Tại buổi gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) diễn ra sáng 12/10 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chúc tới cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và mong muốn các doanh nhân tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực vượt khó, chiến thắng dịch bệnh và thành công trong phục hồi, phát triển KTXH, tiếp tục viết lên trang sử vẻ vang của doanh nhân Việt Nam.
Cùng dự buổi gặp mặt có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt có sự tham dự của 72 doanh nhân, đại diện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc tốt đẹp nhân dịch ngày doanh nhân Việt Nam tới các doanh nhân và gửi lời cảm ơn đến doanh nghiệp Việt Nam đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời biểu dương, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để trên cơ sở đó Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, năm 2021 là năm các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều DN đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Tuy nhiên chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, DN vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
“Những ngày này, khi đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các DN, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyền trạng thái sang " thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng DN rất phấn chấn. Nghị quyết 105/ NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp các DN đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ DN của Chính phủ”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, HTX Việt Nam trong thời gian qua đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong thực hiện chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, với 26.000 HTX, 106 Liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp, thu hút hơn 8 triệu thành viên chủ yếu là hộ gia đình ở địa bàn nông thôn đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế -xã hội.
Thay mặt Liên minh HTX, ông Nguyễn Mạnh Cường hứa với Thủ tướng khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục pháp huy tinh thần yêu nước, chung sức đồng lòng phát huy bản chất của tổ chức kinh tế tập thể vượt qua khó khăn thách thức, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam xúc động nói: “Sự vào cuộc của Chính phủ, từ những lãnh đạo cao nhất, cho đến các bộ, ban ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân chúng tôi. Đến giờ trong đầu tôi vẫn nhớ như in về hình ảnh chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi của Thủ tướng khi thị sát tình hình chống dịch ở Bình Dương, đứng cùng người dân để chờ đợi nhân viên y tế phản hồi cuộc gọi hỗ trợ vào đường dây nóng, hay kiểm tra từng chai dầu ăn, gói thực phẩm tại chợ đầu mối xem có đủ để cung cấp cho người dân trong vùng dịch bệnh,... Hay hình ảnh những y bác sỹ, những chiến sỹ công an, bộ đội ăn những bữa cơm vội vàng và những giấc ngủ không tròn trong vùng dịch để tiếp tục tận tâm công tác phòng chống dịch,... Những hình ảnh đó đã đánh thức và tiếp sức cho chúng tôi nỗ lực ứng biến trước khó khăn, thách thức, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SHB nhấn mạnh, thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo với các hành động quyết liệt kịp thời. Ông ấn tượng với sự chỉ đạo quyết đoán mạnh mẽ của Thủ tướng,
“Chúng ta quyết thắng và nhất định thắng lợi”, hay “Ba không năm thật” và nhiều câu nói thể hiện ý chí quyết liệt mạnh mẽ của Thủ tướng, những câu nói này đã cho tôi niềm tin, ý chí và kim chỉ nam trên con đường phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, luôn chấp hành các chủ trương chính sách, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ, lãnh đạo TƯ và địa phương tích cực tham gia công tác xã hội, công tác phòng, chống dịch, đồng thời luôn tự tin chủ động sáng tạo với các giải pháp phù hợp, linh hoạt duy trì ổn định SXKD giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, chăm lo đời sống người lao động"- ông Đỗ Quang Hiển nói.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các bộ ngành đã chia sẻ những khó khăn và giải đáp những vướng mắc và dự báo tình hình sắp tới để các doanh nhân chủ động trong hoạt động của mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận tại buổi gặp mặt
Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, tôi xin được biểu dương và cảm ơn những nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra hiện nay".
Thủ tướng nêu rõ, đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ vượt qua gia đoạn khó khăn này để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn “sỹ, nông, công, thương”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, với sức sáng tạo và nỗ lực, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vẫn bền bỉ hoạt động, vượt khó vươn lên, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã được ban hành kịp thời và phần nào chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đang phải đối mặt.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đang nỗ lực để bố trí đủ vaccine để tiêm cho người lao động; Từng bước mở cửa lại nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; triển khai khôi phục các đường bay nội địa; yêu cầu bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp một số loại thuế; Điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; Thực hiện 5 đợt giảm tiền điện, ước tính tổng giá trị hỗ trợ khoảng 17.000 tỷ đồng; hỗ trợ các dịch vụ viễn thông khoảng 10.000 tỷ đồng; Triển khai gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động với tổng mức hỗ trợ khoảng 64.000 tỷ đồng; thiết lập đường dây nóng của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để tiếp nhận và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân với tinh thần khẩn trương nhất, hiệu quả nhất.
Thủ tướng cho biết, trong ngắn hạn, để tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ sẽ: Khẩn trương ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động có kế hoạch phục hồi kinh tế trong tình hình mới. Chủ động, tích cực cùng với doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong trung hạn và dài hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra những yếu tố nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững: Đó là đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thích ứng với bối cảnh mới; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân; Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng và địa phương; Bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư; Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho doanh nhân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi, giảm rủi ro kinh doanh.
Hỗ trợ nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, doanh nhân; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, hệ thống y tế cơ sở; Phát triển mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, của địa phương với doanh nghiệp là trung tâm. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tăng đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và thâm nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới. Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng đổi mới tư duy, nỗ lực hết mình, đổi mới và sáng tạo, tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng với tình hình mới. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, tăng cường hợp tác, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, nhất là các nội dung liên quan đến khu vực doanh nghiệp.
Tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bản sắc, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa kinh doanh, không chỉ nhìn lợi ích trong ngắn hạn mà phải có chiến lược, tư duy dài hạn trong kinh doanh, tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chính phủ mong muốn các Hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp đỡ, cùng vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Lịch sử dân tộc đã chứng minh, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đoàn kết đã giúp Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta tôn vinh những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam và mong muốn các doanh nhân tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực vượt khó, chiến thắng dịch bệnh và thành công trong phục hồi, phát triển KTXH, tiếp tục viết lên trang sử vẻ vang của doanh nhân Việt Nam. Chúc cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”./.