Người sử dụng Facebook cần thiết lập vùng an toàn, tự bảo vệ trước cám dỗ từ mạng xã hội. Ảnh minh họa
Hơn 6 tiếng Facebook bị lỗi không thể truy cập, người dùng đã xoay sang dùng các nền tảng mạng xã hội khác hoặc quay trở lại đọc thông tin trên các tờ báo. Tuy nhiên quãng thời gian lỗi của Facebook cũng khiến nhiều người dùng mạng internet đang tự hỏi lần gần đây nhất mình đọc báo giấy hay truy cập vào các tờ báo chính thống từ bao giờ.
Đã thành một phần trong đời sống hàng ngày, hàng triệu người dùng vẫn giữ thói quen lên mạng xã hội (MXH) chia sẻ thông tin, cập nhật tin tức. Cũng có nhiều người cứ 5 đến 10 phút lại vào MXH một lần. Buổi sáng khi thức dậy việc đầu tiên là mở điện thoại vào MXH để cập nhật thông tin và cập nhật cho đến trưa, chiều, tối trước khi ngủ. Gần như rất nhiều người tiếp cận thông tin như cách đó.
Trong khi đó, sau nhiều năm ra đời và phát triển Facebook liên tục sáng tạo và đưa vào sử dụng những tính năng mới với nhiều cải tiến hơn thú vị và hấp dẫn hơn. Ở đây họ định hướng, liên kết, tăng tính tương tác và hỗ trợ các thông tin đa chiều. Các phần mềm này định hướng người dùng bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo); IOT (Internet của vạn vật), Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu).
Những công nghệ này giúp liên kết các bài viết có cùng chủ đề trên mạng MXH, phân tích thu thập thói quen người dùng và khuyến nghị người dùng tiếp tục sử dụng những thông tin nào tiếp theo.
Tuy nhiên, đằng sau tính nhanh nhạy của MXH, việc các nội dung đăng tải không kiểm duyệt đã gây ra sai lệnh thông tin, hoang mang dư luận, thậm chí làm nẩy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Đơn giản khi người dùng click vào một đường link xấu trên MXH, theo công nghệ nhiều thông tin liên quan đến nội dung mà người dùng vừa vào sẽ xuất hiện ở tất cả các MXH, các mục khác nhau, trong đó có cả thông tin xấu độc.
Tương tự tại Việt Nam, trong năm 2020, theo nghiên cứu người Việt đã dành 25% thời gian sử dụng smartphone để lướt Facebook, trong khi đó có hơn 70 triệu người dùng. MXH này phát triển đã làm nẩy sinh nhiều vấn đề tiêu cực lớn trên không gian mạng cho đến ngoài đời thực. Các cơ quan quản lý nhà nước đã phải ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như các quy định để thắt chặt và phản bác lại những thông tin xấu độc, gây chia rẽ trên MXH.
Trong những ngày vừa qua, MXH lớn nhất thế giới Facebook hứng chịu một loạt chỉ trích trước và trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10 tại Mỹ. Tại cuộc họp này Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Thượng viện Mỹ, ông Richard Blumenthal cho rằng: Các công ty công nghệ lớn giờ đang trải qua sự thật đáng kinh ngạc, giống như các công ty thuốc lá lớn, đó là việc có bằng chứng cho thấy Facebook có thể gây nghiện và độc hại cho trẻ em.
Còn cựu giám đốc Facebook, bà Frances Haugen thì cho biết, quyền lực của mạng xã hội này đang đan chặt vào cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người dùng trên thế giới. Bà cũng lưu ý rằng nền tảng mạng xã hội này đang thúc đẩy nhiều nguy cơ như chứng rối loạn ăn uống, sự xấu hổ về cơ thể và không hài lòng về bản thân.
Theo bà, đây là những vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Bà cho biết: "Ban lãnh đạo của công ty biết cách tạo ra môi trường Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng họ không thực hiện những điều chỉnh cần thiết, do họ đặt lợi nhuận của công ty lên trước lợi ích của người dùng."
Không chỉ có cựu giám đốc Facebook có đánh giá như vậy, nhiều cựu nhân viên Facebook khác cũng cho rằng, những người mùa quảng cáo của Facebook mới là khách hành của họ, còn người dùng với các thông tin cá nhân chỉ là hàng hóa mà thôi. Vì thế từ nội dung hoặc cách thức xuất hiện trên các bản tin của chúng ta, cho tới cách giới thiệu kết bạn có thể và rất nhiều công cụ, từng chi tiết trên công cụ đều đã được Facebook nghiên cứu kỹ lưỡng, để nó có thể trở nên gây nghiện với người dùng, từ đó Facebook hiểu người dùng hơn và quảng cáo chính xác hơn.
Có thể nói MXH xâm nhập quá sâu vào nhiều mặt đời sống trực tuyến để thu thập dữ liệu, để thúc đẩy cỗ máy quảng cáo và thu về lợi nhuận khổng lồ vẫn cứ diễn ra. Việc bị lỗi không thể truy cập các MXH vừa qua đã tác động đến người dùng toàn thế giới, nhưng nó buộc chúng ta phải chấp nhận hiện thực rằng vòi bạch tuộc của Facebook vươn dài tới mức nào.
Thực tế cho thấy, nhiều người dùng MXH là giới trẻ, họ là những người thiết lập xu hướng, tạo ra văn hóa và là những người chiếm phần lớn số lượng tài khoản, họ là đối tượng được săn đón để phát triển quảng cáo. Nếu mất đi những người thiết lập xu hướng này có thể sẽ là đòn trí mạng đối với MXH.
Trong khi Facebook vẫn lừa dối người dùng, lờ đi tác hại từ công nghệ do mình sở hữu để đổi lấy dữ liệu hay doanh thu lợi nhuận thì mỗi quốc gia, mỗi tổ chức hay cá nhân cần tự bảo vệ trước cám dỗ từ mạng xã hội. Đối với ở Việt Nam, để quản lý tốt các vấn đề liên quan đến internet nói chung và MXH nói riêng, chúng ta cần tiếp tục thiết lập và phát triển những MXH cho riêng mình, tiếp tục làm chủ ứng dụng công nghệ thu hút người dùng.
Vì là vấn đề lớn của toàn xã hội nên còn cần có sự vào cuộc của nhiều lực lượng, các tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ cán bộ các cơ quan nhà nước, công nhân, nông dân đến những người trẻ là học sinh, sinh viên… để tạo lập một không gian mạng lành mạnh, mạng lại lợi ích thiết thực trong đời sống thực, lan tỏa những thông tin tích cực trong đời sống xã hội. Và trước khi tính đến trách nhiệm của những dịch vụ truyền thông như Facebook người dùng mạng, cần thiết lập vùng an toàn, xây dựng nền tảng kiến thức, bản lĩnh vững chắc để tự bảo vệ mình trước cám dỗ từ mạng xã hội.
Theo Nguyên Phong/Báo NB&CL