TS Vũ Tiến Lộc: "Đã qua rồi cái thời doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng" (12/10/2021-8:19)
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã qua rồi cái thời các doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng, ngày nay các nhà kinh doanh phải hướng tới phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, hàng vạn doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn doanh nghiệp khác cũng đang đứng trước bờ vực phá sản.
Nhân dịp 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về những thử thách của giới doanh nhân, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Đã qua rồi cái thời các doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng
Ngay từ đầu tháng 10, nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đi lại và cho phép một số loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại. Theo ông, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn gì khi bước vào giai đoạn bình thường mới?
- Những ngày đầu tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một thời điểm hệ trọng của nền kinh tế Việt Nam. Sau khi bước đầu đã khống chế tương đối tốt dịch COVID-19, Việt Nam đã tái khởi động mở cửa nền kinh tế ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Tôi kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm này, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với dòng người lao động “hồi hương” với quy mô chưa từng có, dù là tự nhiên và chính đáng.
Việc dòng người hồi hương sẽ gây ra biết bao khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nối lại chuỗi cung ứng lao động trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ...
Chúng ta biết rằng, để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần 3 đến 6 tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài 6 tháng đến cả năm.
Vì vậy, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn và nỗi gian truân đang đè nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp.
Vậy theo ông, để giảm thiểu những tác động sau dịch, giới doanh nhân cần phải làm gì để lèo lái “con thuyền” doanh nghiệp vực dậy?
- Trong kỷ nguyên mới này, mô hình kinh doanh mà các doanh nhân cần phải định hình chính là “số hoá”, “xanh hoá”, “xã hội hoá”, một mô hình hiệu quả, nhân văn có khả năng thích nghi cao và khả năng chống chịu.
Về “số hoá” thì rõ rồi, chuyển đổi số tích hợp với các công nghệ khác của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ làm cho doanh nghiệp trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn.
“Xanh hoá” sẽ giúp chúng ta bảo vệ được trái đất, thân thiện với môi trường. Nhưng chỉ riêng “xanh hoá”, “số hoá” sẽ không thể làm nên mùa xuân, và tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng mà chúng ta có thể tạm gọi là: “xã hội hoá” hay nói khác đi là đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đã qua rồi cái thời các doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng, ngày nay các nhà kinh doanh phải hướng tới phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với người lao động, với đối tác, với bạn hàng, với xã hội, với cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được gia tăng và mô hình “doanh nghiệp xã hội” đang là một sự lựa chọn của nhiều người khởi nghiệp.
Chúng ta có quyền kỳ vọng về một thời doanh nghiệp xã hội sẽ lên ngôi và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân văn, bền vững sẽ trở thành hiện thực.
Tầm vóc của doanh nhân ngày nay sẽ không còn chủ yếu đo bằng tài sản
Đã có lần ông chia sẻ: “Tầm vóc của doanh nhân ngày nay sẽ không còn chủ yếu đo bằng tài sản”, ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?
- Đúng vậy, tầm vóc của doanh nhân ngày nay sẽ không còn chủ yếu đo bằng tài sản, mà sẽ đo bằng sự nể trọng, sự tri ân của xã hội thông qua sự cống hiến, sự dấn thân.
Tôi tin rằng, trong lòng dân tộc đang hình thành đội ngũ doanh nhân như thế và các doanh nhân hàng đầu đang kể cho chúng ta những câu chuyện nhân văn, chứ không phải chỉ là những câu chuyện kinh doanh.
Vậy trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay, ông có lời động viên nào để gửi tới giới doanh nhân hay không?
- Cộng đồng doanh nhân đã bước vào “tuổi 17 – bẻ gãy sừng trâu” kể từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam (năm 2004).
Và chúng ta kỷ niệm Ngày sinh nhật năm nay đúng vào những tháng ngày gian nan nhất, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường và những biện pháp giãn cách xã hội, đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Dù công cuộc phòng chống Covid-19 đã đạt được những thành quả bước đầu, nhưng theo dự báo thì loại virus này sẽ không sớm mất đi, và có thể sẽ là phần tất yếu của cuộc sống trong nhiều năm tháng nữa.
Và dù dịch bệnh có qua đi thì những loại virus, dịch bệnh và những tai hoạ khác phát sinh từ biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và những hệ luỵ mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 cũng sẽ đẩy thế giới này vào một tương lai nhiều bất định, mơ hồ, căng thẳng hơn, phức tạp hơn và cũng mong manh hơn…
Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và một năng lực cạnh tranh cốt lõi trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Tâm thế của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà “phải tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”. Sống chung với dịch bệnh covid cũng cần một cách tiếp cận như vậy.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com