Các đại biểu biểu quyết thông Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các ĐBQH tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc kỳ họp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng của tỉnh trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh, các đại biểu tham dự kỳ họp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để tiếp tục hoàn thiện và quyết nghị.
Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe đại diện Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình bày các tờ trình để HĐND tỉnh xem xét quyết nghị ban hành 54 nghị quyết, gồm: 2 tờ trình về Quy chế hoạt động và Nội quy kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức trình bày tờ trình liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
3 nghị quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022 – 2026; kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc sở Kế hoạch và Đàu tư Lê Minh Nghĩa trình bày tờ trình liên quan đến lĩnh vực đầu tư.
5 nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn, đó là: Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến lần 1 Kế hoạch đầu tư công năm 2022; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2021; phương án điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021; phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh năm 2021 cho các dự án.
32 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành ngân sách; rà phá bom mìn, vật nổ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên các địa bàn trọng điểm của tỉnh; các dự án đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống thoát nước, cung cấp nước sạch, công trình chống sạt lở và tiêu thoát lũ, công trình lịch sử văn hóa, trường học, công sở.
Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương trình bày tờ trình liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã xem xét thông qua 12 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác, như: Phân cấp, ủy quyền cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công nhóm C quy mô nhỏ; quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp số 12, Khu kinh tế Nghi Sơn; bổ sung danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2021; bổ sung mỏ đất làm vật liệu san lấp tại núi Chuột Chù, xã Hải Yến và phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn vào dự án “Điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phê duyệt trước ngày 01-01-2019”; phương án cơ cấu lại Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa; Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2021 - 2022; Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và quyết định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra và dự thảo nghị quyết liên quan lĩnh vực phụ trách.
Đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra và dự thảo nghị quyết liên quan lĩnh vực phụ trách.
Đồng chí Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra và dự thảo nghị quyết liên quan lĩnh vực phụ trách.
Tại kỳ họp, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo thẩm tra và dự thảo nghị quyết những nội dung có liên quan. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng tờ trình, báo cáo, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với những nội dung được trình tại kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, theo phương châm “Đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao”; sau 1/2 ngày làm việc, kỳ họp thứ Ba HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Tại kỳ họp quan trọng này, HĐND tỉnh đã xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND và UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua 54 nghị quyết.
Để thực hiện tốt các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngay sau kỳ họp, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh cần thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đã đề ra, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Hơn 42.001 tỷ đồng cho đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
Tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra vào ngày 11-10, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 246/TTr-UBND của UBND tỉnh về việc “Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thanh Hóa”.
Theo Tờ trình số 246/TTr-UBND của UBND tỉnh, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thanh Hóa đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, ngày 28-7-2021 và Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15-9-2021 là 42.001,063 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 31.795,1 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 10.205,963 tỷ đồng.
Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên, phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, như sau: Vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách cấp huyện, cấp xã là 12.791,75 tỷ đồng; bố trí dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch là 1.100,283 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 223,5 tỷ đồng; bố trí vốn cho dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là 1.384,421 tỷ đồng; vốn đối ứng cho các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ) và một phần vốn đối ứng cho các dự án khởi công mới sử dụng vốn nước ngoài là 1.300 tỷ đồng; bố trí vốn để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh là 2.807,82 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 là 8.079,661 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án khởi công mới và các dự án chuẩn bị đầu tư là 14.313,628 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ bố trí 178 tỷ đồng để hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022-2026
Cũng tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 215/TTr-UBND về “Đề nghị ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026”. Theo đó, dự kiến kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 4 năm (2022-2025) là 178 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2022-2026, trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập thêm 33 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.626ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các cụm công nghiệp trong giai đoạn này là 155 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thu hút lao động tại các huyện miền núi là 20 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ dự án sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào các huyện miền núi là 10 tỷ đồng; hỗ trợ thu hút lao động tại các huyện miền núi là 10 tỷ đồng; phấn đấu trong giai đoạn 2022-2026 thu hút, tạo việc làm ổn định cho 16.000 lao động tại các địa phương; hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp là 3 tỷ đồng.
Mức thu học phí năm học 2021-2022 không tăng so với năm học 2020-2021
Nhằm thống nhất khung thu học phí, cơ chế quản lý và sử dụng nguồn thu học phí năm học 2021-2022 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn toàn tỉnh, tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình số 236/TTr-UBND về việc “Đề nghị ban hành quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2021-2022”.
Theo đó, bậc học mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các phường thuộc thành phố, thị xã được quy định mức thu như sau: Trẻ mầm non không bán trú mức thu học phí 150.000 đồng/trẻ/tháng; có bán trú mức thu học phí 195.000 đồng/trẻ/tháng. Học sinh THCS, Bổ túc THCS mức thu học phí 120.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh THPT, Bổ túc THPT mức thu học phí 155.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc học mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các xã thuộc thành phố, thị xã và các xã, thị trấn huyện miền xuôi được quy định mức thu như sau: Trẻ mầm non không bán trú mức thu học phí 60.000 đồng/trẻ/tháng; trẻ có bán trú mức thu học phí 80.000 đồng/trẻ/tháng. Học sinh THCS, Bổ túc THCS mức thu học phí 50.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh THPT, Bổ túc THPT mức thu học phí 65.000 đồng/học sinh/tháng. Còn bậc học mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các xã, thị trấn huyện miền núi được quy định mức thu như sau: Trẻ mầm non không bán trú mức thu học phí 30.000 đồng/trẻ/tháng; trẻ có bán trú mức thu học phí 40.000 đồng/trẻ/tháng. Học sinh THCS, Bổ túc THCS mức thu học phí 25.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh THPT, Bổ túc THPT mức thu học phí 30.000 đồng/học sinh/tháng.
Năm 2022 toàn tỉnh Thanh Hóa có 225.379 người được hưởng trợ cấp xã hội
Những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 199.447 người đang hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ, với mức chuẩn trợ cấp xã hội là 270.000 đồng/tháng. Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 182.156 người và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 15.507 người; đối tượng nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội là 941 người; hưởng trợ cấp mai tảng phí 873 đối tượng. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp cho các đối tượng hơn 1.007,255 tỷ đồng/năm.
Để nhanh chóng triên khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022, tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 207/TTr-UBND về việc “Đề nghị ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Tờ trình đề xuất áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15-3-2021 của Chính phủ là 360.000 đồng/tháng. Ước kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021 theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh hơn 770,035 tỷ đồng, tăng thêm 271,640 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm thực hiện theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ; số đối tượng dự kiến tăng thêm là 25.932 người, từ 199.447 lên 225.379 người. Dự kiến kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội năm 2022 hơn 1.719,969 tỷ đồng, tăng so với năm 2021 khoảng 452,501 tỷ đồng. Nguồn kinh phỉ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội do ngân sách Trung ương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao thực hiện chính sách trợ giúp xâ hội trên địa bản tỉnh theo quy định hiện hành.
|
Theo Minh Hiếu - Trần Thanh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-ba-hdnd-tinh-khoa-xviii-nhiem-ky-2021-2026/145757.htm