ngành y dược vào năm học 2025 - 2026.

Ngoài ra, Nghị định 81 cũng có quy định, các tỉnh được quyết định không thu học phí khi có dịch bệnh.

Tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, các địa phương được quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng (theo Điều 17 Nghị định 81).

Nhiều điểm mới về thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Ngày 24/10, Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam sẽ có hiệu lực và áp dụng.

So với quy định cũ tại Thông tư 23 năm 2017, Bộ GD&ĐT đã bổ sung thêm một số đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.

Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bao gồm:

Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài) hoặc sư phạm tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên);

Đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ;

Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông);

Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên;

Trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học - ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở GD&ĐT quyết định thành lập.

Theo Trinh Phúc/Báo NB&CL

 

Các tin khác:
  • Nhiều thông tin hữu ích trên tài khoản Zalo của Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông (27/09/2021-9:52)
  • Công an Thanh Hóa thông báo cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, internet, mạng xã hội (25/09/2021-15:51)
  • Thanh Hóa kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn (23/09/2021-11:45)
  • Để không còn những giọt nước mắt thủ khoa... (19/09/2021-8:14)
  • Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 9 và tháng 10-2021 (14/09/2021-8:47)
  • Làm thế nào để cập nhật chứng nhận đã tiêm vaccine trên Sổ sức khỏe điện tử? (12/09/2021-8:20)
  • Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ tình trạng “xe ghép” về Thanh Hóa (11/09/2021-14:11)
  • Bộ Công an sẽ tích hợp giấy đi đường vào mã QR của công dân (09/09/2021-15:12)
  • "Ranh giới" không có rào cản về tình người (09/09/2021-14:56)
  • Vai trò của báo chí trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (08/09/2021-15:51)