Tôi không tự mình nghĩ ra điều đó, mà đều dựa trên cơ sở những chủ trương, chính sách tỉnh đang triển khai. Đó là phương án kết nối cung cầu việc làm cho lao động tại doanh nghiệp. Là hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn để lao động hồi hương tạo lập sinh kế. Là hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo thêm những cơ hội việc làm mới...
Chú em bảo ở làng bây giờ còn gần chục người hồi hương. Ai cũng nhấp nhổm. Người bảo ở lại cho yên tâm, dịch bệnh vừa rồi là quá đủ mệt mỏi rồi. Người lại bảo đi để nuôi hy vọng. Họ đang mất phương hướng, chẳng biết phải quyết định thế nào cho đúng. Anh nói thì em biết vậy, nhưng em chưa thế yên tâm ngay được.
Tôi trách chú em là mình đã nói đến thế mà vẫn cứ bán tín bán nghi. Nhưng tôi cũng thông cảm bởi điều để ràng buộc chú với quê nhà thì chưa đến, chú cũng chưa nhìn ra, trong khi mọi thứ để có thể bấu víu vào lại đều đang ở phương Nam. Đó là hợp đồng lao động với doanh nghiệp còn hiệu lực, là bảo hiểm xã hội chưa chuyển về, là những mối quan hệ cũ, cách làm việc theo thói quen cũ...
Thế nhưng, khi tia hy vọng vừa lóe lên khi cuộc sống ở nhiều tỉnh, thành phía Nam đang dần bình thường trở lại, thì lại chìm xuống trong suy nghĩ của nhiều lao động vừa bất chấp mọi giá để trở về nhà. Trở vào thì phải đảm bảo thu nhập, sức khỏe, chứ không phải cố gắng trở vào rồi lại phải tháo chạy như vừa rồi. Bởi cuộc sống đâu chỉ có dịch bệnh, còn muôn vàn khó khăn, hiểm nguy mà những lao động không có nhà ở, không có việc làm với thu nhập ổn định phải đối mặt.
Nhưng ở nhà thì liệu có đảm bảo một sinh kế lâu dài không? Có rất nhiều giả thiết mà người lao động vừa hồi hương đang đặt ra và họ đều không thể trả lời.
Giá như ngay bây giờ ai đó làm được cái việc chắc nịch, đó là chỉ ra con đường cho lao động hồi hương đi hoặc chí ít để họ thật sự nhìn thấy tương lai của mình ở quê nhà, từ đó đủ kiên nhẫn chờ đợi, thì những người như chú em tôi sẽ vợi đi rất nhiều nỗi niềm. Những chủ trương, chính sách an dân nhằm vào lao động hồi hương mà tỉnh đã đề ra là rất đúng hướng, nhưng để những người thụ hưởng tiếp cận ngay được sự ưu việt từ những chính sách đó, không gì hơn bằng từng cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở phải đẩy nhanh tiến độ thực thi chính sách.
Đặc biệt, chính quyền cơ sở là cấp gần người lao động nhất, hãy làm gì đó để người lao động có niềm tin chờ đợi, bắt nhịp dần cuộc sống mới nơi quê nhà, thay cho cứ phải nhấp nhổm chuyện đi hay ở.
Thiếu việc làm trước mắt có lẽ không phải là vấn đề quá lớn lúc này với nhiều lao động vừa hồi hương, bởi sau họ còn có người thân hỗ trợ tạm thời. Cái họ cần lớn hơn chính là niềm tin, động lực để kiên nhẫn chờ đợi. Công tác tuyên truyền vì thế phải định hướng, lan tỏa, dẫn dắt và tạo lập niềm tin để những lao động hồi hương nhìn ra cơ hội. Truyền thông chính sách một cách chính thống và hiệu quả là điều quá cần lúc này, để làm vơi đi những thắc thỏm, âu lo đang canh cánh trong lòng nhiều lao động vừa hồi hương.